|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cách nào để kiếm lời trên thị trường phái sinh?

07:35 | 20/07/2017
Chia sẻ
Thời điểm khai trương thị trường chứng khoán phái sinh đang cận kề, bên cạnh những điểm hấp dẫn thì cũng có không ít rủi ro của sản phẩm mới này được giới chuyên gia chứng khoán cảnh báo.

Nhận diện cơ hội

Sau khi bị trì hoãn triển khai trong quý II, dự kiến, đầu tháng 8 này, thị trường phái sinh sẽ chính thức được khai trương, với sản phẩm ban đầu là hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

Hợp đồng tương lai được định nghĩa là hợp đồng thỏa thuận đồng ý mua hoặc bán tài sản cơ sở với mức giá và thời điểm giao hàng xác định trước. Hợp đồng tương lai được niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán với các điều khoản được chuẩn hóa.

Thực tế, hợp đồng tương lai dựa trên một chỉ số cổ phiếu được xem là sản phẩm phái sinh đơn giản nhất, thường được triển khai đầu tiên ở các thị trường chứng khoán phái sinh tập trung mới ra đời.

Tham gia mua bán hợp đồng tương lai chỉ số, nhà đầu tư có những quyền lợi hấp dẫn như cho phép giao dịch mà không cần sở hữu tài sản cơ sở, có thể chốt lãi/lỗ ngay trong ngày giao dịch (giao dịch T+0).

Điểm đặc biệt nữa là, hiệu ứng đòn bẩy của sản phẩm này rất cao và đây không phải là khoản vay giữa nhà đầu tư và công ty chứng khoán.

Margin tại thị trường phái sinh được xem là tài sản đặt cọc ban đầu để đảm bảo thanh toán và tỷ lệ “đặt cọc” này vào khoảng 10-15% giá trị giao dịch để đảm bảo thanh toán (áp dụng cả cho người mua và người bán hợp đồng).

Như vậy, hiệu ứng đòn bẩy lên tới 7 - 10 lần. Trong khi đó, trên thị trường cơ sở, tỷ lệ margin tối đa là 50% (1:1), tức nhà đầu tư có 1 đồng thì được vay 1 đồng của công ty chứng khoán để đầu tư.

Theo quy định, hệ số nhân đối với VN30 Index là 100.000 đồng, có nghĩa là quy mô hợp đồng cơ sở tương lai chỉ số VN30 Index tại mức 700 điểm là 70 triệu đồng (100.000 đồng x 700). Tuy nhiên, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ ban đầu theo tỷ lệ 10% hợp đồng, tương đương 7 triệu đồng là có thể tham gia giao dịch.

Thời gian giao dịch của hợp đồng tương lai cũng tương tự với chứng khoán cơ sở và biên độ dao động giá là 7%. Đơn vị giao dịch là một hợp đồng và giới hạn tối đa một lệnh giao dịch là 500 hợp đồng.

Kiếm lời thế nào?

Với những nhận thức cơ bản về sản phẩm, điều mà nhiều nhà đầu tư quan tâm là chiến lược giao dịch của sản phẩm rất mới mẻ này như thế nào để cho hiệu quả cao nhất.

Theo chuyên gia của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), có 3 chiến lược chính khi đầu tư hợp đồng tương lai chỉ số, gồm đầu cơ theo xu thế giá, phòng ngừa rủi ro cho danh mục nắm giữ và chiến lược giao dịch trong ngày.

Chiến lược đầu cơ theo xu thế giá được chia thành hai trường hợp. Khi dự báo thị trường tăng, nhà đầu tư mua hợp đồng tương lai và bán khi giá tăng. Ở chiều ngược lại, với xu thế giảm điểm, nhà đầu tư sẽ bán hợp đồng tương lai và mua khi chỉ số giảm để kiếm lời.

Chiến lược phòng ngừa rủi ro cho danh mục nắm giữ được hiểu là việc sử dụng hợp đồng tương lai để bảo toàn giá cho danh mục (cổ phiếu) nắm giữ.

cach nao de kiem loi tren thi truong phai sinh

Cụ thể, khi dự báo thị trường giảm, nhà đầu tư đang sở hữu các cổ phiếu tốt và không muốn bán đi vì cho rằng bán đi khó mua lại với giá hời hoặc tốn chi phí giao dịch. Lúc này, nhà đầu tư thực hiện bán hợp đồng tương lai để bù đắp lỗ trong trường hợp các cổ phiếu nắm giữ giảm giá.

Trong trường hợp mua cổ phiếu trên thị trường cơ sở, nhưng “hàng” chưa về thì giá giảm, nếu kỳ vọng thị trường chung tăng, nhà đầu tư có thể chuyển hướng mua hợp đồng tương lai và kiếm lời nếu thị trường tăng như kỳ vọng.

Chiến lược thứ ba là chiến lược giao dịch trong ngày. Đây là chiến lược phổ biến tại các thị trường trên thế giới. Nhờ lợi ích là có thể mở và đóng vị thế hợp đồng trong cùng một phiên, thực hiện chiến lược này, nhà đầu tư không bị rủi ro để hợp đồng qua đêm.

Theo ông Nguyễn Duy Linh, Phó giám đốc phụ trách Khối Môi giới khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI, chiến lược này chỉ dành cho những người giao dịch thường xuyên, am hiểu phân tích kỹ thuật và thực sự quyết đoán với chiến lược mình đã đặt ra.

Trong cả ba chiến lược trên, ông Linh khuyến cáo các nhà đầu tư dùng các biện pháp phòng ngừa rủi ro. Cụ thể đặt lệnh stop loss (mức khuyến nghị +/- 1%) với mọi giao dịch, khi đó nếu thị trường đi ngược dự đoán, tăng hoặc giảm 1% một lệnh (mua hoặc bán) sẽ tự động được thực hiện để tránh việc “cháy” tài khoản.

“Điều tôi muốn nhấn mạnh là trong tất cả chiến lược, khi mở một vị thế, chúng ta phải luôn có một vị thế đối ứng để phòng ngừa rủi ro” ông Linh nhấn mạnh.

Nhận diện rủi ro

Bên cạnh những cơ hội hấp dẫn từ sản phẩm chứng khoán phái sinh, các chuyên gia chứng khoán cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn của thị trường chứng khoán phái sinh nói chung và sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN30 nói riêng. Cụ thể, rủi ro ký quỹ rất cao, nhà đầu tư có thể lỗ ngay lập tức.

Trên thị trường chứng khoán cơ sở, hiện tượng “làm giá” cổ phiếu chẳng phải là chuyện xa lạ. Và chỉ số hợp đồng tương lai dựa trên chỉ số chứng khoán, các chỉ số bị bóp méo với mục đích riêng rất có thể sẽ xảy ra.

Một điểm đáng lo ngại khác với nhà đầu tư chứng khoán phái sinh đó là việc không có cơ chế rõ ràng xử lý khi nhà đầu tư không đóng được vị thế hợp đồng.

cach nao de kiem loi tren thi truong phai sinh

Lo ngại này xảy ra trong trường hợp thị trường mất thanh khoản và nhà đầu tư muốn bán không bán được (trong trường hợp đóng vị thế mua), muốn mua không mua được (trong trường hợp đóng vị thế bán).

Đây là trường hợp khó xảy ra, nhưng không phải là không thể, đặc biệt khi thị trường xảy ra những cú sốc (bởi tác động của bất kỳ một yếu tố bất thường nào, như từng xảy ra trong quá khứ).

Vai trò của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) trên thị trường là đối tác bù trừ trung tâm, chủ thể đứng giữa các bên giao dịch, người bán của tất cả các người mua và người mua của tất cả các người bán. Nhưng VSD chỉ là trung gian, người bán muốn bán phải có người mua lệnh đối ứng, nếu không sẽ không đóng được vị thế.

Tại một cuộc tọa đàm mới đây về thị trường chứng khoán phái sinh, ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc VSD cho biết, trên thị trường phái sinh, giao dịch là nhà đầu tư thực hiện, nhưng thành viên bù trừ phải chịu trách nhiệm đến cùng. Tuy nhiên, nhưng phương án cụ thể vẫn là một dấu hỏi cho thị trường.

Một phương án của một chuyên gia đưa ra là: “Công ty chứng khoán sẽ kết hợp với VSD đóng băng giao dịch của hợp đồng để tìm hiểu nguyên nhân và sau đó sẽ quy rõ trách nhiệm cho mỗi bên để xử lý."

Việc mua hay bán một hợp đồng tương lai của một chỉ số là nhà đầu tư tham gia đánh cược về biến động của chỉ số đó. Như vậy, nói là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng nhà đầu tư hoàn toàn có thể mất “cả chì lẫn chài” (lỗ cổ phiếu, lỗ cả phái sinh) nếu dự đoán sai xu hướng.

Dù có những rủi ro, nhưng theo nhận định của một số chuyên gia chứng khoán, thị trường phái sinh nhiều khả năng sẽ sôi động. Bởi ngoài những yếu tố hấp dẫn đã nêu, mấu chốt là hàng hóa trên thị trường chứng khoán phái sinh vẫn quá ít nếu so với thị trường cơ sở.

Dẫn chứng được đưa ra là trên thị trường chứng khoán cơ sở có hơn 1.000 cổ phiếu đang niêm yết, nhưng chứng khoán phái sinh mới chỉ có 1 sản phẩm. Có thể hợp đồng chia theo kỳ hạn, nhưng cho dù 5 hợp đồng tương lai thì vẫn quá ít so với chứng khoán cơ sở. Hơn thế, đa phần mọi người mua hợp đồng tương lai kỳ hạn gần nhất.

Nguyễn Gia