Cách CP Foods đối đầu với tôm Ecuador khi sản lượng chỉ bằng một phần nhỏ so với đối thủ
Chiến lược đánh vào thị trường ngách
Làm thế nào để bạn cạnh tranh với một quốc gia sản xuất tôm khổng lồ như Ecuador khi sản lượng của Thái Lan chỉ bằng 1/5 của họ? Nói một cách thẳng thắn là không thể, theo ông Prasit Boondoungprasert, Giám đốc điều hành của tập đoàn Charoen Pokphand Foods (CP Foods).
Thay vào đó, các công ty chọn cách đánh vào thị trường ngách. Ông Prasit Boondoungprasert trả lời phỏng vấn tờ Undercurrent News tại triển lãm Thaifex Anuga Asia : “Chúng tôi tập trung vào tăng kích thước tôm. Thông thường rất ít công ty có thể nuôi tôm đạt được cỡ lớn, chỉ khoảng 30 con/kg là tối đa nhưng với tôm của chúng tôi có thể phát triển tới cỡ 20 con/kg.
Điều này có nghĩa là CP Foods hiện bán tôm sang Mỹ với kích thước trung bình khoảng 25 con/kg, và dự kiến sẽ giảm xuống 23 con/kg trong năm nay.
“Đây chính là thị trường ngách của CP Foods. Chúng tôi không đánh vào thị trường tôm cỡ nhỏ bởi không thể đấu lại được với Ecuador. Sản lượng của Ecuador rất lớn trong khi họ rất gần với Mỹ nên chi phí logistics rẻ. Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn phân khúc tôm cỡ lớn, cao cấp”.
Năm nay, CP Foods có kế hoạch tung ra loạt sản phẩm tôm mới tại Mỹ. Một vài kế hoạch bao gồm việc kết hợp tôm với các sản phẩm khác của CP Foods như thịt heo để làm đồ ăn liền cũng chuẩn bị được tung ra.
“Trước đây, chúng tôi chỉ làm hoành thánh tôm, bây giờ làm cả rau và mì. Vì vậy, thay vì được coi là đồ ăn vặt, hoành thánh tôm trở thành món ăn chính. Sự chuyển đổi này sẽ giúp doanh số tăng lên rất nhanh trong vòng ít nhất 2 - 3 năm tới. Nếu các nhà chế biến của Mỹ, EU tự sản xuất, chi phí sẽ lớn hơn rất nhiều so với việc nhập hàng từ chúng tôi. Do đó, các đơn đặt hàng từ Châu Âu và một số thị trường khác đang tăng mạnh”, ông nói.
Tuy nhiên, trong khi nhu nhu cầu tăng đáng kể thì chi phí cũng vậy. Do đó, ông Boondoungprasert không kỳ vọng biên lợi nhuận của công ty sẽ thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
“Ở một số quốc gia, lạm phát là một vấn đề, đặc biệt là Mỹ. Không chỉ chi phí vận chuyển, mà còn tất cả chi phí đều tăng”ông Prasit Boondoungprasert nói.
“Chi phí mọi mặt hàng đều tăng tối thiểu 15%, mức tăng trung bình lên tới 40%.”
Theo vị CEO này, chi phí sản xuất thịt gà ở Mỹ đã tăng 50%, trong đó chi phí logistics tăng tới 120% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông giải thích phần lớn điều này cũng bắt nguồn từ việc chi phí lao động ở Mỹ tăng lên, khi lương tại nhà máy đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái lên mức trung bình là 17-18 USD mỗi giờ. Tại Thái Lan, chi phí lao động cũng có mức tăng tương tự.
“Chúng tôi đoán rằng có rất nhiều người ngoại tỉnh đến Bangkok hoặc các tỉnh ven đô làm việc. Nhưng do đại dịch COVID-19, họ đã trở về quê khoảng một năm rưỡi. Vì vậy, họ có thể đã thích nghi với cuộc sống ở quê nhà”.
Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lao động sau đại dịch.
Boondoungprasert nói. “Cái nào tốt cho họ nhưng lại không tốt cho doanh nghiệp. Chúng tôi đã mất rất nhiều người vào năm ngoái. Năm nay, tình hình đã tốt hơn khi số lượng lao động tăng lên. Thế nhưng với số lao động hiện tại vẫn không đủ để đáp ứng khối lượng công việc khổng lồ tại nhà máy”.
Tăng trưởng doanh thu từ tôm dự kiến tăng 42%
Ông Prasit Boondoungprasert cho biết thông thường công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh số bán hàng khoảng 8% mỗi năm nhưng năm nay nhu cầu lớn, mức tăng trưởng có thể đạt “2 con số” khoảng 12 - 13%.
Trong quý đầu tiên, CP Foods báo doanh thu từ hoạt động nuôi trồng thuỷ sản tăng 36%, trong đó, tăng trưởng mảng kinh doanh tôm ở các thị trường nước ngoài lên tới 42%.
“Chúng tôi đang rà soát lại hoạt động kinh doanh ở các nước, trong đó, đáng chú ý nhất là tại Philippines”, ông Boondoungprasert nói.
CP Foods bắt đầu hoạt động tại Philippines từ khoảng 7 năm trước với 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi và 1 nhà máy chế biến, giết mổ thịt heo.
Cách đây 3 năm, công ty đã xây dựng các trang trại nuôi tôm thương phẩm tại Philippines, trở thành quốc gia thứ 5 CP Foods đặt cơ sở nuôi tôm sau Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Malaysia. Ngoài ra, CP Foods cũng đang liên doanh với một số công ty tôm tại Brazil và nuôi thử nghiệm tại Mỹ.