Các thương hiệu toàn cầu lao đao vì thị hiếu của dân Trung Quốc thay đổi
Chưa cần chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đã rạn nứt |
Các công ty đến từ Mỹ và Châu Âu như Starbucks, Apple, Coca Cola từng nhận định Trung Quốc là mảnh đất hấp dẫn để phát triển thị trường.
Theo CNN, sự thay đổi thị hiếu người dùng và thách thức từ những đối thủ mới của Trung Quốc đang khiến họ phải thay đổi chiến lược để thành công tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thách thức lớn mà những "gã khổng lồ" như Starbucks, Apple phải đối mặt hoàn toàn không liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, ít nhất là đến thời điểm này. Lý do chính là sự cạnh tranh và sự giàu nhanh của người dân Trung Quốc.
“Thị hiếu người tiêu dùng Trung Quốc đang thay đổi một cách nhanh chóng”, Benjamin Cavender, một chuyên gia phân tích của Tập đoàn tư vấn Nghiên cứu Thị trường Trung Quốc bình luận.
Coca Cola phải thích nghi với thực tế mới
Curtis Ferguson, Giám đốc điều hành của Coca-Cola tại Trung Quốc, cho biết: "Chúng tôi đã nhìn thấy sự thay đổi to lớn của các mô hình tiêu dùng”. Coca-Cola đã cho ra mắt hơn 30 thương hiệu đồ uống mới tại Trung Quốc trong vòng 6 tháng vừa qua, nâng tổng loại đồ uống hiện hữu tại đây lên 275 loại.
Những sản phẩm mới bao gồm từ loại Coke bình thường cho tới các loại đặc biệt hơn như hương vị đậu vàng và sợi táo, thậm chí còn có dòng trà dành riêng cho thị trường Trung Quốc. Đây là một sự thay đổi lớn với Coca-Cola, bởi trước đây hãng vốn tiếp cận thị trường phần nhiều nhờ vào sức mạnh của thương hiệu.
Quảng cáo của Coke ra mắt sản phẩm hương vị đậu vàng và sợi táo. |
Vị giám đốc cho rằng thương hiệu của các công ty phương Tây không phải thực sự lợi hại đến mức bất khả xâm phạm. “Hoặc bạn tự phá hủy thương hiệu tại Trung Quốc, hoặc người khác sẽ làm nó thay bạn”, Ferguson nhấn mạnh.
Starbucks và cuộc chiến với các công ty cà phê nội địa
Starbucks cũng đã cảm nhận những khó khăn khi người dân Trung Quốc thay đổi thói quen tiêu dùng. Họ có khoảng 3.000 cửa hàng tại Trung Quốc và đây trở thành một trong những thị trường hàng đầu của Starbucks.
Tuy nhiên vào hồi tháng 6, mức tăng trưởng trong kết quả kinh doanh của công ty tại Trung Quốc gần đây đã giảm đột ngột, chỉ sau vài tuần công bố kế hoạch mở rộng nhanh chóng.
Một phần nguyên nhân là Starbucks vấp phải sự cạnh tranh mãnh liệt từ đối thủ nội địa mới nổi - Luckin Coffee. Chưa đến một năm từ ngày ra mắt, Luckin có tới hơn 500 cửa hàng. Nhiều khách hàng của Luckin đặt hàng trực tuyến hoặc mua mang đi. Người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các ứng dụng giao hàng đồ ăn hoặc nước giải khát như Meituan Dianping.
Starbucks mở cửa hàng lớn nhất thế giới tại Thượng Hải, Trung Quốc vào năm trước. |
“Starbucks luôn chậm chân trong việc áp dụng công nghệ tại Trung Quốc. Khách hàng đã mệt mỏi vì việc phải xếp hàng dài chờ đợi”, Cavender cho biết. Trước tình trạng này, hãng cà phê cũng đang cố gắng thay đổi khi mới đây đã bắt tay Alibaba – hãng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc để cung cấp các dịch vụ giao cà phê.
Hãng sản xuất xe gặp phải thách thức lớn
Không riêng các thương hiệu đồ uống, các nhà sản xuất ô tô cũng đối mặt với thách thức lớn.
Những nhà sản xuất ô tô toàn cầu cũng đang phải tranh giành để theo kịp với những thay đổi của thị trường Trung Quốc - thị trường ô tô lớn nhất thế giới. Các hãng sản xuất gặp phải sự đe doạ từ sự phát triển nhanh chóng của xe điện, được hậu thuẫn bởi chương trình trợ giá của chính phủ.
Francois Provost, Chủ tịch Renault tại châu Á Thái Bình Dương, cho biết công ty của ông phải cạnh tranh với các hãng sản xuất truyền thống và cả các đối thủ mới nổi tại Trung Quốc. Ví dụ như giá của một chiếc SUV do nhà sản xuất nội địa Nio bán ra chỉ bằng một nửa chiếc Model X của Tesla.
Provost nhận định, giá niêm yết là điều quan trọng đối với hầu hết khách hàng Trung Quốc mua xe lần đầu. Tuy nhiên, tài xế cũng quan tâm đến hãng xe điện có thời lượng pin dài hơn khi Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng các trạm sạc ở khắp nơi. Provost nói: "Thách thức lớn là phải đồng thời tăng hiệu qủa và giảm giá. Điều này sẽ làm khó các nhà sản xuất xe. Nói thật là chúng tôi cũng không thể làm được điều này”.
Apple mất dần vị thế trên đường đua sáng tạo
Trong hai năm qua, ông lớn Apple cũng mất dần thị phần vào tay các hãng công nghệ nội địa. Theo ước tính của nhà phân tích, iPhone chiếm chưa đến 10% thị phần điện thoại thông minh (smartphones) tại quốc gia này, trong khi tại Mỹ hãng chiếm khoảng 40% thị phần. Apple vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các công ty Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.
Mo Jia, nhà nghiên cứu tại Canalys nhận định Apple trượt dốc khá nhiều tại thị trường Trung Quốc những năm gần đây. Sự thay đổi đột phá của các thương hiệu Trung Quốc đang định hình lại phân phúc cấp cao.
Hai mẫu iPhone mới nhất của Apple là XS và XS MAX đã bổ sung các tính năng để thu hút khách hàng Trung Quốc như sim kép và màn hình rộng hơn. Tuy nhiên, các nhà phân tích không tin chúng sẽ tạo ra khác biệt lớn.
Xem thêm |