|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Các thị trường tiêu thụ chính mở cửa trở lại, cơ hội cho xuất khẩu gỗ quay về đường đua

11:29 | 09/06/2020
Chia sẻ
Từ tháng 5 các thị trường tiêu thụ chính của gỗ Việt Nam như Mỹ, EU, Đức, Tây Ban Nha... dần trở lại hoạt động bình thường khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết ngành gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, bên cạnh thủy sản, rau quả. 

Cụ thể, tác động của đại dịch COVID-19 đặc biệt rõ rệt kể từ tháng 3 trở đi. Mặc dù Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với 83,5% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nhưng các thị trường này đều đã thông báo giãn hoặc hủy bỏ các đơn hàng. 

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam về tác động của đại dịch Covid 19, cho đến nay đã có trên 80% các nhà mua hàng xuất sang thị trường Mỹ thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng đợi tình hình mới; 81% doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU đã nhận được thông báo hủy đơn và giãn đơn hàng; các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm từ 60- 80%. 

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hiện tại các khách hàng không tới nhà máy duyệt mẫu do đó các doanh nghiệp gỗ Việt chưa kí được đơn hàng mới cho mùa hàng 2020 - 2021, kéo theo nhiều nhà máy tiềm ẩn nguy cơ đóng cửa và ngừng hoạt động trong thời gian tới, hàng trăm nghìn lao động đối mặt với tình trạng thất nghiệp, không đảm bảo việc làm và an sinh xã hội cho người lao động trong thời gian dài. 

Theo đó, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 5/2020 ước đạt 649 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ 5 tháng đầu năm 2020 đạt 3,94 tỉ USD, giảm 2,5% so với cùng kì năm 2019. 

Tuy nhiên trong tháng 5, việc đại dịch COVID-19 được kiểm soát tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng. 

Tại Mỹ, nhiều tiểu bang bắt đầu dỡ bỏ các lệnh phong tỏa và quay trở lại với các hoạt động kinh tế để làm giảm nguy cơ suy giảm tăng trưởng cũng như giảm thất nghiệp gây ra bởi đại dịch COVID-19 trong bối cảnh tình hình đại dịch còn diễn biến tương đối phức tạp tại nước này. 

Tại EU, lệnh phong tỏa đang từng bước được gỡ bỏ cũng là dấu hiệu tích cực cho xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Tại Italy, lĩnh vực sản xuất, xây dựng và phân phối được phép hoạt động trở lại. 

Ở một số vùng của Tây Ban Nha, các cửa hàng, nhà hàng, khách sạn mở cửa ở mức hạn chế. Các cửa hàng thực phẩm lớn, tiệm làm tóc và các cơ sở thể thao ngoài trời ở Áo mở cửa từ cuối tuần qua. 

Tại Ðức, các địa điểm tôn giáo, khu vui chơi cũng bắt đầu đón khách. Trước đó, Ðan Mạch và Na Uy là những nước châu Âu đầu tiên nới lỏng các hạn chế xã hội. 

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng đại dịch COVID-19 mang đến những thách thức đến ngành gỗ nhưng cũng mang lại cơ hội để chuyển đổi đối với ngành. 

Cụ thể, mô hình kinh doanh theo chuỗi cửa hàng hiện đang gặp khó khăn vì chi phí vận hành lớn và thiếu tính năng động. COVID-19 là động lực để chuyển đổi mô hình kinh doanh trực tuyến và đẩy mạnh ứng dụng không gian kỹ thuật số trong ngành gỗ. 

Trước bối cảnh khó khăn và cơ hội hiện nay, các doanh nghiệp chế biến trong ngành cần tận dụng cơ hội tái cơ cấu bộ máy để hoạt động hiệu quả hơn cũng như đẩy nhanh việc chuyển đổi phương thức kinh doanh. 

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thường xuyên nắm bắt thông tin từ phía doanh nghiệp thông qua Hiệp hội, tiếp thu ý kiến và chủ động xây dựng các hoạt động, chương trình hỗ trợ, đồng hành cùng ngành gỗ trong bối cảnh khó khăn vì đại dịch như nghiên cứu khoa học, công nghệ ứng dụng trong ngành gỗ, các sản phẩm từ gỗ, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại có liên quan.

Như Huỳnh

S&P 500 tiến sát đỉnh khi thị trường tiếp tục lạc quan với chính sách của Tổng thống Trump
Nhóm cổ phiếu công nghệ đã dẫn dắt thị trường sau khi Tổng thống Trump công bố kế hoạch thu hút 500 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng AI tại Mỹ.