|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các startup xe điện nỗ lực bổ sung tiền mặt, sẵn sàng sống những tháng ngày 'không lợi nhuận' khi chi phí sản xuất tăng cao

13:39 | 29/08/2022
Chia sẻ
Những startup xe điện hàng đầu thế giới như Rivian, Lucid, Fisker,... đang chạy đua huy động vốn để có đủ lượng tiền mặt nhằm phát triển các mẫu xe mới trong giai đoạn "không lợi nhuận".

Các nhà sản xuất ô tô lâu đời và các startup đều đang liên tục tung ra các mẫu xe điện mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Đẩy mạnh sản xuất một mẫu xe mới vốn đã là một quá trình đầy khó khăn và tốn kém, nhưng chi phí nguyên vật liệu tăng và các quy định phức tạp đang khiến các nhà sản xuất phải siết chặt ngân sách chi tiêu, theo CNBC.

Giá nguyên liệu thô được sử dụng trong nhiều loại pin xe điện như lithium, niken và coban đã tăng vọt trong hai năm qua và có thể phải mất vài năm để ổn định. Điều này kết hợp với những vấn đề đề cũ đã khiến các nhà sản xuất chịu áp lực về mặt chi phí.

Các nhà sản xuất ô tô thường chi hàng trăm triệu USD để thiết kế và lắp đặt công cụ chế tạo các loại xe mới trước khi xuất xưởng một mẫu xe. Gần như tất cả nhà sản xuất ô tô toàn cầu hiện duy trì khoản dự trữ tiền mặt khổng lồ từ 20 tỷ USD trở lên. Những khoản dự trữ đó tồn tại để đảm bảo rằng các công ty có thể tiếp tục phát triển các mô hình mới trong trường hợp suy thoái kinh tế (hoặc đại dịch) làm mất đi doanh thu và lợi nhuận trong một vài quý.

Tất cả số tiền và thời gian đó có thể là một vụ đánh cược đầy rủi ro. Nếu mẫu xe mới không gây được tiếng vang với khách hàng hoặc nếu các vấn đề sản xuất làm trì hoãn thời gian ra mắt cũng như giảm chất lượng, nhà sản xuất ô tô có thể không kiếm đủ tiền để trang trải những gì họ đã chi, đồng nghĩa với việc thua lỗ.

Các startup xe điện hàng đầu thế giới đang nỗ lực để huy động thêm vốn. (Ảnh: Business Insider).

Đối với các startup, rủi ro tài chính khi thiết kế một chiếc xe điện mới có thể tồn tại trong thời gian dài.

Lấy ví dụ như Tesla, khi nhà sản xuất ô tô này chuẩn bị ra mắt Model 3, CEO Elon Musk và nhóm của ông đã lên kế hoạch cho một dây chuyền sản xuất tự động hóa cao cho Model 3, với các robot và máy móc chuyên dụng được cho là có giá hơn một tỷ USD.

Nhưng một số hoạt động tự động hóa đó không hoạt động như mong đợi và Tesla đã chuyển một số nhiệm vụ lắp ráp cuối cùng sang một căn lều bên ngoài nhà máy của mình. Tesla đã rút ra nhiều kinh nghiệm từ bài học đắt giá mà CEO Elon Musk từng khẳng định suýt khiến công ty bị phá sản.

Khi các startup xe điện tăng cường sản xuất, ngày càng nhiều nhà đầu tư nhận ra rằng việc đưa một chiếc xe từ bản thiết kế đến sản xuất là quá trình dài và cần nhiều vốn. Việc huy động vốn hiện nay trở nên khó khăn hơn so với chỉ một hoặc hai năm trước, qua đó khiến lượng tiền mặt của các startup được những chuyên gia phố Wall chú ý nhiều hơn.

Rivian

Rivian được cho là startup xe điện có lượng tiền mặt lớn nhất hiện nay, với hơn 15 tỷ USD tính đến cuối tháng 6. Nguồn tiền này đủ để hỗ trợ cho các hoạt động của công ty, chẳng hạn như kế hoạch ​​ra mắt nền tảng xe “R2” vào năm 2025, Theo Giám đốc tài chính Claire McDonough.

Rivian đã phải vật lộn để tăng cường sản xuất xe bán tải và SUV dòng R1 trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn. Công ty đã đốt khoảng 1,5 tỷ USD trong quý II, nhưng cũng cho biết có kế hoạch giảm chi tiêu ngắn hạn xuống khoảng 2 tỷ USD trong năm nay từ kế hoạch chi 2,5 tỷ USD được công bố trước đó để đảm bảo có thể đạt được các mục tiêu dài hạn.

Một nhà phân tích của phố Wall cho rằng Rivian cần phải huy động thêm vốn trước năm 2025. Trong một ghi chú sau báo cáo kết quả kinh doanh của Rivian, nhà phân tích Adam Jonas của Morgan Stanley đã đưa ra dự đoán rằng công ty có thể huy động được 3 tỷ USD thông qua đợt chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thứ cấp trước năm 2024 và thêm 3 tỷ USD trong năm 2024 và 2025.

Lucid

Nhà sản xuất xe điện Lucid Group không có nguồn dự trữ tiền mặt nhiều như Rivian, nhưng vẫn tốt hơn đáng kể so với các đối thủ khác. Tính đến cuối quý II, Lucid nắm giữ nguồn tiền mặt trị giá 4,6 tỷ USD, giảm so với mức 5,4 tỷ USD thời điểm cuối quý I. Theo Giám đốc tài chính Sherry House, con số này đủ để Lucid hoạt động tới năm 2023.

Tương tự Rivian, Lucid đã phải vật lộn để tăng cường sản xuất kể từ khi tung ra mẫu sedan hạng sang Air vào mùa thu năm ngoái. Công ty đang lên kế hoạch chi nhiều hơn để mở rộng nhà máy ở Arizona và xây dựng nhà máy thứ hai ở Saudi Arabia.

Tuy nhiên, một điểm khác giữa Lucid với Rivian là việc Lucid có một nhà đầu tư lớn, quỹ tài sản công của Saudi Arabia, đơn vị sở hữu khoảng 61% cổ phần của nhà sản xuất xe điện có trụ sở tại California và gần như chắc chắn sẽ tham gia vòng gọi vốn nếu công ty này thiếu tiền mặt. Phần lớn nhà phân tích phố Wall không quan tâm đến việc đốt tiền mặt trong quý II của Lucid.

Fisker

Khác với Rivian và Lucid, Fisker không có kế hoạch xây dựng nhà máy riêng để sản xuất xe điện. Thay vào đó, công ty do cựu nhà thiết kế Aston Martin Henrik Fisker thành lập sẽ sử dụng các nhà sản xuất theo hợp đồng, bao gồm Magna International và Foxconn để chế tạo xe hơi.

Điều đó đại diện cho một thứ gì đó đánh đổi bằng tiền mặt. Fisker sẽ không phải chi nhiều tiền để đưa chiếc Ocean SUV sắp ra mắt vào sản xuất, nhưng gần như chắc chắn sẽ phải chấp nhận từ bỏ một số lợi nhuận để trả cho các nhà sản xuất sau này.

Quá trình sản xuất của Ocean dự kiến ​​bắt đầu vào tháng 11 tại một nhà máy ở Áo do Magna làm chủ. Fisker sẽ phải chi một số khoản cho thời gian này, chẳng hạn như tiền cho nguyên mẫu và thanh toán cho Magna, nhưng với lượng tiền mặt trị giá 852 triệu USD tính đến cuối quý II, công ty dường như không gặp khó khăn gì với những khoản phí đó.

Nhà phân tích Joseph Spak của RBC cho biết sau báo cáo quý II của Fisker rằng công ty có thể sẽ cần thêm tiền mặt, có thể là khoảng 1,25 tỷ USD trong những năm tới, bất chấp việc sử dụng mô hình sản xuất theo hợp đồng.

Nikola

Nikola là một trong những nhà sản xuất xe điện đầu tiên ra mắt công chúng thông qua việc hợp nhất với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt, hay SPAC. Công ty đã bắt đầu xuất xưởng sản phẩm Tre chạy bằng pin với số lượng nhỏ và có kế hoạch tăng cường sản xuất vào năm 2023.

Tuy nhiên, kế hoạch này của Nikola dường như đang gặp khó bởi công ty hiện thiếu tiền mặt. Nikola đã trải qua thời gian dài liên tục vướng phải những thông tin tiêu cực. Mới nhất, người sáng lập Trevor Milton đang phải đối mặt với cáo buộc gian lận liên bang vì những tuyên bố đưa ra cho các nhà đầu tư, qua đó khiến việc gọi vốn trở nên khó khăn hơn.

Nikola sở hữ 529 triệu USD tiền mặt vào cuối tháng 6, cộng với 312 triệu USD khác có sẵn thông qua một dòng vốn chủ sở hữu từ Tumim Stone Capital. “Như vậy là đủ cho 12 tháng tới. Nhưng trong tương lai, chúng tôi cần nhiều hơn”, Giám đốc tài chính Kim Brady cho biết. Nhà phân tích Emmanuel Rosner của Deutsche Bank ước tính Nikola cần huy động từ 550 triệu đến 650 triệu USD trước khi kết thúc năm 2022.

Lordstown

Lordstown Motors có lẽ đang ở vị trí bấp bênh nhất với chỉ với 236 triệu USD tiền mặt tính đến cuối tháng 6.

Giống như Nikola, Lordstown chứng kiến ​​giá cổ phiếu lao dốc sau khi người sáng lập của công ty bị buộc phải ra đi sau cáo buộc gian lận. Công ty đã chuyển từ mô hình nhà máy sang hình thức sản xuất theo hợp đồng như Fisker và đã hoàn tất thỏa thuận vào tháng 5 để bán nhà máy ở Ohio, một nhà máy trước đây của General Motors, cho Foxconn với tổng giá trị khoảng 258 triệu USD.

Foxconn có kế hoạch sử dụng nhà máy để sản xuất xe điện cho các công ty khác, bao gồm xe bán tải Endurance của chính Lordstown Motors và một chiếc xe điện cở nhỏ của Fisker sắp ra mắt có tên là Pear.

Doanh Chính