Các startup về blockchain của Việt Nam đang thiếu gì?
Có thể thấy công nghệ Blockchain hiện nay đang được áp dụng vào hàng loạt các lĩnh vực, từ giao thông vận tải đến công nghệ, bán lẻ. Các doanh nghiệp lớn, các tổ chức tài chính cũng đã nắm bắt và áp dụng công nghệ này.
Tại Mỹ, một số ngân hàng cũng bắt đầu thí điểm sử dụng Blockchain trong các giao dịch tài chính của mình. Dự kiến trong khoảng từ 3 đến 5 năm nữa, công nghệ này sẽ được áp dụng trong khá nhiều các hoạt động thanh toán, giao dịch qua Internet.
Vì công nghệ này gắn liền với tính minh bạch, chính xác, có thể hoạt động xuyên biên giới nên đây là cơ hội cho các startup tại Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư vào các dự án khởi nghiệp, đặc biệt là cho các dự án Blockchain trong 2 năm gần đây đã tăng mạnh về số lượng cũng như tổng giá trị các khoản đầu tư.
Ảnh minh họa.
Tuy nhiên để đầu tư vào một doanh nghiệp, các nhà đầu tư không chỉ căn cứ vào ý tưởng. Tại sự kiện Vietnam Blockchain Startup 2019 do VCC Exchange tổ chức, nhiều chuyên gia đã chỉ ra các vấn đề cần thiết cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực này có thể thu hút các nhà đầu tư.
Theo ông Lưu Thế Lợi, Giám đốc điều hành Kyber Network, startup về Blockchain đã huy động được hơn 52 triệu USD: “Doanh nghiệp muốn gọi vốn từ nhà đầu tư cần biết được bài toán mình đang giải là gì, từ đó đưa ra một lời giải thuyết phục và sở hữu một đội ngũ đủ xuất sắc để giải quyết bài toán đó”.
Còn ông Michael Lints, đối tác đầu tư tại Golden Gate Ventures cho rằng: “Fintech (công nghệ tài chính) hiện nay đang là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng độ bao phủ chỉ hơn 30%. Có nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có thể dùng Blockchain để tăng độ bao phủ.
Việt Nam từng có các startup về trí tuệ nhân tạo và Blockchain không kém gì thế giới. Nhưng quan trọng là cần thúc đẩy tính ứng dụng của công nghệ và tìm cho mình một thị trường ngách để phát huy tính cạnh tranh”.
Ông Kwon Y. Park - Giám đốc phát triển kinh doanh Bittrex đưa ra quan điểm về lợi thế của các startup ở Việt Nam. Việt Nam đang là quốc gia với dân số trẻ, được đào tạo tốt và tiếp thu nhanh. Nhưng hạn chế lại đến từ quy mô của chính các quỹ. Với các quỹ đầu tư nhỏ, họ sẽ phải lựa chọn nhiều hơn vì Việt Nam hiện nay có nhiều nhà phát triển. Điều Việt Nam đã làm tốt đó là đưa ra những chính sách để thu hút nhân tài của Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc và cần phát huy những chính sách này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đồng tình với ý kiến, từ phía nhà nước, cần có những quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn với ngành này và các tài sản ảo, nhiều người hiện nay vẫn còn có quan niệm sai về ngành này.