|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Blockchain trở lại

09:35 | 05/02/2019
Chia sẻ
Phạm vi áp dụng của công nghệ blockchain được dự báo sẽ tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong các năm tới.
blockchain tro lai

Công nghệ blockchain được coi là một hạ tầng kỹ thuật Internet và kỹ nghệ tiền mã hóa đã nhanh chóng khai thác công nghệ này nhiều đến nỗi blockchain bị lầm tưởng là bitcoin. Trên thực tế kỹ nghệ tiền ảo, với ưu thế về tính năng của blockchain đã tạo nên một dạng bùng nổ bong bóng dẫn đến nhiều người bị thua thiệt và cả những lệnh cấm trong năm 2018. Nhưng công nghệ blockchain vẫn còn đó, vẫn đứng vững để đáp ứng các nhu cầu rộng lớn của xã hội và cả việc phục hồi giá trị cho kỹ nghệ tiền mã hóa.(TBVTSG) - Phạm vi áp dụng của công nghệ blockchain được dự báo sẽ tiếp tục phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu trong các năm tới.

Đã qua thời kỳ bong bóng

Đã có thời bitcoin và blockchain tạo nên sự cuồng nhiệt, không chỉ trong giới đầu tư mà lan rộng ra các cá nhân như một khám phá trong việc số hóa tiền tệ, một thứ đam mê có thưởng, và như một sự thay thế cho những nhàm chán tiền tệ truyền thống. Nhiều công ty cố gắng kiếm tiền từ cơn sốt này. Trong khi một số công ty khác tung ra các ICO của riêng họ với việc phát hành cổ phiếu lần đầu bằng tiền ảo thay thế IPO, chẳng hạn như Kodak, và một số doanh nghiệp cũng khoác cho mình chiếc áo blockchain như một sự bảo đảm cho sự thành công. Nếu năm 2017 công nghệ blockchain là một cuộc cách mạng được cho là phá vỡ hệ thống tài chính toàn cầu thì năm 2018 là một sự thất vọng. Trang Asia Times dẫn số liệu từ trang web coinmarket.com cho biết thị trường tiền điện tử đã giảm đến 85% chỉ trong một năm. Giá trị vốn hóa của thị trường này vào ngày 8-1-2018 là 830 tỉ đô la Mỹ, đến ngày 8-1-2019 chỉ còn 135 tỉ đô la. Giá trị vốn hóa của thị trường này trong tháng 1-2017 chỉ là 14 tỉ đô la.

Đầu năm 2018, khi bitcoin lên đến đỉnh điểm, Darryn Pollok trên trang cointelegraph.com đã cảnh báo tình trạng bong bóng đối với những loại tiền điện tử được tạo nên từ công nghệ blockchain mà người ta đặt cho là “cuộc cách mạng blockchain”, rằng nó đang diễn ra như một dot.com của những năm đầu 2000, và khuyên các công ty cẩn trọng đừng để hít khói. Những thứ tiền điện tử cũng có thể làm nhiều người điêu đứng. Tác giả viết tiếp: “Trong số các công ty đang cố gắng chen chân vào thị trường bị thổi phồng này, có công ty trước đây gọi là Tulip BioMed - nay là Bitcoin Services. Sự thay đổi về tên và hướng này đã chứng kiến cổ phiếu của công ty tăng mạnh 43.500% vào năm ngoái”. Sự đổi tên diễn ra trong năm 2016 nhưng cái tên đó chỉ thực sự bay bổng từ tháng 11-2017 nhờ sự cường điệu rằng những loại tiền mã hóa hay tiền ảo sẽ sớm đi vào dòng tiền tệ chính.

Các hồ sơ tài chính của Bitcoin Services lúc bấy giờ rất ít thông tin về việc họ đã làm gì để tạo nên cơn sốt tiền ảo hay để biện minh cho sự cuồng loạn. Nhưng không chỉ Bitcoin Services chiếm vị trí hàng đầu về tốc độ tăng trưởng mà một loạt các dịch vụ khác cũng đã kiếm những khoản tiền khổng lồ nhờ thay tên đổi họ. Cụ thể, UBI Blockchain Internet (tên cũ là JA Energy) tăng 20.445%, Blockchain Mining (Natural Resource Holdings) 12.021%, HIVE Blockchian Technologies (Leeta Gold) 6.384%, First Bitcoin Capital (Grand Pacaraima Gold) 5.897%, Global Blockchain Technologies (Carrus Capital) 2.900%, NXChain (AgriVest Americas) 1.700%, Riot Blockchain (Bioptix) 1.611%, Bitcoin Group (AE Innovative Capital) 1.503%. Cơn sốt tiền ảo hay sự cuồng loạn đã diễn ra rất nhanh, chẳng những làm cho các nhà quản lý không kịp vào cuộc mà cho cả các nhà đầu tư cũng không kịp thu hồi vốn trước khi bong bóng bùng nổ. Rất tiếc nhiều người đã vay những khoản tiền lớn của ngân hàng để mua thứ bong bóng đó. Tại Hồng Kông, UBI Blockchain Internet đã tăng trưởng đến 20.000% trước khi nhà chức trách buộc phải dừng giao dịch. Tất cả những gì đã diễn ra từ cuối năm 2017 và trọn năm 2018 làm cho người ta liên tưởng đến vụ nổ bong bóng tệ hại dot.com trước đó. Nhưng nay thì các nhà nghiên cứu cho rằng kịch bản blockchain có thể khác.

blockchain tro lai

Năm của kinh doanh blockchain

Cointelegraph dẫn báo cáo tổng hợp của MIT Technology Review cho rằng 2019 sẽ là năm mà công nghệ blockchain trở lại hoạt động bình thường với những giá trị thực của nó. Nói cách khác nó vẫn là một công nghệ mạnh, một thứ hạ tầng Internet với những ứng dụng phổ quát của nó; và chắc là lần này, rút kinh nghiệm đau đớn của hai năm qua, sẽ không để xảy ra một thứ bùng nổ nào khác nữa. Trong số xuất bản gần đây Technology Review thuộc Viện Công nghệ Massachusetts lập luận rằng 2019 sẽ là năm blockchain trở lại hoạt động bình thường. Báo cáo cho rằng, mặc dù có những tranh cãi, những nghi ngại, năm mới đang đến với blockchain bằng những dự án sống động và sẵn sàng gặt hái hoa trái hơn bao giờ hết. Cùng lúc này các tập đoàn lớn đang lên kế hoạch tung ra các dự án mới cho năm, và người ta sẽ thấy rằng chính 2019 là năm mà cuối cùng công nghệ blockchain trở nên mẫu mực. Phố Wall là một trong các tập đoàn lớn đó, Công ty Intercontinental Exchange (ICE) chủ sở hữu của sàn giao dịch New York Stock Exchange (NYSE) và nhà đầu tư lớn Fidelity sẽ đưa tiền mã hóa vào kinh doanh trong năm nay.

Kể cả khi sự cường điệu chung quanh blockchain được giảm đi, công nghệ này vẫn cung cấp cơ sở hạ tầng cho các loại tiền điện tử như một bảo đảm cho việc các loại tiền mã hóa có thể được đưa vào dòng chính tiền tệ thế giới. Một lập luận nữa mà bản báo cáo đưa ra là sự cải tiến trong công nghệ hợp đồng thông minh sẽ cho phép nó được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh pháp lý khác nhau, và điều này cũng tạo nên bước tiến gần hơn đến việc đặt luật mã hóa chấp nhận được trên thực tế. Luận điểm cuối cùng mà báo cáo đưa ra là việc bình thường hóa công nghệ cũng như lĩnh vực tài chính tạo điều kiện định hình kỹ nghệ tiền điện tử, vốn là động lực đầu tiên của công nghệ blockchain. Và từ đây có thể dẫn tới việc định hình nền tảng tiền điện tử quốc gia, điều mà nhiều ngân hàng trung ương đang xem xét, và ngay cả các quốc gia như Venezuela cũng bắt đầu tung ra loại tiền này. Cuối cùng, như chúng ta đang thấy, người đứng đầu Qũy tiền tệ quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde và Ngân hàng trung ương Trung Quốc đang đứng đằng sau những kế hoạch thực tiễn cho tiền điện tử và blockchain ở tầm mức quốc tế và quốc gia, không còn là những câu chuyện riêng của công ty hay doanh nghiệp như trước đây.

Việc Hiệp hội Ngân hàng Trung Quốc (CBA) bắt đầu khai trương Nền tảng Blockchain Giao dịch Tài chính và Thương mại Trung Quốc là một điều làm nhiều người ngạc nhiên, thậm chí kinh ngạc khi mới vào năm 2018 chính quyền Bắc Kinh không muốn người dân của mình liên quan gì đến tiền kỹ thuật số nữa. Nhưng nay thì người ta biết rằng không phải Trung Quốc xa lánh công nghệ blockchain mà họ muốn đưa việc sử dụng tiền mã hóa từ công nghệ blockchain vào hoạt động trong khuôn khổ có sự kiểm soát của ngân hàng, và trên hết là hiệp hội ngân hàng và ngân hàng trung ương. Nền tảng này được thiết kế để chuẩn hóa và số hóa thông tin giao dịch liên ngân hàng và, theo CBA, nó cũng được dùng để “đặt nền tảng quan trọng nhằm xây dựng một hệ sinh thái tài chính thương mại mới và nâng cao hiệu quả của các dịch vụ tài chính”. Dự án này tuyệt nhiên không nói gì đến các thứ tiền điện tử, nhưng lại tập trung vào khai thác công nghệ blockchain như những sổ cái phân tán, công nghệ được mã hóa hoàn toàn và chống giả mạo, đảm bảo tính bất biến cho các giao dịch ngân hàng.

7 xu hướng nổi bậtViệc tách ý niệm blockchain ra khỏi bitcoin nói riêng hay tiền điện tử nói chung sẽ làm cho không gian công nghệ blockchain trở nên sáng sủa hơn. Và thực tế là không gian này đang sáng lên với ít ra là bảy khuynh hướng áp dụng, một mặt để phát triển thị trường blockchain, mặt khác sửa lỗi cho những gì đã tạo nên bong bóng tiền điện tử trong hai năm 2017-2018. Trên thực tế, sự phát triển của blockchain trong vài năm qua thật ngoạn mục. Từ góc độ công nghệ, nó đã đẩy tới các ranh giới mới, nhưng điều đó không có nghĩa là nó đã ra khỏi giai đoạn sơ khai so với các công nghệ khác, nó vẫn còn rất nhiều thứ để cung cấp. Khuynh hướng nổi trội nhất hiện nay là BaaS hay blockchain-như-một-dịch-vụ. Trong khi một số công ty phát triển giải pháp blockchain cho riêng họ thì cũng có rất nhiều công ty thuê dịch vụ BaaS nhằm hạn chế chi phí thiết kế, duy trì và quản lý.

BaaS là dịch vụ dựa trên đám mây cho phép khách hàng xây dựng các sản phẩm hỗ trợ blockchain của riêng họ bao gồm ứng dụng, hợp đồng thông minh và sử dụng các tính năng blockchain khác mà không cần thiết lập, quản lý hoặc thực thi cơ sở hạ tầng dựa trên blockchain.

Blockchain lai (hybrid blockchain) cũng là một xu hướng của năm 2019 vì nó có thể đáp ứng cùng một lúc hai chức năng công khai và riêng tư. Ví dụ, các chính phủ không thể chỉ sử dụng blockchain công khai mà ở những công việc nhất định họ cần blockchain riêng tư để tương tác với từng công dân. Blockchain lai là một giải pháp lý tưởng bằng cách cung cấp giải pháp tùy biến và cũng sử dụng đúng cách những gì blockchain nguyên thủy như tính minh bạch, tính toàn vẹn và bảo mật. Khuynh hướng thứ ba là thiết lập blokchain liên kết (federated blockchain): Thay vì một tổ chức kiểm soát nó, nhiều nhà chức trách có thể kiểm soát blockchain bằng các nút chọn trước. Nhóm các nút được chọn sau đó bảo đảm rằng khối blockchain được xác thực để xử lý các giao dịch. 2019 sẽ là năm gia tăng sử dụng blockchain liên kết vì nó mang lại cho blockchain riêng nhiều triển vọng tùy biến hơn, và điều này rất cần thiết cho những nhu cầu như bảo hiểm, dịch vụ tài chính, hay quản lý chuỗi cung ứng. Khuynh hướng thứ tư, rất quan trọng, là việc hình thành loại hợp đồng thường được gọi là ricardian contract. Đây là một thứ hợp đồng thông minh mà giá trị pháp lý được xác minh bởi mật mã, nhưng lại có thể đọc được vì nó sử dụng văn bản.

Dịch vụ chuỗi chéo hay thiết lập khả năng tương tác giữa các blockchain cũng là một xu hướng bức thiết, bởi theo thời gian chúng ta thấy luôn xuất hiện các mạng blockchain mới. Khả năng tương tác của blockchain nhằm cải thiện việc chia sẻ thông tin trên các mạng hoặc hệ thống blockchain khác nhau. Các dịch vụ chuỗi chéo này cải thiện khả năng tương tác blockchain và cũng làm cho chúng thực tế hơn để sử dụng hàng ngày.

Một khuynh hướng nữa trong năm 2019 là phát triển loại tiền điện tử ổn định, gọi là stable coin. Hai năm là đủ dài để chúng ta thấy tiền điện tử, sản phẩm đặc trưng của blockchain, là thứ rất dễ bay hơi và điều này tạo nên tình trạng mất ổn định thị trường tài chính. Và, một trong các giải pháp là cho ra đời thứ tiền ổn định, được biết đến nhiều nhất là Tether. Loại tiền này không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thị trường và đảm bảo sự ổn định được duy trì mọi lúc. Khuynh hướng cuối cùng của thị trường blockchain 2019 có thể là việc phát hành mã thông báo bảo mật STO (Security Tokens Offer) thay cho việc phát hành cổ phiếu bằng tiền ảo được biết đến dưới tên ICO. Thực tế cho thấy có đến 48% cổ phiếu ICO hiện nay là lừa đảo, và chắc chắn việc phát hành cổ phiếu trong hệ thống tiền điện tử phải sớm đổi từ ICO sang STO để bảo đảm giá trị cho các nhà đầu tư.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Hoàng Việt

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.