|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Tiền điện tử và nguy cơ khủng bố toàn cầu

08:49 | 02/09/2019
Chia sẻ
Tính năng ẩn danh của tiền điện tử đã và đang làm dấy lên mối lo về nguy cơ khủng bố toàn cầu.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều thể chế và chính phủ e ngại tiền điện tử, một tin tức khác đang tiếp tục làm dấy lên nhiều lo ngại hơn nữa về loại tài sản công nghệ đặc biệt này. 

Nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu truyền thông Trung Đông (MEMRI) về tiền ảo tiết lộ các nhóm khủng bố đang sử dụng bitcoin và tiền điện tử để hỗ trợ cho các hoạt động khủng bố hay phạm tội nghiêm trọng.

Bản nghiên cứu được công bố vào thời điểm Lực lượng đặc nhiệm Tài chính (FATF) vừa ban hành hướng dẫn mới cho các quốc gia thành viên về cách thức xử lí tài sản điện tử. Điều này thực sự có ý nghĩa gì với cộng đồng blockchain và giới đầu tư tiền ảo?

Quyền riêng tư của tiền điện tử đang bị tấn công

Quyền riêng tư và kiểm duyệt dữ liệu ẩn danh đem lại lợi thế cho các giao dịch đen. Khi tiền điện tử được sử dụng sai mục đích, nó trở thành phương tiện lí tưởng giúp trốn tránh sự giám sát của chính phủ. 

Do đó, quyền riêng tư của tiền điện tử đang là mục tiêu tấn công của các lực lượng chính phủ trên nhiều quốc gia.

Một báo cáo của MEMRI khẳng định tiền ảo là nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều hoạt động khủng bố trong khi hàng loạt các tổ chức tội phạm khét tiếng đã tiến hành áp dụng công nghệ blockchain để gây quỹ và xử lí vấn đề tài chính. 

Một số nhà lãnh đạo Jihad đang sử dụng tiền điện tử làm phương tiện giao dịch chính thức và chọn những dịch vụ nhắn tin được mã hóa như Telegram. Do đó, các giới hạn ẩn danh trực tuyến đang bị nhiều cơ quan chính phủ kiểm tra nghiêm ngặt.

Theo Justin Tabb, CEO của Amplify, tập trung quá nhiều vào tính năng ẩn danh khiến người dùng bất cứ ứng dụng hay nền tảng nào rơi vào nguy cơ bị hạn chế quyền riêng tư. 

Nói cách khác, mức độ ẩn danh phù hợp mới là thứ đảm bảo tự do cho tất cả mọi người. Đây là lí do tại sao điều quan trọng là phải nghĩ đến việc ẩn danh theo nhiều cấp độ thay vì xem tất cả người dùng giấu mặt là khủng bố.

Untitled

Tiền điện tử hiện nay đang trở thành phương thức thanh toán của nhiều tổ chức khủng bố lớn trên toàn thế giới. Ảnh: Forbes

Nhu cầu thắt chặt thể chế quản lí tiền điện tử

Năm 2017, chính phủ Mỹ kêu gọi Bộ An ninh Nội địa nghiên cứu cách thức những kẻ khủng bố sử dụng bitcoin. Tương tự, chính phủ Anh tăng cường yêu cầu pháp lí với các loại tiền điện tử để hạn chế tội phạm công nghệ cao. 

Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), được thành lập năm 1989 trong một nỗ lực chống rửa tiền xuyên quốc gia, đã xây dựng bản hướng dẫn mới có ảnh hưởng sâu sắc đến tiền điện tử và cảnh báo về nguy cơ khủng bố.

Theo hướng dẫn mới của FAFT, các công ty liên quan đến tiền điện tử như Fidelity, Kraken và Coinbase sẽ phải thu thập thêm thông tin từ khách hàng. Ngoài tiêu chuẩn KYC, CFT và AML, các công ty cũng cần thu thập dữ liệu về người nhận tiền. 

Dù điều này có vẻ không phải là một thay đổi lớn nhưng bộ quy định mới chắc chắn sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho thị trường tiền điện tử.

Trả lời về vấn đề này, Ted Foxworth, Chủ tịch của CryptoRocket, tin rằng các yêu cầu của FATF có thể sẽ thất bại. Foxworth nhận xét các quy tắc này đã quá lỗi thời để kiểm soát một công nghệ mới như công nghệ blockchain. 

"Cuối cùng, nếu FATF đang tìm cách thu thập dữ liệu giao dịch cá nhân thì mọi giải pháp công nghệ sẽ được phát minh trong tương lai cũng đều như vậy", Foxworth nói thêm.

Không thể phủ nhận các quy định bổ sung của FATF sẽ đẩy chi phí giao dịch và kiểm soát của các sàn giao dịch liên quan đến tiền điện tử cao hơn. Những điều luật bảo mật nghiêm ngặt sẽ khiến hầu hết các sàn giao dịch tiền điện tử mất khách hàng do ưu thế vượt trội lớn nhất: tính ẩn danh không còn được duy trì.

Động thái mới này sẽ thúc đẩy nhiều nhà phát triển ứng dụng, chính phủ và thể chế tài chính nhận ra giá trị của sự ẩn danh. Hơn nữa, khi dữ liệu số đang trên đường trở thành hình thức tiền tệ của tương lai, các cơ quan quản lí sẽ phải đưa ra giải pháp tốt hơn để chống khủng bố thay vì xâm phạm thô bạo tới quyền riêng tư người dùng.

Thu Phương