Các quốc gia Đông Nam Á chạy đua lắp đặt trạm sạc trong nỗ lực trở thành trung tâm xe điện của khu vực
Xe điện đang dần được công nhận một cách rộng rãi hơn, thậm chí còn được nhiều quốc gia trên thế giới coi là trọng tâm phát triển của ngành ô tô trong tương lai. Tất nhiên, khu vực Đông Nam Á cũng không phải ngoại lệ.
Ví dụ như tại Việt Nam, hãng xe Việt VinFast đã quyết định “chơi lớn” khi tuyên bố dừng sản xuất xe xăng và tập trung vào phát triển xe điện từ cuối năm 2022. Hãng xe Việt cũng đã giới thiệu tới khách hàng toàn cầu dải sản phẩm ô tô điện trải dài trên đầy đủ phân khúc.
Những quốc gia khác như Indonesia hay Thái Lan cũng không chịu kém cạnh khi chính phủ những quốc gia này cũng đưa ra các gói hỗ trợ nhằm thu hút những thương hiệu lớn nước ngoài, với mục đích biến thị trường của mình trở thành trọng tâm của lĩnh vực xe điện trong khu vực.
Cuộc cạnh tranh để trở thành trung tâm xe điện khu vực Đông Nam Á đang nóng dần lên. Tại đó, một cuộc chạy đua khác, nhiều khả năng cũng ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả của mục tiêu mà các quốc gia này đặt ra, cũng đang bắt đầu nóng lên, đó là việc xây lắp trạm sạc xe điện.
Hệ thống trạm sạc xe điện VinFast tại Việt Nam
VinFast đã bắt đầu giao điện VF e34 cho người dùng nội địa từ giai đoạn cuối năm 2021. Để chuẩn bị cho hệ sinh thái xe điện của mình, hãng xe Việt đã quyết định xây lắp các trạm sạc trên khắp cả nước.
Cuối tháng 2/2021, VinFast thông tin sẽ triển khai hơn 2.000 trạm sạc với hơn 40.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện tại các chung cư, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, siêu thị, bến xe, bãi đỗ xe công cộng, trường học,… trên cả nước trong năm.
Tính đến tháng 6/2021, các trụ sạc xe điện VinFast cũng xuất hiện ngày một nhiều hơn trên đường phố. Thời điểm đó, chỉ còn ba tỉnh là Hà Giang, Bình Thuận và Gia Lai chưa được triển khai, nhưng VinFast cho biết đã có mặt bằng và sẽ tiến hành thi công sau. Ngoài ra, VinFast cũng cho biết đã ký hợp đồng hợp tác với gần 700 địa điểm khác.
Các trạm sạc ô tô điện của VinFast sẽ được lắp đặt ở các khu chung cư, bãi đỗ xe trong khu dân cư, trung tâm thương mại, cây xăng, cơ quan công sở, trường học, điểm lưu trú, trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc, quốc lộ,..., qua đó giúp người sử dụng xe điện có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nơi sạc.
Đến tháng 3 năm nay, Tổng công ty Điện lực miền Bắc đã làm việc với VinFast về việc cấp điện cho các trạm sạc tại các tỉnh phía Bắc.
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Nhật – đại diện phát triển dự án liên quan đến hạ tầng điện của VinFast cho biết mục tiêu của hãng là xây dựng 150.000 cổng sạc với 3.000 trạm sạc trong toàn quốc để đảm bảo việc lưu thông của xe điện.
Trong đó, tại các tỉnh phía Bắc, VinFast dự kiến sẽ xây dựng khoảng 200 trạm với các trụ sạc được đầu tư có công suất 60kW, 150kW và 300kW. Thời gian dự kiến sẽ hoàn thành trong quý II và quý III năm nay.
Như vậy, nếu các dự án của VinFast được hoàn tất, hệ sinh thái trạm sạc xe điện sẽ được cải thiện về số lượng. Dù vậy, một điều đáng chú ý đó là VinFast cũng khẳng định xe điện của các hãng khác sẽ không được sử dụng trạm sạc của công ty. Lý do được phía VinFast đưa ra là vì "hệ thống trạm sạc của VinFast là sạc tự động, xe nào muốn sạc thì tự kết nối và kích hoạt qua ứng dụng để sạc, xe của các hãng khác không cài ứng dụng VinFast thì không kích hoạt để sạc được".
Thực tế, ngoài VinFast, ở Việt Nam hiện chưa có thêm đơn vị nào khai thác mảng kinh doanh trạm sạc xe điện. Một số dòng xe điện khác ngoài V đang được bán ở Việt Nam như Porsche Taycan sẽ được cung cấp bộ sạc tại nhà, hoặc tới sạc tại Trung tâm Porsche. Điều này có thể gây bất tiện với những người muốn lái xe đường dài.
Các quốc gia Đông Nam Á đua nhau xây dựng trạm sạc xe điện
Vừa qua, tại một trạm xăng Caltex mới khai trương có vị trí gần thủ đô Phnom Penh, Campuchia, mọi người đã nhanh chóng bị chú ý bởi một trạm sạc xe điện có màu trắng và đỏ.
Theo Asia Nikkei, Campuchia đang trong giai đoạn đầu nỗ lực khuyến khích sử dụng xe điện. Quốc gia này đã triển khai một số trạm sạc trên khắp đất nước để thúc đẩy người dân chuyển sang sử dụng xe điện, như một phần nỗ lực đạt mục tiêu giảm phát thải.
Campuchia đã giảm thuế nhập khẩu xe điện vào năm 2021 và đang cân nhắc các ưu đãi hơn nữa với mục tiêu 40% số lượng ô tô và xe buýt cùng 70% số lượng xe máy bán ra vào năm 2050 là xe điện.
Tháng 4, Campuchia đã chính thức đưa vào khai thác trạm sạc xe điện thứ hai và thứ ba của đất nước, bao gồm trạm do Caltex lắp đặt và một địa điểm khác United Nations Development Program (Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc) tài trợ ở thành phố ven biển Sihanoukville.
Caltex có kế hoạch xây dựng thêm 50 trạm sạc khác tại Campuchia trong vòng ba năm tới. Các công ty năng lượng như Total và PTT cũng dự kiến sẽ xây dựng thêm các trạm sạc mới, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Campuchia.
Điều này sẽ mở đường cho quốc gia Đông Nam Á đón các thương hiệu xe điện trên thế giới. Hiện tại, một số mẫu xe điện của Tesla hay BYD cũng đã xuất hiện trên đường phố Campuchia.
Thái Lan, một thị trường ô tô lớn của Đông Nam Á cũng đang tích cực trong việc xây dựng và đưa vào vận hành các trạm sạc. Theo Asia Nikkei, Cơ quan Điện lực Thái Lan hiện đang điều hành 23 trạm sạc trên khắp đất nước, con số này dự kiến sẽ tăng lên 120 vào cuối năm nay.
Theo Bangkok Post, có tới gần 3/4 người dân Thái Lan tin rằng số lượng hệ thống trạm sạc xe điện hiện tại là không đủ cho nhu cầu sử dụng xe điện đang tăng cao ở quốc gia này. Số lượng bán xe điện tại Thái Lan đang tăng cao qua từng năm, vì vậy việc thiếu cơ sở hạ tầng đồng bộ là rào cản chính với người mua nước này trong việc mua sắm xe điện.
Giám đốc Văn phòng Chính sách và Kế hoạch Năng lượng (EPPO) Wattanapong Kurowat vì vậy đã tiết lộ kế hoạch vào năm 2030, Thái Lan dự kiến sẽ có khoảng 567 trạm sạc xe điện cùng với 13.251 bộ sạc nhanh và 1.450 điểm đổi pin được thiết lập trên toàn quốc. Trong đó, 505 trạm sạc cùng 8.227 bộ sạc dự kiến được đặt ở các thành phố lớn, theo Phnom Penh Post.
Với Indonesia, quốc gia này vẫn còn hành trình dài trong việc phát triển hệ sinh thái xe điện, dù là thị trường ô tô số một trong khu vực. Tính tới tháng 11/2021, trên toàn quốc mới chỉ có 219 trạm sạc xe điện được xây dựng tại 185 địa điểm trên toàn quốc, theo tờ Indonesien.
Tuy nhiên, với tiềm năng cũng như số lượng dân cư đông, Indonesia đang từng bước triển khai các kế hoạch nhằm phát triển một hệ sinh thái xe điện toàn diện, như xây dựng nhà máy lắp ráp pin và tất nhiên cả xây dựng thêm các trạm sạc xe điện.
Theo Idnfinancials, chính phủ Indonesia cho biết quốc gia này cần xây dựng 2.500 trạm sạc xe điện mỗi năm để đạt được mục tiêu 25.000 trạm sạc xe điện trên toàn quốc vào năm 2030 như đã nêu trong Chiến lược Năng lượng Quốc gia. Dù vậy, việc triển khai vẫn còn khá chậm.
Theo một hồ sơ bổ sung, số lượng ô tô điện tại Indonesia tính đến cuối năm 2021 rơi vào khoảng 125.000 chiếc, trong khi xe máy điện là 1,34 triệu chiếc. Với vị thế là thị trường ô tô lớn nhất khu vực, Indonesia nhiều khả năng sẽ đẩy mạnh việc xây dựng trạm sạc xe điện trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu mua sắm các phương tiện xanh ngày càng tăng của người dân.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/