Các nước châu Á bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong đại dịch
Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế và người lao động, khiến các quốc gia phải đưa ra những giải phảp giảm nguy cơ bất ổn xã hội, đảm bảo việc làm và sự an toàn cho người lao động.
Ấn Độ cân nhắc nối lại một số hoạt động sản xuất
Các ngành sản xuất và dịch vụ quan trọng tại Ấn Độ đã cảnh báo nguy cơ bất ổn xã hội nếu Thủ tướng Narendra Modi không đưa ra các điều khoản nhượng bộ khi gia hạn lệnh phong tỏa 3 tuần đối với quốc gia 1,3 tỷ dân này do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Lệnh phong tỏa 3 tuần sẽ kết thúc vào đêm 14/4. Tuy nhiên, một số bộ trưởng cấp bang cho biết họ đang lập kế hoạch gia hạn lệnh phong tỏa thêm ít nhất 2 tuần nữa. Hiện Chính phủ Ấn Độ vẫn chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch mới nào.
Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Ấn Độ Shaktikanta Das gọi virus SARS-CoV-2 là "sát thủ vô hình" có thể tàn phá nền kinh tế.
Hiệp hội nhà hàng quốc gia, đại diện cho quyền lợi của 7 triệu người lao động, cảnh báo nguy cơ "bất ổn xã hội" nếu hiệp hội này không nhận được gói cứu trợ tài chính.
Theo một số báo cáo, Chính phủ Ấn Độ đang cân nhắc yêu cầu ở nhà đối với người dân tại thủ đô New Delhi, thành phố Mumbai và nhiều thành phố lớn khác, trong khi mở cửa đối với các vùng nông thôn cho đến nay chưa lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Truyền thông dự đoán chính phủ nước này có thể sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế đối với các lĩnh vực then chốt như nông nghiệp.
Với hàng nghìn xe tải chở thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác đang bị ách lại tại khu vực biên giới trong nước, Bộ Nội vụ Ấn Độ đã ban hành nhiều chỉ thị mới đối với các bang, yêu cầu tạo điều kiện thông quan cho các xe này.
Trong khi đó, Bộ Thương mại đã kêu gọi chính phủ cân nhắc mở cửa cho thêm nhiều hoạt động có chứng nhận an toàn phù hợp ngay cả khi gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ đã giảm xuống còn khoảng 5% trước đại dịch COVID-19 xuất hiện. Hiện giới phân tích dự báo tỷ lệ này thậm chí sẽ có thể sụt giảm xuống chỉ còn từ 1,5-2% trong năm nay.
Cũng trong ngày 13/4, phóng viên TTXVN tại New Delni dẫn hai nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết nước này đang lên kế hoạch tái khởi động một số hoạt động sản xuất sau ngày 15/4, để giúp bù đắp những thiệt hại kinh tế do lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài 3 tuần, kể cả khi các biện pháp này kéo dài đến cuối tháng.
Theo kế hoạch, lệnh phong tỏa áp dụng với hơn 1,3 tỷ dân của Ấn Độ sẽ kết thúc vào nửa đêm 14/4, nhưng chính phủ nước này dự kiến sẽ gia hạn lệnh thêm 2 tuần nữa trong bối cảnh số ca nhiễm bệnh COVID-19 ở nước này đã tăng lên tới 9.152 ca, trong đó có 308 người tử vong tính tới sáng 13/4.
Theo một nguồn tin, Thủ tướng Narendra Modi đã chỉ đạo một số bộ xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động của những ngành công nghiệp trọng yếu khi sinh kế của người nghèo đang bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, Bộ Công Thương Ấn Độ cũng đã khuyến nghị tái khởi động một số hoạt động sản xuất trong lĩnh vực ôtô, dệt may, quốc phòng, điện tử và các lĩnh vực khác nhưng vẫn đảm bảo giãn cách xã hội thông qua các biện pháp giảm số lao động và rút ngắn giờ làm.
Bộ Nội vụ và Văn phòng Thủ tướng sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các khuyến nghị trên trong tuần này.
Các nguồn tin cũng cho biết các bộ khác sẽ sớm đệ trình kế hoạch cho phép khôi phục hoạt động từng phần trong các lĩnh vực tương ứng, trong bối cảnh nền kinh tế vốn đang giảm tốc của Ấn Độ được dự báo sẽ chịu tác động nặng nề của lệnh phong tỏa.
Ngân hàng Thế giới (WB) hôm 12/4 dự báo kinh tế Ấn Độ chỉ tăng 1,5-2,8% trong tài khóa 2020-2021 (bắt đầu từ ngày 1/4).
Trong diễn biến khác tại Ấn Độ, nền tảng thanh toán điện tử hàng đầu Ấn Độ Paytm và Thương hiệu đồ ăn nhanh McDonald's đã cùng chung tay cung cấp thực phẩm sạch cho các nhân viên y tế chăm sóc các bệnh nhân mắc COVID-19 tại Mumbai.
McDonald's nhấn mạnh đây là hành động nhỏ biểu thị lòng biến ơn đối với các "chiến sỹ áo trắng" ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Theo đó, ngày 12/4, Paytm và McDonald's đã hợp tác cung cấp gần 600 suất bánh burger tới các nhân viên y tế tại một bệnh dân sự ở Mumbai.
Phó Chủ tịch Paytm, Siddharth Pandey nhấn mạnh "các nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch COVID-19 xứng đáng có được tất cả mọi sự ủng hộ cần thiết trong thời điểm đặc biệt này. Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung danh sách các thành phố mà chúng tôi sẽ tiến hành hỗ trợ."
Cách đây 2 tuần, McDonald's đã phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác ở nhiều thành phố của Ấn Độ đã hỗ trợ gần 10.000 nhân viên chống dịch tuyến đầu, lực lượng lao động theo ngày và người dân tại các khu ổ chuột.
Sri Lanka gia hạn chính sách làm việc tại nhà
Cũng trong ngày 13/4, Chính phủ Sri Lanka tuyên bố gia hạn chính sách "Làm việc từ nhà" tới 20/4 đối với tất cả công nhân viên chức và những người làm việc trong khu vực tư nhân. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19.
Theo thông báo của Phủ Tổng thống, chính sách này có hiệu lực áp dụng đối với tất cả các bang trên cả nước, cũng như đối với các thực thể tư nhân, ngoại trừ những trường hợp được phép hoạt động như các ngành dịch vụ thiết yếu.
Tính đến nay, Sri Lanka ghi nhận 210 ca mắc COVID-19, trong đó có 7 ca tử vong. Có tổng cộng 56 bệnh nhân đã khỏi bệnh.
Hàn Quốc ưu tiên giữ việc làm cho người lao động
Ngày 13/4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ đạo các đội ngũ kinh tế kịp thời vạch ra các biện pháp đặc biệt để bảo vệ việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Chỉ thị này được đưa ra ít giờ sau khi báo cáo mới công bố cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng mạnh tại quốc gia Đông Bắc Á này.
Phát biểu tại cuộc họp hằng tuần với các trợ lý tại Nhà Xanh (Phủ Tổng thống), Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh cần phải hỗ trợ các công ty duy trì việc làm cho nhân viên trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang đặt ra nhiều thách thức.
Ông dẫn số liệu về số đơn nộp trợ cấp thất nghiệp tại Hàn Quốc bắt đầu gia tăng mạng.
Theo số liệu của Bộ Lao động Hàn Quốc, trong tháng Ba, mức chi cho trợ cấp thất nghiệp tại nước này lên tới mức kỷ lục 898,2 tỷ won (736,4 triệu USD), tăng 40,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Số người xin trợ cấp thất nghiệp cũng tăng khoảng 24,8% so với cùng thời điểm, lên tổng cộng 156.000 người.
Tổng thống Moon Jae-in cho rằng có thể hiện mới chỉ là thời điểm nền kinh tế bắt đầu nếm "trái đắng" từ COVID-19. Vì vậy, các chuyên gia kinh tế cần phải hoạch định các biện pháp đặc biệt và không để mất cơ hội.
Trong thời điểm khủng hoảng kinh tế, chính phủ sẽ tập trung chính sách cho mục tiêu bảo vệ việc làm. Đây sẽ là nội dung trọng tâm của cuộc họp hội đồng kinh tế khẩn cấp diễn ra trong tuần tới.