|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

9 ngành chịu tác động lớn và 6 ngành chịu tác động vừa phải từ đại dịch COVID-19

07:53 | 14/04/2020
Chia sẻ
Theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Việt Nam là nước chịu tác động mạnh và trực tiếp, cả phía cầu và phía cung. Có 9 ngành kinh tế chịu tác động với mức độ thiệt hại "lớn" và 6 ngành chịu tác động ở mức độ "vừa phải".

Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế thế giới và Việt Nam trước ảnh hưởng của dịch COVID-19

Theo báo cáo đánh giá về tác động của COVID-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng mạnh và trực tiếp, cả phía cung và cầu. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra ba kịch bản tăng trưởng kinh tế.

Với kịch bản cơ sở, nhóm chuyên gia nhận định, các biện pháp trong phòng chống dịch cũng như các chính sách hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân tiếp tục phát huy hiệu quả, dịch bệnh tại Việt Nam được kiểm soát trong quí II và các hoạt động kinh tế, xã hội sớm trở lại "bình thường" từ tháng 6 hoặc đầu tháng 7/2020.

Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2020 sẽ giảm khoảng 1,8 đến 2 điểm %, tương đương mức tăng trưởng khoảng từ 4,81% - 5,01%.

Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa, cách li không bị kéo dài (đỉnh dịch tại Mỹ và châu Âu rơi vào cuối tháng 4 đến nửa đầu tháng 5, sau đó Mỹ và châu Âu có thể khống chế dịch trong tháng 6/2020) và đại dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát vào giữa quí III.

Tại Việt Nam, với giả định dịch COVID-19 sẽ được kiểm soát trong tháng 4 hoặc giữa tháng 5; hoạt động sản xuất – kinh doanh được khởi động ngay sau đó. Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 1,4 điểm % và đạt mức 5,4% - 5,6%.

Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, đại dịch không được kiểm soát đến hết quí III, bất chấp nỗ lực ứng phó của Chính phủ các nước.

Còn tại Việt Nam, dịch bệnh được kiểm soát trong quí II, nhưng chịu tác động tiêu cực từ tổng cung và tổng cầu từ bên ngoài. Theo kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam giảm khoảng 2,58 điểm %, đạt mức 4,07% - 4,42% năm 2020.

Đánh giá tác động của COVID-19 đối với các ngành kinh tế Việt Nam

Dịch bệnh đã tác động lên tất cả các ngành kinh tế tại Việt Nam với những mức độ ảnh hưởng khác nhau. Báo cáo phân tích đã chỉ ra 9 ngành kinh tế chịu tác động với mức độ thiệt hại "lớn" và 6 ngành chịu tác động ở mức độ "vừa phải".

Đại dịch COVID-19 tác động mạnh đến ngành kinh tế nào?  - Ảnh 1.

Cụ thể, trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp - thủy sản, khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu phụ trợ nông nghiệp. Trong giai đoạn cao điểm của dịch, hoạt động xuất khẩu sang các thị trường lớn này đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, chủ yếu do các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại – giao thương, dẫn đến việc hủy hàng loạt hợp đồng xuất khẩu. 

Mặt khác ngành cón có tình trạng thiếu nhân lực và các thủ tục kéo dài vì phải tuân thủ các qui định về kiểm soát dịch bệnh.

Lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, các ngành sản xuất với chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đứt gãy và ngành xây dựng sụt giảm do bất động sản khó khăn.

Đối với lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, chỉ số sản xuất toàn ngành chỉ tăng 7,1% trong quí I/2020, thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,2% quí I/2019; số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 28,3% so với cùng kì năm 2019.

Trong đó, các ngành chịu tác động tiêu cực khá mạnh là: dệt may, da giày; sản xuất, kinh doanh thép; khai khoáng (nhất là dầu khí và than) – chủ yếu do giá dầu giảm mạnh, với kim ngạch xuất khẩu dầu thô giảm 8% và giá cổ phiếu giảm 32%.

Lĩnh vực dịch vụ chịu tác động mạnh do tổng cầu giảm (cả trong và ngoài nước). Ảnh hưởng trực tiếp và rõ nét nhất là ngành du lịch (gồm dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và lữ hành). Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhiều quốc gia đã thực hiện các biện pháp phong tỏa, hạn chế đi lại, tăng cường kiểm dịch nên nhu cầu du lịch sụt giảm mạnh.

Cùng với đó là ngành vận tải, kho bãi chịu tác động rất mạnh. Theo Bộ Giao thông Vận Tải, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay của các hãng hàng không Việt Nam khoảng 30.000 tỉ đồng doanh thu, doanh thu ngành đường sắt, đường bộ giảm trên 20%.

Bán lẻ cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp, chủ yếu do tổng cầu giảm. Tuy nhiên, có điểm tích cực là thay vì đi mua sắm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, người tiêu dùng có xu hướng gia tăng sử dụng thương mại điện tử do ưu điểm không phải đến nơi đông người, hàng hóa được vận chuyển nhanh chóng, tiện lợi.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng-bảo hiểm chứng kiến doanh thu giảm không nhiều trong quí I, vì đây là lĩnh vực chịu tác động gián tiếp nhiều hơn và có độ trễ.

Cũng theo nhóm nghiên cứu, việc triển khai các gói hỗ trợ hiện nay có thể chậm, lúng túng và khó đảm bảo công khai, minh bạch, nhất quán, nhanh và hiệu quả nếu thiếu hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đối tượng hỗ trợ.

Những ngành nghề, lĩnh vực kinh tế cần hỗ trợ nên được rà soát, đánh giá, bổ sung và điều chỉnh kịp thời, ít nhất là hàng quí trong năm 2020, đảm bảo trúng, đúng và không bỏ lại phía sau những đối tượng thực sự cần hỗ trợ.

Báo cáo đánh giá về tác động của COVID-19 lên các ngành kinh tế Việt Nam của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV:

Thu Hoài