|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nhà kinh tế cũng bất ngờ: NHTW Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc và tung loạt biện pháp kích thích mới

10:56 | 24/09/2024
Chia sẻ
Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng và công bố loạt biện pháp hỗ trợ thị trường bất động sản.

Thống đốc Pan Gongsheng của PBoC. (Ảnh: Getty Images). 

Bất ngờ lớn

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) vừa thông báo một loạt biện pháp chính sách để hỗ trợ nền kinh tế. Tờ Bloomberg nhận định đây là động thái mạnh mẽ nhất của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc để đạt mục tiêu tăng trưởng năm nay là khoảng 5%.

Trong cuộc họp báo bất thường ngày 24/9, Thống đốc Pan Gongsheng thông báo PBoC đã quyết định giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm % xuống mức thấp nhất kể từ năm 2020. Ông cũng cho biết PBoC sẽ cắt giảm lãi suất repo đảo ngược kỳ hạn 7 ngày 0,2 điểm % xuống 1,5%.

Đây là lần đầu tiên trong ít nhất 10 năm qua hai biện pháp trên được tiến hành trong cùng một ngày. Điều này cho thấy rõ sự khẩn trương của ngân hàng trung ương Trung Quốc.

Ông Pan cũng công bố gói chính sách để củng cố thị trường bất động sản, bao gồm giảm chi phí đi vay đối với số nợ vay thế chấp mua nhà trị giá 5.300 tỷ USD và nới lỏng hạn chế đối với những người mua căn nhà thứ hai.

Trung Quốc cũng sẽ cho phép các công ty môi giới chứng khoán và quỹ đầu tư tiếp cận với vốn của PBoC để mua cổ phiếu.

Các thị trường tài chính phản ứng tích cực với gói kích thích kinh tế của PBoC. Chỉ số CSI 300 tăng điểm phiên thứ 5 liên tiếp, có lúc đi lên 0,5%. Giá hàng hóa tăng nhẹ và đồng nhân dân tệ hầu như không thay đổi so với USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên rơi xuống ngưỡng 2% trong lịch sử.

Các nhà kinh tế đều đồng ý các biện pháp mà ông Pan thông báo vượt quá kỳ vọng của họ. Tuy nhiên, nhiều người cũng nghi ngờ rằng chúng khó có thể giải quyết những rắc rối mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt, bao gồm nhu cầu yếu kém.

Ông Ken Wong, nhà quản lý danh mục cổ phiếu châu Á tại Eastspring Investments Hong Kong, bình luận: “Thật khó để biết liều thuốc nào sẽ giải quyết được mọi vấn đề của Trung Quốc. Việc PBoC nới lỏng chính sách tiền tệ để giúp đỡ nền kinh tế là điều tốt, nhưng các nhà hoạch định chính sách cần làm nhiều hơn nữa để củng cố tăng trưởng quý IV”.

Ông Eric Zhu, nhà kinh tế cấp cao của Bloomberg Economics, đưa gia đánh giá lạc quan: “Ít nhất thì loạt biện pháp mới được công bố cũng sẽ giúp khích lệ tâm lý.

Trước đây kịch bản cơ sở của chúng tôi là GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,7% cho cả năm 2024. Nhưng nhờ gói kích thích tiền tệ mạnh mẽ này, Trung Quốc có thể sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 5%”.

 

Sẽ có thêm kích thích?

Trong vài năm qua, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng trợ giúp nền kinh tế mà không tung ra các gói kích thích siêu lớn. Nhưng cho đến nay, các biện pháp nhỏ giọt vẫn không thể ngăn chặn sự sa sút của nền kinh tế. Một số ngân hàng tên tuổi trên Phố Wall như JPMorgan dự đoán Trung Quốc sẽ bỏ lỡ mục tiêu tăng trưởng của năm 2024.

Mức giảm lãi suất lớn hơn dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tuần vừa qua đã giúp các ngân hàng trung ương châu Á có nhiều dư địa điều chỉnh chính sách hơn.

Quyết định nới lỏng chính sách tiền tệ của PBoC sẽ mở đường cho Bộ Tài chính Trung Quốc công bố các biện pháp của riêng mình để hỗ trợ tăng trưởng. Không ít chuyên gia nhận định Trung Quốc chưa có đủ biện pháp tài khóa để trợ giúp nền kinh tế.

Ông Raymond Yeung, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ, bình luận về gói kích thích tiền tệ: “Nó vẫn quá nhỏ để được coi là một khẩu bazooka lớn. Chúng tôi không chắc động thái cắt giảm lãi suất vay mua nhà sẽ giúp ích đến đâu trong việc giúp thị trường bất động sản phục hồi”.

Gói giải cứu thị trường bất động sản trị giá 42 tỷ USD mà PBoC công bố vào tháng 5 vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Trong tháng 8, giá nhà mới của Trung Quốc đánh dấu mức giảm lớn nhất so với tháng liền kề kể từ năm 2014.

Bà Becky Liu, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô Trung Quốc của ngân hàng Standard Chartered, dự đoán: “Chúng tôi nhận thấy PBoC có khả năng sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa trong những quý tới, sau đợt cắt giảm lãi suất lớn bất thường của Fed”.

Giang

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.