Các nhà khoa học nghi ngờ tác dụng của vắc xin COVID-19 mới được Nga công bố, gọi đó là sự liều lĩnh
Mới đây, Tổng thống Nga Putin đã đưa ra tuyên bố Nga là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép vắc xin ngừa COVID-19.
Việc phê duyệt vắc xin COVID-19 sau chưa đầy hai tháng thử nghiệm trên người đã khiến các chuyên gia y tế toàn cầu đưa ra cảnh báo. Họ cho rằng khó có thể tin tưởng vào vắc xin này khi không có dữ liệu thử nghiệm đầy đủ, theo Reuters.
Với ý định trở thành người tiên phong trong cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển một loại vắc xin chống lại dịch COVID-19, Nga vẫn chưa tiến hành các thử nghiệm qui mô lớn đối với loại vắc xin này để có thể cung cấp dữ liệu cho thấy liệu nó có hoạt động hay không. Do đó, các nhà miễn dịch học và các chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng công bố lần này có thể là một sự "liều lĩnh".
"Về cơ bản, Nga đang tiến hành một cuộc thử nghiệm ở qui mô dân số lớn", theo chuyên gia nghiên cứu thuốc Ayfer Ali tại Warwick Business School (Anh).
Bà cho biết việc phê duyệt quá nhanh như vậy có thể đồng nghĩa với việc không loại bỏ được các tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc xin. Đồng thời, bà cảnh báo rằng những điều này tuy hiếm gặp nhưng lại có thể nghiêm trọng.
Ông Francois Balloux, một chuyên gia tại Viện Di truyền học Đại học London, cũng nhận định đây là một quyết định liều lĩnh và ngu ngốc. "Việc tiêm chủng hàng loạt với một loại vắc xin chưa được thử nghiệm phù hợp là phi đạo đức", ông nói.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vắc xin do Viện Gamaleya phát triển là an toàn và nó đã được tiêm cho một trong những con gái của ông.
"Tôi biết rằng nó hoạt động khá hiệu quả, hình thành khả năng miễn dịch mạnh và tôi nhắc lại, nó đã vượt qua tất cả các kiểm tra cần thiết", ông Putin nói trên truyền hình quốc gia Nga.
Trong khi Nga chính thức công bố về loại vắc xin của mình thì trên thế giới cũng có hàng tá các công ty dược phẩm đang trong quá trình tiến hành các thử nghiệm qui mô lớn các nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19 và kì vọng sẽ thành công vào cuối năm nay.
Việc phát triển vắc xin cần trải qua ba giai đoạn:
Giai đoạn I: thử nghiệm tiền lâm sàng, các nhà nghiên cứu tiêm vắc xin cho động vật để xem liệu vắc xin có kích hoạt phản ứng miễn dịch hay không.
Tiếp theo, trong giai đoạn I của thử nghiệm lâm sàng, vắc xin được tiêm cho một nhóm nhỏ người để xác định liệu vắc xin có an toàn, và để tìm hiểu thêm về phản ứng miễn dịch mà vắc xin gây ra.
Giai đoạn II: vắc xin được tiêm cho hàng trăm người để các nhà khoa học có thể tìm hiểu kĩ hơn về độ an toàn và liều lượng chính xác.
Giai đoạn III: vắc xin được tiêm cho hàng nghìn người để xác nhận tính an toàn, bao gồm các tác dụng phụ hiếm gặp, và hiệu quả. Những thử nghiệm này liên quan đến một nhóm đối chứng được sử dụng giả dược.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tính đến ngày 4/8, có 139 vắc xin ở giai đoạn tiền lâm sàng, 25 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm I; 17 vắc xin giai đoạn II và 7 vắc xin trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng.
Trong đó, giai đoạn III được coi là điều kiện cần thiết cho vắc xin để đảm bảo sự chấp thuận của cơ quan quản lí.