|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau?

16:40 | 12/02/2022
Chia sẻ
Ngân hàng, bất động sản, thực phẩm – đồ uống là những ngành dẫn đầu thị trường chứng khoán về lợi nhuận quý IV/2021, kết quả tập trung vào những tên tuổi lớn như Vietcombank, Vinhomes, Masan.
Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau? - Ảnh 1.

BIDV là một trong những doanh nghiệp lãi ròng nghìn tỷ trong quý IV vừa qua. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Theo thống kê của Chứng khoán SSI tính đến ngày 11/2, toàn thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm sàn HOSE, HNX và thị trường UPCoM) có 924 doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh quý IV, chiếm 95% vốn hóa toàn thị trường.

Trong đó, 792 doanh nghiệp có lãi và 132 công ty thua lỗ, chiếm tương ứng 86% và 14% tổng số.

Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau? - Ảnh 2.

Quý IV/2021 tiếp tục là một giai đoạn ăn nên làm ra của các ngân hàng khi nhóm này ghi nhận lãi ròng (lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ) đạt xấp xỉ 36.000 tỷ đồng, dẫn đầu thị trường chứng khoán Việt Nam và tăng trưởng 7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong số những doanh nghiệp có lợi nhuận ròng trên 1.000 tỷ quý vừa qua, các ngân hàng đóng góp 11 đại diện. Trong top 10 lợi nhuận khủng nhất sàn có tới 7 nhà băng.

Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau? - Ảnh 4.

Nhiều ngân hàng có lãi ròng trên 1.000 tỷ đồng trong quý IV/2021.

Bất động sản là nhóm đứng thứ 2 về lợi nhuận quý IV. Khoảng cách giữa Bất động sản và Ngân hàng có thể được rút ngắn đáng kể nếu như không tính khoản lỗ khủng bất ngờ gần 6.000 tỷ đồng của Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC).

Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau? - Ảnh 5.

Công ty con của Vingroup là Vinhomes (Mã: VHM) vẫn là trụ đỡ chính trong các doanh nghiệp địa ốc khi ghi nhận lãi ròng lên tới hơn 11.900 tỷ đồng trong một quý, lớn nhất toàn thị trường chứng khoán và bỏ xa doanh nghiệp đứng sau là Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).

Đây cũng là con số lợi nhuận cao chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động của Vinhomes.

Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau? - Ảnh 6.

Vingroup ghi nhận năm thua lỗ đầu tiên từ trước đến nay một phần do ảnh hưởng của các đợt phong tỏa kéo dài trong dịch COVID-19. 

Một phần nguyên nhân khác là Vingroup quyết định ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung nguồn lực cho xe điện, dẫn tới phát sinh khoản chi phí liên quan đến khấu hao nhanh các tài sản dự kiến không sử dụng và khoản phí trả cho các nhà cung cấp do kết thúc hợp đồng.

Các ngân hàng chiếm 30% lợi nhuận toàn thị trường chứng khoán, những ngành nào đứng tiếp sau? - Ảnh 7.

Ở nhóm thực phẩm và đồ uống, Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đóng góp quan trọng nhất với lãi ròng hơn 6.400 tỷ đồng. Vinamilk (Mã: VNM) đứng thứ 2 với gần 2.200 tỷ và đại gia bia rượu Sabeco (Mã: SAB) đứng ở vị trí số 3 với lợi nhuận ròng hơn 1.300 tỷ.

Trong khi lợi nhuận của Masan tăng trưởng đột biến gấp 24 lần cùng kỳ năm trước thì Vinamilk chỉ đi ngang và Sabeco giảm hơn 10%. Lợi nhuận bất thường của Masan đến từ việc bán công ty con là Masan MeatLife. 

Hoạt động của Sabeco gặp nhiều khó khăn vì các đợt giãn cách xã hội. Quy định phong tỏa được nới lỏng trong quý IV đã giúp công ty hồi phục phần nào.

Ở nhóm Tài nguyên cơ bản, đại gia thép Hòa Phát (Mã: HPG) vẫn áp đảo với lãi sau thuế 7.400 tỷ. Hầu hết lợi nhuận này đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi của Hòa Phát, không có nhiều nguồn thu bất thường.

Song Ngọc