HPG, HSG, NKG: Triển vọng cổ phiếu thép năm 2022 sẽ ra sao sau nhiều tháng tụt dốc?
Quý IV/2021, các doanh nghiệp thép lớn như Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG), Nam Kim (Mã: NKG) tiếp tục báo lãi lớn nhưng tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước đã chậm đi nhiều. Nếu so với quý liền trước, lợi nhuận ngành thép đã sa sút rõ rệt.
Hòa Phát vẫn giữ vững ngôi quán quân với lãi sau thuế 7.419 tỷ đồng, tăng 59% so với quý IV/2020 nhưng giảm 28% so với quý trước. Như thể hiện trong biểu đồ dưới đây, ba tháng cuối năm 2021 là lần đầu tiên lợi nhuận của Hòa Phát đi xuống so với quý liền trước sau chuỗi tăng 8 quý liên tục.
Hoa Sen báo cáo lợi nhuận tăng 12% so với cùng kỳ nhưng là mức thấp nhất trong vòng 4 quý gần nhất. Biên lãi ròng cũng giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 7 quý. Tương tự, lãi sau thuế và biên lợi nhuận ròng của Nam Kim trong quý IV cũng không được khả quan như trong quý II và III.
Thép Tiến Lên (Mã: TLH) báo lãi 34 tỷ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV, công ty ghi nhận lãi 29 tỷ đồng từ bán chứng khoán. Nếu không có khoản lợi nhuận bất thường này, kết quả kinh doanh của Thép Tiến Lên sẽ còn tăm tối hơn nhiều.
Thép Việt Đức (Mã: VGS) cũng ghi nhận lãi giảm 46%. Pomina (Mã: POM) chỉ có lợi nhuận 635 triệu đồng, giảm gần như 100% so với số lãi 144 tỷ đồng của quý IV năm trước.
Báo cáo giải trình của Pomina cho biết sau thời gian phong tỏa nghiêm ngặt trong quý III, nhiều tỉnh thành phía Nam như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu đã mở cửa giao thông trở lại, khiến nhiều công nhân xây dựng bỏ việc về quê và không quay lại vì cận Tết Nguyên đán.
Thị trường thép xây dựng tại các tỉnh phía Nam – địa bàn tiêu thụ chính của công ty – trở nên ảm đạm, Pomina phải hạ giá bán, lãi gộp thấp.
Giá giảm là câu chuyện chung của ngành thép. Đại gia đầu ngành Hòa Phát ghi nhận giá thép cuộn cán nóng (HRC) giảm 6,8% so với quý trước xuống còn 907 USD/tấn theo xu hướng tiêu cực của giá HRC thế giới, Chứng khoán HSC cho biết.
Tại Trung Quốc, giá thép xây dựng lập đỉnh trên 5.900 nhân dân tệ/tấn vào đầu tháng 10 rồi rơi xuống đáy gần 4.200 NDT/tấn vào ngày 30/11. Đến nay, giá thép đã hồi phục một phần lên khoảng 4.850 NDT/tấn.
Một số doanh nghiệp thép còn báo lỗ. Thép Việt Ý (Mã: VIS) vừa trải qua hai quý liên tiếp vừa lỗ gộp vừa lỗ ròng. Giải trình của công ty đưa ra ba nguyên nhân.
Thứ nhất là dịch COVID-19 làm nhiều công trình bị hoãn và chậm tiến độ, lao động bỏ về quê nên nhu cầu thép suy yếu. Thứ hai là lượng tồn kho lên cao làm gia tăng chi phí lãi vay trong kỳ. Và cuối cùng là giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh trong khi giá bán lại có xu hướng giảm khiến công ty phải trích lập dự phòng hàng tồn kho.
Thép Việt Ý còn đang lấy ý kiến cổ đông về việc hủy tư cách công ty đại chúng và hủy niêm yết hơn 73,8 triệu cổ phiếu VIS khỏi sàn HOSE.
Tổng Công ty Thép Việt Nam (Mã: TVN) cũng báo lỗ trong quý IV khi lãi gộp giảm tới gần 2/3 còn chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh.
Đa phần doanh nghiệp thép đều ghi nhận doanh thu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước do giá thép trong quý IV/2021 cao hơn nhiều quý IV/2020. Doanh thu thuần của Hòa Phát trong cả năm 2021 đạt kỷ lục gần 150.000 tỷ đồng, tăng 66% so với năm trước và vượt 25% kế hoạch đề ra.
Triển vọng năm 2022 của các cổ phiếu thép lớn: HPG, HSG, NKG
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect dự báo sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng trưởng 10-15% so với năm trước.
Hai nhân tố hỗ trợ chính bao gồm: Thứ nhất là tăng tốc phát triển hạ tầng nhờ vào việc đẩy mạnh đầu tư công, và thứ hai là thị trường bất động sản nhà ở sẽ nóng trở lại trong năm 2022 do lãi suất giảm và nguồn cung mới mở bán cao hơn.
Tập đoàn Hòa Phát có lợi thế là doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam với khoảng 33% thị phần thép xây dựng và hệ thống đại lý rộng khắp nên VNDirect kỳ vọng HPG sẽ được hưởng lợi chính từ xu hướng này.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam thì nhận định việc tự chủ nguyên liệu đầu vào (HRC) cũng như chu trình sản xuất khép kín sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho nhóm tôn mạ - ống thép của Hòa Phát trong năm 2021.
Trên giả định giá thép xây dựng và giá quặng điều chỉnh trong năm 2022, Mirae Asset dự phóng tổng doanh thu và lợi nhuận ròng của Hòa Phát năm 2022 lần lượt đạt 177.053 tỷ và 30.194 tỷ.
Từ giữa năm 2022, Hòa Phát sẽ có thể bán vỏ container thành phẩm. Sản lượng trong năm nay được dự báo đạt 200.000 chiếc và mang về doanh thu 12.480 tỷ đồng. Mirae Asset dự phóng giá cổ phiếu HPG trong 12 tháng tới là 55.100 đồng/cp.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) thì coi HPG là cổ phiếu hàng đầu nếu muốn đầu tư dài hạn nhờ triển vọng từ dự án Dung Quất giai đoạn 2 với tổng công suất 5,6 triệu tấn thép/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn HRC.
Trong năm 2022, VCSC dự báo sản lượng bán hàng của Hòa Phát sẽ tăng 8%-14% trong tất cả phân khúc sản phẩm. Giá mục tiêu mà VCSC đưa ra cho cổ phiếu HPG là 63.000 đồng/cp.
Với Tập đoàn Hoa Sen, Mirae Asset kỳ vọng trong năm 2022, sản lượng ống thép sẽ phục hồi nhờ sự cải thiện của mảng bất động sản xây dựng và công nghiệp. Năm 2021 thị phần mảng tôn mạ của Hoa Sen đã tăng lên mức 35,9% (biểu đồ dưới) nhờ đẩy mạnh tiêu thụ khi thị trường xuất khẩu bùng nổ.
Trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục siết sản lượng thép do thiếu hụt điện cũng như kiểm soát khí thải, Mirae Asset cho rằng mảng xuất khẩu của Hoa Sen trong năm tài chính 2022 duy trì tăng trưởng.
Sản lượng tôn mạ và ống thép của Hoa Sen trong năm tài chính 2022 được dự báo lần lượt đạt 1,94 triệu tấn và 515.575 tấn, lần lượt tăng 8% và 25% so với năm trước. Dự phóng doanh thu và lợi nhuận ròng của Hoa Sen lần lượt đạt 48.506 tỷ đồng (không đổi) và 3.012 tỷ đồng (giảm 30%).
Lợi nhuận của Hoa Sen có thể sẽ có nhiều biến động trong tháng 4-5-6/2022 khi các hợp đồng xuất khẩu điều chỉnh theo giá HRC mới. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng giá thép suy yếu có thể làm lãi sau thuế của Hoa Sen giảm 26% xuống còn 3.160 tỷ đồng trong niên độ này.
VCSC dự báo sản lượng bán tôn mạ của Hoa Sen đạt 1,8 triệu tấn trong năm tài chính 2022 (không đổi so với năm trước) và sản lượng bán ống thép đạt 494.300 tấn, tăng 7%.
Mirae Asset đưa ra giá mục tiêu là 37.900 đồng/cp trong khi VCSC dự phóng mức giá 37.500 đồng/cp, VDSC kỳ vọng giá 41.000 đồng/cp.
Với CTCP Thép Nam Kim, trong năm 2022 công ty dự kiến sẽ tăng thêm 200.000 tấn công suất tẩy mạ nhờ mở rộng nhà máy ở Bình Dương và tái cơ cấu kho hàng. Trong tháng 6 năm ngoái, Nam Kim đã hoàn tất mua thêm 5 ha xưởng ở Bình Dương khi thâu tóm công ty Dea Myung với giá khoảng 5,5 triệu USD, nhằm chuẩn bị cho mở rộng dây chuyền tẩy hiện có.
Mirae Asset ước tính chi phí nâng cấp sẽ chỉ ở mức 5 triệu USD cho 200.000 tấn thép, tương ứng với suất đầu tư thấp chỉ 1,1 tỷ đồng/tấn. Doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2022 được dự phóng giảm lần lượt 10% và 35% so với năm trước, về mức 25.454 tỷ đồng và 1.437 tỷ đồng.
Nguyên nhân là áp lực giảm giá quặng sắt và nhu cầu đầu cơ giảm xuống khi chuỗi cung ứng phục hồi. Sản lượng tôn mạ và ống thép năm 2022 được Mirae Asset dự phóng đạt lần lượt gần 1,12 triệu tấn và 180.000 tấn, tăng trưởng tương ứng 20% và 22%. Giá mục tiêu của cổ phiếu NKG trong 12 tháng tới là 37.500 đồng/cp.
VCSC cũng dự báo tiêu thụ tôn mạ của Nam Kim trong năm nay sẽ đạt khoảng 1,1 triệu tấn. Biên lợi nhuận năm 2022 nhiều khả năng sẽ giảm từ mức so sánh cao trong năm 2021 khi lợi thế về chi phí đầu vào giảm.
Lợi nhuận thuần của cổ đông công ty mẹ trong năm nay được dự báo đạt khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm 35% so với năm ngoái. Giá mục tiêu mà VCSC đưa ra cho NKG trong 12 tháng tới là 38.800 đồng/cp, VDSC dự phóng giá 50.700 đồng/cp.
Trong hai phiên giao dịch đầu xuân Nhâm Dần (7-8/1/2022), nhiều cổ phiếu thép tăng mạnh, giúp nhà đầu tư đu đỉnh vào tháng 10/2021 giảm được một phần thua lỗ.