|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát phân bổ 8 tỷ USD tài sản vào những đâu?

12:37 | 06/02/2022
Chia sẻ
Nhà xưởng, máy móc và hàng tồn kho là những khoản mục tài sản lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát tại ngày cuối năm 2021.
Hòa Phát phân bổ 8 tỷ USD tài sản vào những đâu? - Ảnh 1.

Cảng nước sâu trong khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. (Ảnh: Đức Quyền).

8 tỷ USD tài sản của Hòa Phát

Tính đến ngày 31/12 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có tổng tài sản hơn 178.000 tỷ đồng (tương đương 8 tỷ USD), tăng trưởng 35,5% so với ngày đầu năm 2021.

Tài sản ngắn hạn chiếm quá nửa tổng tài sản và lớn hơn nợ ngắn hạn, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy tình hình thanh khoản của tập đoàn tương đối tích cực.

Trong một thời gian dài từ cuối quý III/2018 đến cuối quý I/2021, Hòa Phát luôn ở trong tình trạng tài sản dài hạn vượt xa tài sản ngắn hạn. Đây cũng là khoảng thời gian mà Hòa Phát tập trung đầu tư Dự án Khu Liên hợp Dung Quất giai đoạn 1 với tổng vốn 65.000 tỷ đồng, công suất 5 triệu tấn thép/năm.

Phần lớn số lợi nhuận mà Hòa Phát làm ra trong các năm 2018-2020 đều được dồn vào hoạt động xây dựng cơ bản ở Dung Quất, khiến cho tài sản dài hạn tăng lên nhanh chóng. Tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long còn không trả cổ tức tiền mặt trong ba năm liền.

Hòa Phát phân bổ 8 tỷ USD tài sản vào những đâu? - Ảnh 2.

Đa phần tài sản của Hòa Phát hiện nay có kỳ hạn dưới một năm.

Kể từ quý I/2021 trở đi, dự án Dung Quất giai đoạn 1 đã cơ bản hoàn tất, 4 lò cao và 4 lò thổi oxy đều đã đi vào vận hành và cho ra sản phẩm. Vì vậy, trong ba quý gần đây, Hòa Phát không cần chi mạnh cho tài sản cố định mà tích lũy tiền mặt và tiền gửi trên bảng cân đối kế toán.

Tại ngày 31/12/2021, Hòa Phát có gần 22.500 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, cùng với đó là khoảng 18.200 tỷ đồng tiền gửi ngắn hạn; tăng trưởng lần lượt 64% và 24% so với ngày đầu năm. Các khoản tiền gửi nói trên đã giúp Hòa Phát thu lãi 340 tỷ đồng, đủ để thanh toán khoảng 54% chi phí lãi vay của 2021.

Trong năm 2022, cán cân tài sản của Hòa Phát nhiều khả năng sẽ chuyển hướng từ ngắn hạn sang dài hạn do tập đoàn chuẩn bị khởi công dự án Dung Quất giai đoạn 2 với tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng. 

Dự án được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2024 với công suất 5,6 triệu tấn phôi thép mỗi năm. Tổng năng lực sản xuất thép của Hòa Phát từ 2024 trở đi có thể đạt 14 triệu tấn, trong top 30 thế giới.

Hàng tỷ USD nhà cửa, máy móc và tồn kho

Tài sản cố định và hàng tồn kho là những khoản mục tài sản lớn nhất của Tập đoàn Hòa Phát tại ngày cuối năm 2021 với giá trị lần lượt 68.700 tỷ đồng và 42.400 tỷ đồng.

Nhà cửa - vật kiến trúc và máy móc - thiết bị là hai nhóm lớn nhất trong khối tài sản cố định, đều có giá trị trên 1 tỷ USD (trên 22.500 tỷ đồng).

Hòa Phát phân bổ 8 tỷ USD tài sản vào những đâu? - Ảnh 4.

Hàng tồn kho và tài sản cố định là những khoản mục lớn nhất trên bảng cân đối kế toán của Hòa Phát.

Hàng tồn kho chủ yếu nằm ở nguyên liệu, vật liệu với giá trị gần 20.000 tỷ đồng. Quá trình sản xuất thép đòi hỏi các đầu vào như quặng sắt, than, đá vôi, … Hòa Phát thường tích trữ lượng nguyên liệu tồn kho đủ dùng trong khoảng 2-3 tháng, con số thực tế có thể thay đổi tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Lượng thành phẩm tồn kho tại ngày cuối năm ngoái là xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, tăng 81% so với 12 tháng trước đó.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tính đến 31/12/2021, Hòa Phát tồn kho hơn 333.000 tấn thép xây dựng, lớn nhất trong các doanh nghiệp cùng ngành và tương đương khoảng 8,5% sản lượng mà Hòa Phát tiêu thụ trong năm. Con số tồn kho tôn mạ và ống thép không được tiết lộ.

Hòa Phát phân bổ 8 tỷ USD tài sản vào những đâu? - Ảnh 5.

Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu thị phần thép xây dựng năm 2021.

Song Ngọc - Đức Quyền