|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

HPG giảm 21% từ đỉnh, vốn hóa tụt xuống dưới GAS

20:04 | 07/01/2022
Chia sẻ
Hòa Phát (Mã: HPG) đã để mất vị trí số 4 về vốn hóa thị trường vào tay PV Gas (Mã: GAS) mặc dù nhiều công ty chứng khoán đánh giá lạc quan về tiềm năng cổ phiếu HPG.

Phiên 7/1, chỉ số bluechip VN30-Index giảm gần 13 điểm, tương đương 0,82%. Trong 30 cổ phiếu thành phiên có tới 21 mã đóng cửa trong sắc đỏ, bao gồm HPG của Tập đoàn Hòa Phát.

Kết phiên, HPG giảm 0,7% so với tham chiếu còn 45.800 đồng/cp, thấp hơn 21% so với đỉnh 58.000 đồng/cp thiết lập hôm 28/10.

Vốn hóa của Hòa Phát hiện nay là khoảng 204.900 tỷ đồng, tụt xuống thứ 5 thị trường chứng khoán Việt Nam. Ở thời kỳ đỉnh cao, Hòa Phát có giá trị thị trường gần 260.000 tỷ đồng, tức là trên 11 tỷ USD.

Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và gia đình đang nắm giữ khoảng 35% tổng số cổ phiếu HPG đang lưu hành. Vốn hóa Hòa Phát giảm 54.600 tỷ đồng từ đỉnh đồng nghĩa với việc gia đình Chủ tịch Trần Đình Long cũng thiệt hại khoảng 19.100 tỷ đồng trong hơn ba tháng qua.

HPG giảm 21% từ đỉnh, vốn hóa tụt xuống dưới GAS - Ảnh 1.

Cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng lập kỷ lục về giá vào ngày 28/10 như HPG của Hòa Phát. Tuy nhiên trong phiên 7/1, GAS bật tăng 3,7% lên 107.500 đồng/cp, chỉ kém đỉnh lịch sử khoảng 14%.

Vốn hóa PV Gas hiện nay là khoảng 205.700 tỷ đồng, giành lấy vị trí thứ 4 từ tay Hòa Phát. Ba cổ phiếu lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đang là VIC của Vingroup, VHM của Vinhomes và VCB của Vietcombank.

Không chỉ tăng mạnh và vượt HPG về giá trị niêm yết, GAS cũng là cổ phiếu có tác động tích cực nhất tới thị trường phiên hôm nay, giúp VN-Index và VN30-Index có thêm lần lượt 1,86 điểm và 2,75 điểm.

HPG giảm 21% từ đỉnh, vốn hóa tụt xuống dưới GAS - Ảnh 2.

PV Gas vượt Hòa Phát trên bảng xếp hạng vốn hóa. (Vốn hóa của Vietcombank được tính bằng số cổ phiếu trước khi trả cổ tức).

Rủi ro giá thép giảm ảnh hưởng thế nào tới HPG?

Cổ phiếu HPG diễn biến tiêu cực bất chấp nhận định lạc quan của nhiều công ty chứng khoán. 

Trong báo cáo phân tích hồi cuối tháng 12, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng lợi nhuận của Hòa Phát có thể duy trì ở mức cao trong quý IV/2021 do sản lượng bán thép tăng.

Lũy kế 11 tháng đầu năm, Hòa Phát ghi nhận tổng sản lượng bán hàng thép các loại đạt 8 triệu tấn, tăng 33% so với cùng kỳ. Tiêu thụ thép xây dựng 11 tháng là 3,5 triệu tấn, tăng 15%, trong đó riêng xuất khẩu thép xây dựng thành phẩm đạt 914.000 tấn, tăng 90%.

VDSC đánh giá triển vọng của Hòa Phát tương đối khả quan và khuyến nghị mua cổ phiếu HPG với giá mục tiêu 62.900 đồng/cp trong 12 tháng tới.

Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) dự báo lợi nhuận thuần của Hòa Phát trong quý IV đạt 9.847 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ; lợi nhuận cả năm 2021 ước tính 36.897 tỷ, tăng trưởng 174%.

Nói về triển vọng năm 2022, VDSC cho rằng doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát chịu ít rủi ro hơn so với nhà sản xuất thép dẹt như Hoa Sen (Mã: HSG) hay Nam Kim (Mã: NKG).

Giá quặng sắt giảm đã khiến giá thép trong nước đi xuống vào cuối năm 2021. Mặc dù vậy, giá quặng sắt giảm cũng ít nhiều hỗ trợ cho biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát do công nghệ sản xuất bằng lò cao thổi oxy của công ty. 

Bên cạnh đó, VDSC nhận thấy rủi ro giảm giá thép trong nước tương đối hạn chế do ba yếu tố: giá phế liệu cao, thuế tự vệ của Việt Nam và cuối cùng là nguồn cung được kiểm soát của thị trường thép Trung Quốc, vốn có sự tương quan mật thiết với thị trường trong nước.

Mặt khác, hoạt động xây dựng phục hồi vào năm 2022 sẽ hỗ trợ cho nhu cầu của toàn ngành. 

Các đơn vị sản xuất thép dẹt khác, với lợi nhuận chủ yếu dựa vào xuất khẩu, có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy giảm gần đây của giá thép ở Bắc Mỹ sau khi hạn ngạch nhập khẩu từ EU tăng. Dư địa năng lực sản xuất hạn chế của các công ty này khó có thể giúp bảo vệ biên lợi nhuận gộp, VDSC nhận định.

Doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong năm 2022 được kỳ vọng đạt lần lượt 148.000 tỷ và 33.000 tỷ đồng.

HPG giảm 21% từ đỉnh, vốn hóa tụt xuống dưới GAS - Ảnh 4.

Chứng khoán VNDirect cho rằng giá thép giảm có thể sẽ gây áp lực đáng kể lên biên lợi nhuận gộp của các công ty thép trong quý IV/2021 và cả năm 2022 khi lượng hàng tồn kho giá rẻ đã hết, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thương mại thép và tôn mạ như Hoa Sen, Nam Kim và SMC. 

Trong khi đó, Hòa Phát sẽ là công ty thép niêm yết duy nhất có triển vọng duy trì biên lãi gộp cao trong quý cuối năm 2021 và cả năm 2022 nhờ lợi thế về quy mô và khả năng quản lý chi phí, VNDirect nhận định.

Song Ngọc

[LIVE] ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.