Nội thất Hòa Phát đổi tên, bổ sung ngành nghề môi giới bất động sản
Ngày 4/1/2021, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của tập đoàn tại CTCP Nội thất Hòa Phát với giá trị ghi sổ là 398,4 tỷ đồng (tương đương 99,6% vốn điều lệ). Giá trị chuyển nhượng thực tế là 896,4 tỷ đồng.
Ngày 4/1/2022 vừa qua, tức đúng một năm sau ngày đổi chủ, Nội thất Hòa Phát đã đổi tên thành Công ty cổ phần Nội thất The One.
Đồng thời, The One cũng bổ sung ba ngành nghề kinh doanh mới gồm: Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Sản xuất sản phẩm khác bằng kim loại chưa được phân vào đầu; Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển.
Ông Doãn Gia Cường, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát, vẫn là Giám đốc của Nội thất The One.
Đối tác mua lại cổ phần của công ty nội thất nói trên từ tay Tập đoàn Hòa Phát vào tháng 1/2021 là Công ty cổ phần Nội thất Eden Việt Nam, trụ sở chính đặt tại xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên.
Vốn điều lệ ban đầu của Nội thất Eden là 8 tỷ đồng. Đến ngày 11/1/2021 (tức một tuần sau thương vụ với Hòa Phát), Nội thất Eden tăng vốn lần đầu lên 300 tỷ đồng.
Ngày 17/12/2021, tức chưa đầy một tháng trước, Nội thất Eden cũng đăng ký bổ sung ba ngành nghề kinh doanh gồm: Kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Cho thuê máy móc, thiết bị và đồ dùng hữu hình khác không kèm người điều khiển.
Hòa Phát mạnh tay đầu tư bất động sản
Trong khi Nội thất The One và Eden mới đăng ký bổ sung ngành kinh doanh bất động sản, bản thân Tập đoàn Hòa Phát đã đầu tư địa ốc từ lâu. Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị Hòa Phát được thành lập ngày 28/9/2001 tại Hà Nội trên cơ sở Ban xây dựng cơ bản của Tập đoàn Hòa Phát.
Công ty tập trung đầu tư và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp (KCN) để cho thuê lại, đầu tư và kinh doanh bất động sản và xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp.
Trong 10 năm đầu hoạt động, nguồn thu duy nhất của công ty là kinh doanh hạ tầng ba khu công nghiệp Phố Nối A, Hòa Mạc, Yên Mỹ II.
Từ năm 2013 trở lại đây, Hòa Phát có thêm doanh thu, lợi nhuận từ bất động sản nhà ở, khu đô thị. Năm 2011, dự án nhà ở đầu tiên là tòa nhà 257 Giải Phóng hoàn thành giúp kết quả kinh doanh tăng lên trong năm 2012.
Tới năm 2013-2014, doanh thu của Xây dựng và Phát triển đô thị Hòa Phát tăng vọt lên trên 2.700 tỷ đồng với sự đóng góp của Khu phức hợp Mandarin Garden tại Cầu Giấy.
Tiếp sau đó, dự án Mandarin Garden 2, Tòa nhà Hòa Phát Nguyễn Đức Cảnh tại quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng góp phần tăng doanh thu đáng kể vào các năm 2018, 2019.
Mặc dù vậy, cho đến nay, doanh thu và lợi nhuận bền vững nhất của công ty vẫn nằm ở mảng kinh doanh hạ tầng KCN. Trong 5 năm trở lại đây, các KCN đã mang lại cho Hòa Phát 500-800 tỷ đồng doanh thu mỗi năm, lợi nhuận 120 - 370 tỷ đồng/năm.
Trong 10 năm tới, Hòa Phát đặt kế hoạch phát triển 10 KCN, bao gồm các khu hiệncó. Công ty dự kiến mở rộng phát triển thêm các KCN tại Bắc Giang, Hải Dương, đồng thời xem xét phát triển mở rộng tại khu vực miền Nam.
Đối với mảng dự án nhà ở - khu đô thị, công ty sẽ tập trung phát triển các khu đô thị dịch vụ quanh những khu vực có KCN mà Hòa Phát đầu tư. Mục tiêu là mỗi KCN sẽ phát triển một khu đô thị dịch vụ để phục vụ sự phát triển của chính KCN đó.
Theo báo cáo tài chính quý III/2021 của Tập đoàn Hòa Phát, mảng bất động sản mang lại 615 tỷ đồng doanh thu thuần và 244 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.