|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bí ẩn doanh nghiệp tí hon bỏ ra gần 900 tỷ để mua công ty Nội thất Hòa Phát

09:18 | 28/08/2021
Chia sẻ
Một doanh nghiệp của nữ giám đốc 9X tại Hưng Yên đã bỏ ra gần 900 tỷ đồng để mua lại công ty nội thất từ tay Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG).
Doanh nghiệp tí hon bỏ ra gần 900 tỷ để mua công ty Nội thất Hòa Phát - Ảnh 1.

Đại diện Nội thất Hòa Phát nhận danh hiệu Thương hiệu Quốc gia 2020. (Ảnh: hoaphat.com).

Cá bé nuốt cá lớn

Theo thông tin mới được công bố, ngày 4/1 năm nay, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ cổ phần của tập đoàn tại CTCP Nội thất Hòa Phát với giá trị ghi sổ là 398,4 tỷ đồng (tương đương 99,6% vốn điều lệ) cho Công ty cổ phần Nội thất Eden Việt Nam.

Giá trị chuyển nhượng là 896,4 tỷ đồng, tức là Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận lãi 498 tỷ đồng từ việc thanh lý công ty con.

Nội thất Eden được thành lập ngày 19/10/2015, trụ sở chính đặt tại xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Vốn điều lệ ban đầu là 8 tỷ đồng. Đến ngày 11/1/2021 (tức một tuần sau khi mua Nội thất Hòa Phát), Nội thất Eden mới tăng vốn lần đầu lên 300 tỷ đồng.

Giám đốc của Nội thất Eden là bà Lại Như Loan, sinh năm 1992, thường trú tại Hoàng Mai, Hà Nội. Năm 2019, công ty ghi nhận doanh thu thuần 19,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 1,33 tỷ. Trong khi đó, Nội thất Hòa Phát mỗi năm có doanh thu khoảng 1.800 tỷ, lợi nhuận 100 - 200 tỷ.

Tổng tài sản tại ngày cuối năm 2019 của Eden là 13,2 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 9,3 tỷ, đều nhỏ hơn nhiều so với Nội thất Hòa Phát.

Doanh nghiệp tí hon bỏ ra gần 900 tỷ để mua công ty Nội thất Hòa Phát - Ảnh 2.

Nội thất phòng ngủ của Hòa Phát. (Ảnh: hoaphat.com).

Từ ngoài nhìn vào, hoạt động của Nội thất Hòa Phát không có nhiều thay đổi sau khi đổi chủ. Website của công ty hiện nay vẫn ghi mình thành viên của Tập đoàn Hòa Phát, chưa cập nhật danh tính chủ mới. Đại diện theo pháp luật vẫn là ông Doãn Gia Cường – người đồng thời là Phó Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát.

Công ty cũng giữ nguyên logo và tên gọi Nội thất Hòa Phát, dù đây là quyết định dễ hiểu vì Hòa Phát là thương hiệu nội thất có tiếng từ lâu, được biết đến rộng rãi hơn nhiều so với Eden. Năm 2020, cả Tập đoàn Hòa Phát và CTCP Nội thất Hòa Phát đều nằm trong danh sách 124 doanh nghiệp Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Ngoài ra, ngày 8/1 năm nay, Công ty TNHH Gia cầm Hòa Phát (một công ty con cấp 2 của tập đoàn) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Vận Thắng Phú Thọ (một công ty con cấp 3 của tập đoàn) với giá trị ghi sổ là 40,72 tỷ đồng, tương đương 99,8% vốn điều lệ. Giá trị chuyển nhượng là 48,8 tỷ đồng, thu về số lãi gần 4,6 tỷ đồng.

Tổng cộng, việc thoái vốn khỏi hai công ty con nói trên đem về cho Tập đoàn Hòa Phát gần 503 tỷ đồng lợi nhuận bất thường, đóng góp vào khối lãi thuần 16.751 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2021.

Bí ẩn doanh nghiệp tí hon bỏ ra gần 900 tỷ để mua công ty Nội thất Hòa Phát - Ảnh 4.

Đằng sau quyết định thoái vốn của Hòa Phát

Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên năm nay, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết Tập đoàn Hòa Phát định hướng ưu tiên các ngành sử dụng ít lao động, sản xuất ra số lượng sản phẩm lớn, tập trung vào các ngành to - thô, có yếu tố vận tải. 

Công ty nội thất trước đây góp phần tạo nên tên tuổi của Hòa Phát, giúp thương hiệu Hòa Phát được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn. Tuy nhiên theo thời gian, nội thất không còn tương thích với chiến lược phát triển của Tập đoàn. 

Tỷ phú Trần Đình Long nêu ra hai lý do cụ thể.

Thứ nhất, sản xuất nội thất phù hợp với kinh tế gia đình hơn. Số mã sản phẩm nội thất lên tới hàng nghìn, cho thấy sự nhỏ lẻ và thủ công. Trong khi đó, với ngành thép chỉ có vài mã sản phẩm như thép dây, thép cuộn, ... sản xuất theo dây chuyền công nghiệp quy mô lớn. Việc cạnh tranh trong lĩnh vực kinh tế gia đình không phù hợp với sở trường của Hòa Phát.

Thứ hai, công ty nội thất sử dụng lượng lao động lớn nhưng kết quả kinh doanh không cao. Ông Long công bố số liệu chi tiết: Khi còn thuộc về Hòa Phát, công ty nội thất có 2.000 cán bộ nhân viên, mỗi năm có doanh thu khoảng 1.800 - 2.000 tỷ, lợi nhuận năm tốt thì được hơn 200 tỷ, năm vừa rồi kém thì được khoảng 140 tỷ. 

Trong khi đó, công ty Ống thép Hòa Phát cũng dùng 2.000 cán bộ nhân viên nhưng làm ra 20.000 tỷ doanh thu, gấp 10 lần nội thất. "Nguyên nhân là công ty ống thép dùng máy móc thiết bị là chính, cho ra sản phẩm thô, bán số lượng lớn cho các đại lý", ông Long nói.

Song Ngọc - Đức Quyền

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.