|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát có hơn 1,5 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi, tại sao không mua lại cổ phiếu quỹ?

13:01 | 18/11/2021
Chia sẻ
Doanh nghiệp chỉ mua lại cổ phiếu quỹ khi có tiền mà không biết đầu tư vào đâu. Hiện nay, Hòa Phát đang có nhiều tham vọng với các dự án lớn.

Thời điểm cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) có hơn 34.800 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 12 tháng, lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam nếu không kể các ngân hàng và công ty bảo hiểm.

Khối tiền tương đương 1,5 tỷ USD này mang lại cho tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long 320 tỷ đồng tiền lãi trong quý III vừa qua.

Hòa Phát có hơn 1,5 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi, tại sao không mua lại cổ phiếu quỹ? - Ảnh 1.

Các tập đoàn lớn trên thế giới khi dư thừa tiền mặt sẽ tăng trả cổ tức và đẩy mạnh mua lại cổ phiếu quỹ.

Ví dụ như Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett tích trữ khối tiền và chứng khoán ngắn hạn kỷ lục 149 tỷ USD tại ngày 30/9 vừa qua. Trong quý III, Berkshire mua lại 7,6 tỷ USD cổ phiếu của chính mình, nâng số tổng 9 tháng đầu năm lên hơn 20 tỷ USD.

Apple có khoảng 200 tỷ USD tiền mặt và chứng khoán đầu tư. Trong quý III vừa qua, đại gia "táo khuyết" này đã chi khoảng 20 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ, kế hoạch của cả năm tài khóa này là 90 tỷ USD. Thời gian qua, cả Apple và Berkshire Hathaway đều duy trì hoạt động vốn có của mình, không có thương vụ M&A hay mở rộng kinh doanh đáng kể nào.

Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất giai đoạn 2

Vậy tại sao Hòa Phát không mua lại cổ phiếu quỹ như một số tập đoàn lớn trên thế giới?

Câu hỏi này từng được đặt ra cho Chủ tịch Trần Đình Long vào cuối năm 2018 khi giá cổ phiếu HPG lao dốc. Ông Long khi đó đã trả lời rằng Hòa Phát đang tập trung nguồn vốn đầu tư cho dự án Dung Quất giai đoạn 1 nên không dư tiền để mua cổ phiếu quỹ. Thậm chí trong ba năm 2016, 2017, và 2018, Hòa Phát không trả cổ tức tiền mặt.

Hiện nay, dự án Dung Quất giai đoạn 1 đã hoàn thành và đi vào hoạt động. Hòa Phát ghi nhận lợi nhuận và khối tiền mặt cao kỷ lục trong ba quý đầu năm 2021 cũng nhờ vào công lớn của 4 lò cao tại Khu liên hợp Dung Quất 1. 

Ngay lập tức, Hòa Phát đã tính đến phương án đầu tư lớn cho dự án Dung Quất giai đoạn 2 để tiếp tục gia tăng năng lực sản xuất thép trong dài hạn.

Hòa Phát có hơn 1,5 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi, tại sao không mua lại cổ phiếu quỹ? - Ảnh 2.

Tiền mặt và tiền gửi của Hòa Phát lên cao kỷ lục.

Theo phương án được Đại hội cổ đông thường niên hồi tháng 4/2021 thông qua, Dung Quất 2 sẽ có công suất dự kiến 5,6 triệu tấn thép thô mỗi năm, trong đó thép dẹt là 4,6 triệu tấn và thép thanh, thép dây chất lượng cao là một triệu tấn.

Diện tích đất dự kiến sử dụng là gần 284 ha. Tổng mức đầu tư ước tính 85.000 tỷ đồng, trong đó vốn cố định là 70.000 tỷ và vốn lưu động là 15.000 tỷ.

Như vậy, Hòa Phát sẽ có nhu cầu vốn rất lớn cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản. Số tiền mặt và tiền gửi hiện nay sẽ sớm được rót vào các dự án chứ không phải nằm trong két sắt hay tài khoản ngân hàng.

Hòa Phát có hơn 1,5 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi, tại sao không mua lại cổ phiếu quỹ? - Ảnh 3.

Dây chuyền sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) tại Khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất. (Ảnh: Đức Quyền).

Tập đoàn dự kiến tỷ lệ cổ tức trong năm 2021 vẫn sẽ là 40% như năm 2020, trong đó có thể gồm 5% bằng tiền mặt và 35% bằng cổ phiếu. Nếu Hòa Phát có thể trả cho cổ đông 500 đồng/cp thì đó là nỗ lực rất lớn trong bối cảnh tập đoàn đang cần vốn cho đầu tư cơ bản, đồng thời cho thấy sự cải thiện rõ rệt so với giai đoạn ba năm liền không có cổ tức tiền mặt khi xây dựng Dung Quất giai đoạn 1.

Ngoài ra, doanh nghiệp đã trả cổ tức bằng cổ phiếu thì thường không mua cổ phiếu quỹ vì hai việc làm này có tác động triệt tiêu lẫn nhau: Một bên làm tăng số cổ phiếu lưu hành, một bên làm giảm.

Tham vọng điện lạnh và container

Bên cạnh dự án Dung Quất giai đoạn 2, Hòa Phát còn muốn đầu tư vào một số mảng kinh doanh hạ nguồn ngành thép, sử dụng thành phẩm từ Dung Quất.

Ngày 12/4 năm nay, Tập đoàn đã thành lập Công ty cổ phần Sản xuất Container Hòa Phát tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để xây dựng nhà máy với công suất 500.000 TEU mỗi năm. 

Công ty có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, tập trung vào các sản phẩm container phổ biến với chiều dài 20 và 40 feet. Trong đó, giai đoạn 1 có công suất 180.000 - 200.000 TEU/năm, dự kiến cho ra sản phẩm từ quý II/2022.

Nguyên liệu cho sản xuất vỏ container là loại thép cuộn cán nóng (HRC) mác SPA-H đặc chủng chống ăn mòn, kháng thời tiết. 

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát cho biết chi phí sản xuất HRC để làm container đắt hơn khoảng 60 USD/tấn so với HRC thông thường. Tại Việt Nam, Khu Liên hợp Hòa Phát Dung Quất là đơn vị duy nhất sản xuất được loại thép này.

Cuối tháng 9 vừa qua, Tập đoàn đã thành lập Công ty cổ phần Điện máy Gia dụng Hòa Phát với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. 

Trả lời phỏng vấn Bloomberg tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết tập đoàn đặt mục tiêu trở thành nhà sản xuất đồ gia dụng lớn nhất Việt Nam và kỳ vọng doanh thu 1 tỷ USD từ mảng này vào năm 2030.

Các sản phẩm điện máy gia dụng như tủ lạnh, tủ đông, điều hòa nhiệt độ cũng sử dụng một phần nguyên liệu đầu vào là tôn mạ lạnh được sản xuất từ HRC của Khu liên hợp Dung Quất.

Cổ phiếu HPG giảm hơn 13% từ đỉnh

Kết phiên sáng 18/11, giá HPG dừng ở 50.300 đồng/cp, giảm 2,1% so với tham chiếu và thấp hơn 13% so với đỉnh 58.000 đồng/cp thiết lập hôm 28/10. 

Trên các diễn đàn chứng khoán xuất hiện rất nhiều bài đăng của các nhà đầu tư tỏ vẻ thất vọng với diễn biến cổ phiếu HPG những tuần vừa qua. Đây là điều dễ hiểu do HPG là cổ phiếu "quốc dân" được rất nhiều nhà đầu tư nắm giữ. 

Theo thống kê vào đầu tháng 7 năm nay, Hòa Phát có hơn 133.000 cổ đông.

Hòa Phát có hơn 1,5 tỷ USD tiền mặt và tiền gửi, tại sao không mua lại cổ phiếu quỹ? - Ảnh 5.

Diễn biến cổ phiếu HPG trong 5 tháng qua. (Nguồn: TradingView).

Song Ngọc

Nóng chuyện kiểm toán
Thị trường gần đây lại nóng lên câu chuyện chất lượng báo cáo tài chính của các doanh nghiệp trên sàn khi loạt kiểm toán viên bị đình chỉ giao dịch, có doanh nghiệp không thể tìm được đơn vị kiểm toán. Cùng với đó là tính minh bạch, trung thực của chính doanh nghiệp trong các con số.