|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm sau 11 tháng, Chủ tịch Trần Đình Long muốn mua thêm cổ phiếu HPG

16:10 | 04/12/2018
Chia sẻ
Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát cho rằng việc các quỹ ngoại mua bán cổ phiếu HPG là bình thường. Ông còn khẳng định bản thân ông không bao giờ bán, thậm chí là muốn mua thêm, "sau này con cháu bán thì bán thôi".
hoa phat hoan thanh muc tieu loi nhuan nam sau 11 thang chu tich tran dinh long muon mua them co phieu hpg Hòa Phát dự chi 5.500 tỉ đồng tăng vốn cho hai công ty con

Tại buổi Gặp mặt Nhà đầu tư tổ chức chiều 4/12, ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) thông tin: Tính đến hết tháng 11, Hòa Phát đã cơ bản thực hiện được các kế hoạch đề ra. Doanh thu ước tính trên 50.000 tỉ đồng, so với kế hoạch cả năm là 55.000 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế ước khoảng 8.100 tỉ đồng, so với kế hoạch cả năm là 8.050 tỉ đồng.

Ông Long cho biết thêm trong năm 2018, Hòa Phát tiêu thụ khoảng 2,3 triệu tấn thép xây dựng cùng khoảng 600.000-700.000 tấn thép ống.

Đến năm 2020 sau khi Nhà máy thép Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát đặt mục tiêu tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn thép, tức gần gấp đôi so với năm 2018.

Cập nhật tiến độ xây dựng nhà máy thép Dung Quất, ông Long cho biết dự án cơ bản đúng tiến độ. Ông Long nhấn mạnh từ “cơ bản” vì Dung Quất là một dự án rất lớn, chênh lệch nhanh chậm một vài tháng không phải vấn đề quá lớn. Dự tính, cuối quý I hoặc đầu quý II/2019 lò cao số I sẽ đi vào hoạt động.

Ông chia sẻ: Ở Dung Quất chúng tôi không chỉ xây nhà máy thép mà còn phải xử lý rất nhiều công việc phát sinh, chẳng hạn hiện giờ chúng tôi đang phải đào một con sông ở dưới lòng biển vì biển hiện không sâu, cần đào thêm thì các tàu lớn mới vào được.

Ông Long nói thêm, những công việc phát sinh này có ảnh hưởng đáng kể tới giá thành sản phẩm nên rất khó dự đoán tỉ lệ lợi nhuận thép Hòa Phát Dung Quất. Nếu chưa đào xong con sông dưới lòng biển thì giá thành có thể là 60 USD/tấn quặng, còn nếu đã tăng độ sâu của lòng biển cho phép tàu lớn vào được thì giá thành có thể giảm còn 50 USD/tấn, ông Long lấy ví dụ.

hoa phat hoan thanh muc tieu loi nhuan nam sau 11 thang chu tich tran dinh long muon mua them co phieu hpg
Ông Trần Đình Long (áo trắng) tại buổi gặp mặt nhà đầu tư chiều 4/12. Ảnh: Đức Quyền.

Để phục vụ dự án Dung Quất, Hòa Phát đã kí hợp đồng vay 20.000 tỉ đồng (số làm tròn) trong đó 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) và 10.000 tỉ đồng từ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Kì hạn vay 7 năm, ân hạn 2 năm, lãi suất thả nổi theo công thức lãi suất huy động 12 tháng + biên lãi. Ông Long không nói cụ thể biên là bao nhiêu % nhưng khẳng định là rất cạnh tranh vì Hòa Phát là doanh nghiệp lớn, uy tín.

Ông Long cho biết thêm, lãi suất vay bằng USD của Hòa Phát được thả nổi theo công thức Libor + 2,2% (Libor là lãi suất vay liên ngân hàng trên thị trường London). Hiện lãi suất các khoản vay USD của Hòa Phát được ông Long cho là "thấp tới mức không thể tin được" là 4,8% một năm. Ông nói thêm: Có doanh nghiệp thép lớn đang phải vay USD với lãi suất lên tới 12% một năm.

Về việc một số báo đưa tin Tập đoàn Hòa Phát đang vay nợ cao, vị chủ tịch này cho rằng thông tin như vậy dễ gây hiểu lầm. Đúng là giá trị tuyệt đối các khoản vay nợ của Hòa Phát tăng lên nhưng tỉ lệ nợ trên tổng nguồn vốn lại có xu hướng giảm đi. Ông Trần Đình Long cập nhật số liệu tính đến cuối tháng 11 cho thấy, tỉ lệ vay nợ trên vốn chủ sở hữu của Hòa Phát ở mức "thấp không thể tin được" là 0,42 lần.

Vì đang tập trung nguồn vốn để đầu tư cho dự án Dung Quất, trong ngắn hạn Hòa Phát sẽ không giành tiền để mua cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ.

Quỹ lớn bán cổ phiếu HPG là bình thường, Chủ tịch Trần Đình Long muốn mua thêm

Nói về động thái bán cổ phiếu HPG mới đây của quỹ PENM có liên quan đến người nội bộ là thành viên HĐQT của Hòa Phát, ông Long cho rằng đây là hoạt động hết sức bình thường, không phải chuyện “tháo chạy” như một số nhà đầu tư lo ngại.

Quỹ đầu tư có mua cổ phiếu thì phải có lúc bán ra khi đóng quỹ, ông không buồn bực hay giận dữ vì việc các quỹ bán. Ông Long khẳng định thêm, các nhà đầu tư có thể bán nhưng bản thân ông thì chắc chắn không bán, thậm chí ông có ý định mua thêm, có thể là 10 triệu cổ phiếu mỗi lần đăng ký mua.

hoa phat hoan thanh muc tieu loi nhuan nam sau 11 thang chu tich tran dinh long muon mua them co phieu hpg Quỹ PENM khẳng định vẫn là đối tác lâu dài của Hoà Phát dù mới đăng ký bán thêm 20 triệu cp HPG
hoa phat hoan thanh muc tieu loi nhuan nam sau 11 thang chu tich tran dinh long muon mua them co phieu hpg Mới bán 10,9 triệu cổ phiếu HPG của Hòa Phát, quỹ ngoại muốn bán tiếp 20 triệu cp

Cũng có mặt tại buổi gặp mặt nhà đầu tư, đại diện của PENM cho biết quỹ này là đối tác chiến lược lâu năm của Hòa Phát. Hiện PENM có 3 quỹ là PENM II, III và IV đã đầu tư vào cổ phiếu HPG. Sắp tới PENM sẽ thành lập quỹ PENM V và dự định cũng đầu tư cổ phiếu HPG.

Một quỹ của PENM thường có thời hạn khoảng 7-10 năm. Trước đây khi quỹ PENM II đến hạn đóng quỹ và bán ra cổ phiếu HPG, ngay lập tức quỹ mới thành lập khi đó là PENM IV đã thực hiện mua vào HPG.

Gần đây quỹ PENM III đăng ký bán 20 triệu cổ phiếu HPG, đây là khối lượng tương đối nhỏ. Đại diện PENM cho biết thêm là chỉ bán hết HPG khi đóng quỹ vào năm 2021.

Thị phần là mục tiêu, lợi nhuận là hệ quả

Nói về chiến lược kinh doanh của công ty, ông Long khẳng định Hòa Phát coi thị phần là mục tiêu quan trọng nhất. Khi doanh nghiệp giành được thị phần thì lợi nhuận là hệ quả tất yếu.

Trong tháng 10, Hòa Phát tiêu thụ 250.000 tấn thép - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong tháng 11, sản lượng tiêu thụ tiếp tục ở mức cao 220.000 tấn. Theo ông Long, sở dĩ đạt được kết quả này là do ông đã chỉ đạo phải bán bằng mọi giá để giữ lấy và giành thêm thị phần, giải được bài toán thị phần thì sẽ giải được bài toán lợi nhuận và các bài toán khác.

Hòa Phát hiện không chỉ tập trung chiếm lĩnh thị phần thép trong nước mà còn định hướng xuất khẩu. Ước tính tổng sản lượng thép tiêu thụ trong năm 2019 là khoảng 3,5 đến 4 triệu tấn thì trong đó, sản lượng xuất khẩu dự kiến 400.000 tấn, chiếm 10-12%. Mặc dù bị áp thuế quan 25% nhưng ông Long cho biết Hòa Phát vẫn xuất khẩu được thép sang Mỹ.

Tuy nhiên, Hòa Phát xác định thị trường xuất khẩu chủ yếu là Lào, Campuchia và các nước Đông Nam Á còn lại. Trong đó Campuchia là thị trường trọng điểm trong giai đoạn tới, được Hòa Phát ưu tiên xuất khẩu.

Theo ông Long, trong năm 2018 có thời kì hoạt động xuất khẩu không có lợi nhưng Hòa Phát vẫn làm vì muốn giành lấy thị phần. Có tháng, Hòa Phát tiêu thụ khoảng 20.000 tấn thép tại Campuchia - dẫn đầu thị trường này. Hòa Phát cũng đã thành lập văn phòng đại diện tại Campuchia để tiếp tục gia tăng hoạt động tại đây.

Ông Long đánh giá Campuchia là một trong những thị trường thép tăng trưởng rất nhanh, sản lượng tiêu thụ trong 11 tháng năm nay đạt khoảng 800.000 tấn. Đồng thời vị chủ tịch tập đoàn tự tin rằng Hòa Phát nhiều khả năng sẽ dẫn đầu thị trường láng giềng này.

Xem thêm

Đức Quyền