|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các hãng xe điện Trung Quốc tham vọng thống trị thị trường Thái Lan, đặt nền móng để mở rộng quy mô ở Đông Nam Á

13:10 | 08/08/2023
Chia sẻ
Xe điện hiện mới chỉ chiếm một phần nhỏ tại Thái Lan, thị trường sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á. Nhận thấy tiềm năng khai thác còn nhiều, các hãng xe điện Trung Quốc đã rót hàng tỷ USD vào Thái Lan với tham vọng sớm khẳng định vị thế trên thị trường.

Thái Lan, thị trường sản xuất ô tô lớn nhất Đông Nam Á, tự hào có ngành công nghiệp ô tô lâu đời với hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất và lắp ráp. Hàng năm, nước này sản xuất gần hai triệu xe, chiếm khoảng một nửa thị trường ô tô Đông Nam Á, theo Kr Asia.

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã nhanh chóng nhận ra tiềm năng to lớn của Thái Lan, đặc biệt là những cơ hội trên thị trường xe điện. Tính đến tháng 7, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đã đầu tư khoảng 1,44 tỷ USD để thành lập các cơ sở sản xuất tại Thái Lan.

Theo hãng tin Reuters, những động thái của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc có thể phá vỡ thế thống trị của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản tại thị trường ô tô Thái Lan.

“Detroit của Đông Nam Á”

Từ năm 2008, Thái Lan đã nỗ lực để trở thành “Detroit của Đông Nam Á”. Để hiện thực hóa tham vọng này, Thái Lan đã áp thuế nhập khẩu cao đối với xe ngoại, đồng thời giảm thuế cho xe sản xuất trong nước, qua đó kéo các nhà sản xuất đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa.

Chính phủ Thái Lan đã tích cực thúc đẩy phát triển thị trường xe điện, đưa ra các chính sách thuận lợi như khấu trừ thuế khi mua xe điện. Chính phủ cũng có kế hoạch loại bỏ dần các loại xe sử dụng động cơ đốt trong vào năm 2035 và kỳ vọng xe điện sẽ chiếm 50% tổng doanh số bán xe mới vào năm 2030.

Theo một cuộc khảo sát do Nissan thực hiện vào năm 2018, 44% người tiêu dùng Thái Lan sẽ cân nhắc mua xe điện. Điều này cho thấy rằng, dù thị trường xe điện Thái Lan vẫn chưa hoàn toàn trưởng thành, người tiêu dùng tại quốc gia này đã sẵn sàng chấp nhận xe điện, mang đến cơ hội vàng cho các nhà sản xuất ô tô.

Khí hậu và môi trường kinh doanh thuận lợi

Khí hậu nhiệt đới gió mùa của Thái Lan là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển của ngành xe điện. Với nhiệt độ trung bình từ 24 đến 30 độ C và hiếm khi xuống dưới 18 độ C, người tiêu dùng ở Thái Lan sẽ ít gặp phải các vấn đề tương tự như tại Trung Quốc, những người thường gặp phải các vấn đề về pin khi thời tiết giảm sâu.

Bên cạnh đó, Thái Lan cũng được đánh giá là quốc gia có môi trường thân thiện với doanh nghiệp, xếp hạng thứ 21/190 nền kinh tế có chỉ số Môi trường kinh doanh thuận lợi vào năm 2020, theo World Bank.

Điều này giúp Thái Lan trở thành điểm đến hấp dẫn để các doanh nghiệp ô tô nước ngoài, bao gồm cả những nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, có thể thử nghiệm mở rộng mảng kinh doanh xe điện tại Đông Nam Á.

Các hãng xe điện Trung Quốc, như BYD, đang đẩy mạnh đầu tư tại Thái Lan. (Ảnh: Kr Asia).

Trong nhiều thập kỷ, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã định hình bức tranh ngành ô tô của Thái Lan. Tận dụng khí hậu, địa lý thuận lợi và môi trường kinh doanh thân thiện của Thái Lan, các công ty Nhật Bản như Toyota, Honda và Nissan đã chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, sự gia nhập của các công ty ô tô Trung Quốc có thể đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Với các khoản đầu tư lớn và quan hệ đối tác chiến lược, các công ty như BYD và Great Wall Motors (GWM) đang thách thức vị thế dẫn đầu của những ông lớn Nhật Bản trên thị trường trọng điểm này.

Chiến lược và cách tiếp cận đa dạng

Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã sử dụng nhiều chiến lược khác nhau để tạo dấu ấn trên thị trường xe điện Thái Lan.

Vào năm 2018, BYD đã giới thiệu lô taxi điện đầu tiên ở Thái Lan và dần mở rộng danh mục đầu tư của mình sang xe nâng hàng và xe buýt điện. BYD cũng đã hợp tác với REVER Automotive, một đối tác đến từ Thái Lan, để thành lập 33 cửa hàng trên toàn quốc.

Nhà máy của GMW tại Thái Lan. (Ảnh: GMW).

GWM ưu tiên đầu tư vào chuỗi cung ứng. Chiếc xe đầu tiên của công ty được bán ở Thái Lan được sản xuất tại chính quốc gia này, sau thương vụ mua lại nhà máy sản xuất của General Motor ở tỉnh Rayong. GWM cũng có kế hoạch xây dựng một nhà máy lắp ráp pin mới, nhằm mục đích sản xuất xe điện tại Thái Lan trong giai đoạn 2024 – 2025.

Hướng tới tăng trưởng bền vững

Để củng cố vị trí của mình, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang đầu tư vào các liên doanh chiến lược, không chỉ tập trung vào việc mở rộng doanh số bán hàng ra nước ngoài, mà còn tập trung vào các hoạt động nội địa hóa và phát triển chuỗi cung ứng.

Cả hai ông lớn ngành ô tô Trung Quốc là GWM và BYD đều có kế hoạch thành lập các nhà máy sản xuất tại Thái Lan, thể hiện cam kết lâu dài của họ đối với thị trường Thái Lan nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

Bằng cách thiết lập hoạt động tại Thái Lan, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể góp phần tạo việc làm và phát triển rộng hơn ngành công nghiệp ô tô của đất nước. Đổi lại, điều này có thể hỗ trợ Thái Lan trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế “xanh”.

Lợi thế cạnh tranh của các thương hiệu Trung Quốc nằm ở năng lực sáng tạo và công nghệ tiên tiến. Những mẫu xe điện Trung Quốc thường được trang bị nhiều tính năng như kết nối internet, hệ thống hỗ trợ người lái,… vốn không quá phổ biến trên những chiếc ô tô ở Thái Lan.

Zhang Zhen, Giám đốc thương hiệu và truyền thông tại thị trường ASEAN của GWM, cho biết xu hướng này đang thúc đẩy thị trường xe điện Thái Lan tiến tới giai đoạn phát triển tiếp theo.

Tham vọng lớn

Tham vọng của các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc không chỉ dừng lại ở Thái Lan. Họ đang để mắt đến toàn bộ Đông Nam Á, thị trường ô tô lớn thứ 6 thế giới.

Xe điện hiện chỉ chiếm thị phần khoảng 0,04% - 0,6% trên tổng thể thị trường ô tô Đông Nam Á. Điều này báo hiệu rằng mảng kinh doanh xe điện trong khu vực vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc không phải những người duy nhất nhắm tới thị trường xe điện Đông Nam Á. Đầu năm nay, Tesla đã bắt đầu giao xe tại Thái Lan. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp ô tô Nhật Bản, Đức và các quốc gia khác cũng bắt đầu có những động thái mới trên thị trường xe điện Đông Nam Á.

Theo ông Zhang Zhen, những thách thức lớn nhất đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tại Đông Nam Á bao gồm thu hút nhân tài, thích ứng với văn hóa địa phương và nội địa hóa chuỗi cung ứng.

Anh Nguyễn