|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các doanh nghiệp ICT khẳng định không sa thải nhân viên dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19

22:21 | 06/04/2020
Chia sẻ
Các doanh nghiệp lớn như: Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT đều tuyên bố đang gồng mình chống chọi với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhưng tuyên bố không sa thải nhân viên ở thời điểm khó khăn này.
Các doanh nghiệp ICT khẳng định không sa thải nhân viên dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp lớn như: Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT đều tuyên bố đang gồng mình chống chọi với ảnh hưởng của đại dịch Covid1-19, nhưng tuyên bố không sa thải nhân viên ở thời điểm khó khăn này. (Ảnh minh họa)

Nhà mạng đang sụt giảm doanh thu nhưng không sa thải nhân viên

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng quý I/2020 đạt 3,82% là mức thấp trong nhiều năm, nhưng Việt Nam vẫn là nước tăng trưởng cao nhất khu vực. 

Trước đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, có thể hy sinh tăng trưởng trong ngắn hạn để bảo đảm sức khỏe, tính mạng của nhân dân là mục tiêu tối thượng mà Chính phủ đề ra.

Thực tế hiện nay, ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 đang khiến cho nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có nguy cơ phá sản. 

Các chuyên gia cho rằng, khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì cũng là lúc phải tiến hành tái cơ cấu, ứng dụng công nghệ và việc sa thải nhân viên là điều khó tránh khỏi.

Cùng với các doanh nghiệp của Việt Nam, các doanh nghiệp ICT lớn như Viettel, VNPT, MobiFone, CMC, FPT… cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch. 

Các doanh nghiệp cho biết, theo các kịch bản mà họ đã chuẩn bị chưa phải là kịch bản xấu nhất để đối phó với đại dịch, nhưng nếu kéo dài thì thiệt hại chưa thể tính hết được. 

Tuy nhiên, các doanh nghiệp ICT khẳng định, trong kịch bản đối phó với đại dịch họ sẽ không sa thải nhân viên.

Ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho hay, Viettel cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng không tính đến chuyện sa thải người lao động.

"Khi người dân thực hiện cách ly xã hội nhu cầu sử dụng dịch vụ viễn thông giảm kéo theo doanh thu của nhà mạng sẽ giảm. Cho dù khó khăn nhưng Viettel không tính đến kịch bản sa thải nhân viên kể cả nhân viên hợp đồng ngắn hạn", ông Tào Đức Thắng nói.

Theo ông Tô Mạnh Cường, Tổng giám đốc MobiFone, đại địch Covid-19 đã làm giảm khoảng hơn 10% doanh thu của MobiFone do nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân và doanh nghiệp giảm so với trước. 

Khi khách hàng ở nhà sẽ sử dụng Wi-Fi để vào mạng và ít gọi điện, nhắn tin. Nếu tình trạng này kéo dài thì MobiFone phải tính đến chuyện giảm lương vì theo quy định lương của MobiFone sẽ được tính trên hiệu quả kinh doanh. 

Tuy nhiên, ông Tô Mạnh Cường khẳng định, MobiFone sẽ không sa thải nhân viên dù gặp khó khăn vì đại dịch Covid.

Cũng tương tự như nhận định của MobiFone, ông Tô Dũng Thái, Phó Tổng giám đốc VNPT chia sẻ, đại dịch Covid1-19 đã ảnh hưởng chung tới cả thị trường viễn thông. 

Khi nền kinh tế giảm sút, nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động, người dân cách ly xã hội ở nhà sử dụng dịch vụ Wi-Fi nhiều hơn sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp viễn thông trong đó có VNPT.

"Theo tính toán của VNPT, với tình hình như hiện nay thì doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm. Cho dù chúng tôi đang phải chống chọi với đại dịch Covid-19 nhưng sẽ không sa thải nhân viên mà phải tạo ra công ăn việc làm cho nhân viên yên tâm vượt qua khó khăn này", ông Tô Dũng Thái nói.

Doanh nghiệp ICT khẳng định đảm bảo việc làm cho người lao động

Chủ tịch CMC Nguyễn Trung Chính cho biết, đại dịch Covid chưa tác động đến CMC nhiều lắm, nhưng doanh nghiệp luôn cảnh giác với những diễn biến mới và đưa ra các kịch bản đối phó. 

Tất nhiên, khi có thách thức cũng đi liền với những cơ hội mới. Khi đại dịch xảy ra, khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ online và quan tâm đến ứng dụng công nghệ nhiều hơn để làm việc từ xa. 

Thế nhưng, các dịch vụ gia tăng này chưa đủ bù đắp những nhu cầu dich vụ cũ bị sụt giảm. Cho dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch, nhưng CMC không tính đến phương án sa thải nhân viên. 

CMC đã xây dựng 5 kịch bản trước đại dịch Covid, nhưng hiện tại mới thực hiện kịch bản 1.

Chia sẻ về thách thức và cơ hội trong đại dịch Covid-19, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho rằng, trong lúc hàng ngàn doanh nghiệp rơi vào trạng thái "ngủ đông", thậm chí là phá sản; hàng chục ngàn người lao động lâm vào tình cảnh thất nghiệp thì tại FPT - tập đoàn với 36.000 nhân viên sẽ không có ai bị mất việc.

"Covid-19 không cướp được việc của bất kỳ ai trong 36.000 người ở FPT. Đó là lời tâm huyết, lời thề của tôi", ông Bình tái khẳng định.

Ông lý giải cơ sở của khẳng định này xuất phát từ lý do "Việt Nam đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong khi hai trung tâm xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc đều đang gặp khó. 

Ấn Độ quản trị dịch không tốt, còn Trung Quốc lại được biết đến như "thương hiệu Covid". Lúc này mình xông lên. 

Tôi chỉ cần một miếng bánh nhỏ của họ là tôi nuôi anh em tốt. Ở các thị trường truyền thống không có khả năng chống dịch như chống giặc thì đều có cơ hội".

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT thì cho rằng, thông thường trong lúc khó khăn việc doanh nghiệp phải làm là tiến hành tái cơ cấu. FPT vẫn đang gồng mình chống lại ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng cố gắng đảm bảo việc làm cho nhân viên. Tuy nhiên, không ai có thể biết được diễn biến đại dịch này như thế nào.

"FPT đang tập trung vào 2 việc phải làm là sống chung với lũ và mỗi người làm việc bằng hai để đối phó với đại dịch", Tổng giám đốc FPT nói.

Đại diện RikkeiSoft cho hay, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng nhất định với công ty. Song công ty không đặt vấn đề sa thải nhân viên trước khó khăn này. 

"Chúng tôi chủ yếu xuất khẩu phần mềm cho thị trường Nhật và cũng nhận dược khoản vay ưu đãi của Chính phủ Nhật hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Hàng năm, những nhân viên xuất sắc của RikkeiSoft sẽ được tăng lương. 

Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid nên những nhân viên này vẫn được tăng lương, nhưng không nhiều như kế hoạch chứ không có chuyện sa thải nhân viên vì khó khăn", đại diện RikkeiSoft nói.

Những tuyên bố trên đã thể hiện một tinh thần khá đặc biệt của các doanh nghiệp ICT Việt Nam trong bức tranh khó khăn chung. 

Cũng chính những doanh nghiệp này đang sáng tạo, cung cấp và đưa ra những giải pháp công nghệ để phục vụ người dân và xã hội chống lại đại dịch, đưa cuộc sống vào thời cách ly xã hội nhưng vẫn vận hành bình thường. 

Đây cũng là động thái hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Bộ TT&TT tất cả chung tay chống đại dịch Covid-19.

Thái Khang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.