|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các dịch vụ gọi xe của Trung Quốc gặp khó: Nhu cầu sụt giảm vì đại dịch, tài xế không kiếm được đồng nào trong nhiều tháng

16:11 | 02/06/2022
Chia sẻ
Trong bối cảnh nhiều thành phố tại Trung Quốc thực hiện các lệnh phong tỏa, những dịch vụ internet theo yêu cầu, đặc biệt là gọi xe, đang trải qua quãng thời gian tương đối khó khăn.

Theo dữ liệu được các cơ quan chức năng Trung Quốc công bố ngày 30/5, mức chi tiêu của người tiêu dùng cho các dịch vụ theo yêu cầu do các công ty internet của Trung Quốc cung cấp đã giảm sâu kỷ lục do ảnh hưởng từ các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt cũng như một số yếu tố khác.

Thu nhập từ các dịch vụ đời sống, gọi xe, tài chính, thuê xe và thuê nhà của các công ty internet Trung Quốc đã giảm 20,2% từ tháng 1 đến tháng 4, theo dữ liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.

Sự sụt giảm này trái ngược hẳn với mức tăng trưởng 63,1% trong cùng kỳ năm 2021 và mức giảm nhẹ 8,3% trong 4 tháng đầu năm 2020. Điều này khiến năm 2022 trở thành năm tồi tệ nhất kể từ khi dữ liệu này được các cơ quan chức năng công bố lần đầu năm 2019, theo South China Morning Post.

Hong Hao, một nhà kinh tế tại Bocom International, chi nhánh ngân hàng đầu tư của Bank of Communications cho biết: “Sự sụt giảm này thực tế đúng với xu hướng bán lẻ nói chung. Vào tháng 4, doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm 11%”.

Các dịch vụ gọi xe tại Trung Quốc chịu ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa gần đây. (Ảnh: CGTN).

Lĩnh vực internet, từng là một trong những ngành kinh tế bùng nổ nhất của Trung Quốc, trong thời gian ngắn gần đây đã phải hứng chịu “hai cú sốc” liên tiếp, bao gồm việc bị chính phủ siết chặt quy định cũng như ảnh hưởng từ các đợt phong tỏa nghiêm ngặt.

Gần đây, chính phủ đã phát đi những tín hiệu cho thấy họ sẽ nới lỏng quy định với ngành công nghệ. Vào tháng 3, trợ lý kinh tế hàng đầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi trật tự và minh bạch trong các giao dịch của chính phủ với các Big Tech. Vào tháng 5, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đã tổ chức một hội nghị chuyên đề đặc biệt với các Big Tech nhằm kêu gọi "sự phát triển lành mạnh" của nền kinh tế kỹ thuật số.

Tuy nhiên, những động thái tích cực này vẫn không thể ngăn cản làn sóng cắt giảm nhân sự đang diễn ra ở nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Theo Austin Cai, CEO Frost & Sullivan chi nhánh Trung Quốc, sự sụt giảm nhu cầu đối với các dịch vụ internet theo yêu cầu phần lớn có thể là do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt trên khắp quốc gia này.

“2021 là năm khá ổn định đối với Trung Quốc. Thị trường tiêu dùng đã chứng kiến ​​một sự phục hồi lớn trong năm đó. Vì vậy, mức sụt giảm ở thời điểm hiện tại có vẻ nghiêm trọng hơn”, theo ông Austin Cai.

Khi các thành phố lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thâm Quyến và Tây An áp đặt các chính sách phòng dịch khác nhau kể từ đầu năm, người tiêu dùng đã đổ xô đến các nền tảng thương mại điện tử và giao hàng thực phẩm như Meituan, Dingdong Maicai và JD.com cho những sản phẩm cần thiết, qua đó không sử dụng các dịch vụ theo yêu cầu khác.

Gọi xe, một trong những dịch vụ theo yêu cầu phổ biến nhất đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trong suốt thời gian các thành phố thực hiện phong tỏa. Tính riêng trong tháng 4, doanh số từ mảng gọi xe của tất cả công ty internet đã chứng kiến mức giảm kỷ lục, theo dữ liệu thống kê từ Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc.

Tổng cộng 26 ứng dụng từ Didi Global, một trong những công ty trong ngành gọi xe lớn nhất Trung Quốc, vẫn chưa có sẵn để tải xuống ở thị trường nội địa trong bối cảnh chính phủ nước này đang tiến hành điều tra an ninh mạng, bắt đầu sau khi công ty này IPO ở New York vào mùa hè năm ngoái.

Huang Huaping, một tài xế bán thời gian tại Thượng Hải trên các ứng dụng gọi xe Caocao Chuxing và Dida Chuxing, cho biết anh đã không kiếm được đồng nào từ các ứng dụng đó kể từ khi Thượng Hải thực hiện lệnh phong tỏa vào ngày 1/4.

Cả hai nền tảng đều tính phí hoa hồng khoảng 10 đến 30% trên mỗi chuyến đi. Huang hiện tại đang rất mong đợi mọi thứ sẽ quay trở lại bình thường khi Thượng Hải kết thúc hai tháng phong tỏa vào ngày 1/6, nhưng thừa nhận sẽ cần thêm thời gian để đạt được điều này.

Quốc Anh

Cập nhật kết quả quý I ngân hàng: Techcombank tạm dẫn đầu, LPBank báo lãi tăng mạnh nhất
Nhiều ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh quý I với lợi nhuận phân hoá rõ nét, bảng xếp hạng lợi nhuận lại tiếp tục có xáo trộn với sự vươn lên trước của Techcombank.