iPhone cũ tại Việt Nam sẽ được xử lý như thế nào?
Trong giai đoạn ra mắt dòng sản phẩm mới của Apple là iPhone 14 Series tại thị trường Việt, một chiến dịch của các đơn vị bán lẻ smartphone và đại lý ủy quyền của Apple tại Việt Nam cũng nhận được nhiều sự quan tâm là “thu cũ – đổi mới”, song cách xử lý các dòng iPhone cũ mà những đơn vị này thu mua lại từ khách hàng lại có sự khác nhau.
Chẳng hạn, FPT Shop đang có chương trình “thu cũ – đổi mới” với các dòng điện thoại bao gồm iPhone, Samsung, Oppo, Xiaomi, máy tính bảng Samsung và iPad. Đơn vị cũng áp dụng lên đời đối với tất cả sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính xách tay và thiết bị đeo.
Giá thu mua và trợ giá từ FPT Shop sẽ căn cứ vào tình trạng máy theo loại thẩm định, cộng với mức trợ giá từ FPT Shop theo ba loại: Loại một (máy đầy đủ chức năng, không cấn móp trầy xước), loại hai (máy đầy đủ chức năng, cấn móp trầy xước nhẹ) và loại ba (máy đầy đủ chức năng, cấn móp trầy xước nhiều).
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện FPT Shop và F.Studio by FPT, cho biết đối với các chương trình “thu cũ – đổi mới”, những sản phẩm cũ sẽ được một đối tác bên thứ ba mua lại cho những kế hoạch cụ thể. FPT sẽ không trực tiếp xử lý các dòng máy thu cũ này.
Trong khi đó, theo trang chủ hệ thống bán lẻ smartphone CellphoneS, đơn vị cho biết chuyên thu cũ đổi mới điện thoại, máy tính bảng, laptop, đồng hồ thông minh, tai nghe,… áp dụng cho các sản phẩm cũ – mới xách tay hoặc chính hãng.
Danh sách sản phẩm “thu cũ – đổi mới” nổi bật tại CellphoneS có thể kể tới như các dòng smartphone iPhone, Samsung, Xiaomi, Oppo, Realme, Huawei hay các dòng máy tính bảng của Samsung và Apple. Mức trợ giá mà CellphoneS đưa ra cho các sản phẩm cũng có sự khác biệt.
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS cho biết các dòng máy cũ thu mua từ các chương trình “thu cũ – hỗ trợ lên đời máy” và các máy cũ đổi bảo hành sẽ được phân loại để đưa đi bảo hành hãng, sửa chữa thay thế linh kiện, sau đó sẽ được bán lại cho những khách hàng khác.
“Một số dòng máy cũ không còn đủ chất lượng sẽ được thanh lý dưới dạng linh kiện để sửa cho các máy khác hoặc sẽ được các đối tác chuyên trong mảng kinh doanh hàng cũ thu mua lại”, đại diện CellphoneS cho biết.
ShopDunk, một đơn vị bán lẻ ủy quyền của Apple khác tại Việt Nam cũng áp dụng chương trình “thu cũ – đổi mới” để nhập lại các sản phẩm đã qua sử dụng. Theo trang chủ ShopDunk, đơn vị này định giá sản phẩm theo hai loại.
Loại A, là hàng đã qua sử dụng, máy bình thường không có lỗi, chưa bị sửa chữa thay thế linh kiện, hình thức đẹp 99% (không có vết xước, cấn móp trên thân máy). Loại B, là hàng đã qua sử dụng, máy bình thường không có lỗi, chưa bị sửa chữa thay thế linh kiện, hình thức đẹp 98% (màn không vết xước, có không quá hai vết xước nhỏ hơn 1cm trên lưng hoặc viền). Mức trợ giá được ShopDunk đưa ra cho các sản phẩm thu mua lại cũng đa dạng.
Đại diện ShopDunk chia sẻ các dòng iPhone cũ được đơn vị này thu mua lại sẽ được gửi về trung tâm bảo hành ủy quyền của Apple để sửa chữa dịch vụ, bán lại cho các bên thứ ba.
Trong khi đó, với các sản phẩm Apple Watch và iPad, ShopDunk đã hợp tác cùng Comp Asia, một doanh nghiệp chuyên thu mua sản phẩm công nghệ cũ, tân trang thiết bị có trụ sở tại Singapore để xử lý sản phẩm và thu lại theo quy trình.
Trên trang chủ, Apple cũng đã có những giải đáp sơ bộ về vấn đề “thu cũ – đổi mới” các sản phẩm của hãng, bao gồm iPhone. Cụ thể, Apple cho biết nếu sản phẩm cũ đủ điều kiện, người dùng có thể trao đổi để bù một phần vào khoản chi phí mua máy mới. Ngược lại, đối với các sản phẩm không đủ điều kiện, người dùng có thể tái chế miễn phí.
Đối với các quốc gia đã có Apple Store, công việc “thu cũ – đổi mới – tái chế” sẽ được Apple trực tiếp thực hiện. Apple cho biết nếu người dùng chấp nhận ước tính giao dịch tại Apple Store, họ có thể nhận được một khoản phí để mua hàng hoặc thẻ quà tặng mà để dùng trong tương lai.