Các đặc khu kinh tế phải nộp 100% thuế thu từ XNK về ngân sách trung ương
Theo nguồn tin riêng, đối với các đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế - hành chính) Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong, Bộ Tài chính vừa có ý kiến trình chính phủ về cơ chế đặc thù trong đó, nhiều nội dung về quản lý hành chính, quản lý ngân sách theo cơ chế riêng đã bị Bộ bác bỏ.
Bác nhiều cơ chế hành chính đặc thù của đề án đặc khu
Theo đề nghị cơ chế, chính sách với các đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang), Bộ đề nghị không quy định để lại số thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu phát sinh trên địa bàn (bao gồm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường thu từ hàng hóa nhập khẩu).
Theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước, khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, ngân sách trung ương hưởng 100%.
Tuy nhiên, để các đặc khu có nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, Bộ đề nghị quy định để lại toàn bộ số tăng thu nội địa phát sinh trên địa bàn trong một thời gian nhất định.
Bộ cũng đề nghị không thành lập công ty tài chính riêng để quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Lý do chức năng quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước đang được giao cho Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Chính phủ đang nghiên cứu cơ chế quản lý vốn Nhà nước theo hướng tập trung đầu mối vào một cơ quan ở Trung ương. Trường hợp thành lập công ty tài chính theo Luật các tổ chức tín dụng, đề nghị thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Ngoài ra, Bộ đề nghị không thành lập Sở giao dịch chứng khoán tại các đặc khu. Chính phủ hiện đang giao Bộ Tài chính xây dựng Đề án hợp nhất hai Sở Giao dịch Chứng khoán làm một.
Bộ khẳng định cần đánh giá rất kỹ và toàn diện những tác động của việc cho phép thiết lập thể chế tiền tệ, ngân hàng riêng. Việc đa dạng hóa các loại hình giao dịch phù hợp với thông lệ quốc tế, tự do hóa luồng vốn sẽ mâu thuẫn với quy định tại Pháp lệnh về quản lý ngoại hối, ảnh hưởng tới điều hành và thực thi chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đặc khu kinh tế
Bộ Tài chính cũng dẫn kết luận của Bộ Chính trị đồng ý cho ba đặc khu kinh tế trực thuộc cấp tỉnh. Do đó, về mức phí và lệ phí, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án.
Phương án thứ nhất, phân cấp cho đặc khu kinh tế trực thuộc địa phương có thẩm quyền quyết định về phí, lệ phí như Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Phương án thứ hai, thực hiện theo quy định hiện hành của Luật phí và lệ phí, theo đó việc quyết định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí vẫn thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Bộ Tài chính cũng thống nhất với ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị quy định ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho đặc khu kinh tế để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu và đào tạo nhân lực.
Trên cơ sở đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao dự toán bổ sung có mục tiêu (từ nguồn ngân sách trung ương bổ dung) cho đặc khu kinh tế. Giao Bộ Tài chính thay Ủy ban nhân dân các tỉnh, bổ sung kinh phí từ ngân sách trung ương cho các đặc khu kinh tế.
Về cơ chế tài chính, Bộ đề nghị quy định chính quyền ở đặc khu kinh tế được quyết định tiêu chuẩn, mức chi đảm bảo hoạt động bộ máy cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Việc lập dự toán, chấp hành quyết ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định Luật ngân sách nhà nước.
Bộ đề nghị không quy định điều chỉnh tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương để tạo nguồn vốn đầu tư.
Xem thêm: