|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Các công ty logistics Đông Nam Á đang đối mặt với bài toán giá xăng tăng như thế nào?

09:00 | 08/07/2022
Chia sẻ
Với phần lớn các công ty logistics trong khu vực, giá nhiên liệu tăng dường như vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Khi xung đột ở Ukraine chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, giá xăng dầu tiếp tục tăng. Dĩ nhiên, các quốc gia Đông Nam Á không đứng ngoài tầm ảnh hưởng, theo Tech in Asia.

Ở Singapore, giá nhiên liệu chạm ngưỡng 2,4 USD/lít vào đầu tháng 6 – mức cao nhất trong khu vực. Cùng kỳ, giá xăng ở Việt Nam và Philippines tăng lên ngưỡng hơn 1,4 USD. Trong khi đó, giá xăng ở Indonesia và Malaysia ổn định.

Giá nhiên liệu biến động mang đến những ảnh hưởng không thể tránh khỏi với các công ty logistics và các công ty TMĐT ở Đông Nam Á bởi nhiên liệu “là chi phí trực tiếp đối với hoạt động vận hành”, theo một chuyên gia đang làm việc tại một công ty công nghệ tiêu dùng toàn cầu.

 Xu hướng giá xăng tại một số quốc gia Đông Nam Á trong nửa đầu năm 2022 (đơn vị: USD). (Nguồn: Tech in Asia, Đồ hoạ: Thái Sơn). 

Giá nhiên liệu tăng có thể còn mang đến tác động lớn hơn thế. Zaldy Masita, CEO công ty logistics Indonesia Paxel, nói rằng giá nhiên liệu tăng có thể làm giảm sức mua của người tiêu dùng, từ đó tác động tiêu cực đến khối lượng hàng hoá mua sắm đối với cả kênh online và truyền thống.

Hiện tại, phần lớn các công ty logistics và TMĐT trong khu vực đều đang chọn giải pháp chờ đợi và quan sát. Ví dụ, các công ty ở Indonesia và Malaysia không quá bị ảnh hưởng bởi giá năng lượng tăng do được chính phủ trợ giá. Thế nhưng, các công ty khu vực như Deliveree thì bắt đầu tăng giá dịch vụ.

Ai là người chịu chi phí tăng thêm?

Deliveree, một startup logistics hoạt động bằng mô hình sở hữu ít tài sản (asset-light), nói rằng giá nhiên liệu tăng ở Thái Lan và Philippines làm ảnh hưởng đến hoạt động.

“Chắc chắn là có một mức tăng giá vừa phải”, Tom Kim, CEO và đồng sáng lập Deliveree, nói với Tech in Asia. Chi phí tăng sẽ được người tiêu dùng và doanh nghiệp “hấp thụ”, ông nói thêm.

Mặc dù tăng giá, Deliveree cho biết điều này vẫn không đủ để bù lại giá nhiên liệu cao. Để giảm ảnh hưởng đến các đối tác cung ứng logistics, Deliveree giảm tỷ lệ phí thu về từ 17% - 18% xuống còn khoảng 12% vào năm 2022. Điều này sẽ giúp các đối tác cung ứng duy trì được tổng giá trị đặt dịch vụ. “Chúng tôi kỳ vọng mức tỷ lệ thu phí này sẽ được duy trì trong tương lai gần, ít nhất trong 3 năm tới”, ông Kim giải thích.

Một công ty khác là Gogox cũng thực hiện chiến lược tương tự Deliveree khi điều chỉnh tỷ lệ thu phí dựa trên các diễn biến kinh tế vĩ mô.

Paxel, công ty hiện đang hợp tác với các sàn TMĐT như Tokopedia hay Blibli, cũng sẽ tăng phí dịch vụ khi giá xăng tăng ở Indonesia. Dù vậy, Paxel cũng sẽ tăng mức khuyến khích về tài chính cho các đối tác giao nhận của mình, CEO Masita nói.

Dù vậy, những con số cụ thể của Paxel chưa được công bố do giá nhiên liệu ở Indonesia vẫn ổn định nhờ trợ giá của chính phủ. Theo bộ trưởng tài chính Sri Mulyani Indrawati, nếu không được chính phủ hỗ trợ, giá năng lượng ở Indonesia có thể tăng gấp đôi.

Trong khi đó, J&T Express cho biết hãng này chưa có kế hoạch tăng phí giao hàng. Dù vậy, công ty này thừa nhận giá xăng tăng đang ảnh hưởng tới một phần nhỏ chi phí vận hành.

“Trong bối cảnh đại dịch, chúng tôi cố gắng tồn tại và không tăng chi phí logistics”, Robin Lo, CEO J&T Express, nói. Ông nhấn mạnh hiện tại công ty chưa đàm phán với bất kỳ đối tác TMĐT nào về việc tăng phí.

Cẩn thận mất khách hàng

Với các công ty logistics phụ thuộc vào mảng TMĐT, đảm bảo giá ổn định lâu nhất có thể là điều bắt buộc. Theo Tech in Asia, logistics bên thứ 3 là một dịch vụ không có nhiều chỗ cho sự khác biệt. Mấu chốt nằm ở việc cung cấp dịch vụ giá thấp nhất ở mức độ chất lượng chấp nhận được.

Tăng giá giao hàng có thể khiến khách hàng rời bỏ. Việc khách hàng rời bỏ “phụ thuộc vào số lượng lựa chọn họ có trên thị trường”, một chuyên gia logistics nhận định. “Công ty đầu tiên tăng giá nhiều khả năng sẽ là công ty mất khách hàng đầu tiên”.

Roshan Raj, một đối tác tại Reedseer Strategy Consultants, cho biết ông chưa quan sát thấy việc tăng giá giao hàng mạnh sẽ ảnh hưởng đến số lượng giao dịch hoặc khối lượng giao hàng. Ông gợi ý các công ty có thể dùng chiến lược tăng giá với các dịch vụ cao cấp gia tăng.

Các “ông lớn” khu vực như Lazada nói rằng họ vẫn đang kiểm soát ảnh hưởng của giá nhiên liệu tăng đối với mảng logistics của chính mình. Trong khi đó, Tokopedia nói vẫn sẽ hợp tác với 13 đối tác logistics để đảm bảo việc giao hàng được thực hiện hiệu quả.

Dù vậy, các công ty TMĐT vẫn có nỗi lo riêng. Bima Laga, chủ tịch Hiệp hội TMĐT Indonesia, nhấn mạnh giá xăng tăng có thể làm ảnh hưởng đến sức mua của khách hàng. Dù vậy, ông cho rằng nhu cầu cho các nhu yếu phẩm vẫn duy trì ở mức cao.

Tìm kiếm sự hiệu quả

Lúc này, nhiều công ty logistics đang tìm kiếm sự tối ưu trong vận hành. Ví dụ, Deliveree sử dụng một hệ thống có tên Brain để tối ưu tuyến đường dựa trên địa điểm của tài xế.

Ông Kim cho biết Brain có thể giúp tỷ lệ tận dụng hiệu quả xe lên tới từ 60% đến 80%. Nếu không có Brain, tỷ lệ này là khoảng 40%.

Để bù lại cho chi phí tăng, J&T Express cũng đang bắt đầy dùng máy phân loại hàng tự động ở nhà kho trong khi đó tìm kiếm các tuyến đường hiệu quả hơn.

Dù vậy, câu hỏi đặt ra là các công ty có thể kiểm soát hoặc bù trừ được vấn đề giá nhiên liệu tăng đến khi nào.

“Tôi hy vọng rằng nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục tăng để cải thiện tỷ lệ lợi nhuận”, ông Syed Ali Ridha Madihid, đồng sáng lập Luwjistik chia sẻ. Điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực tăng giá cho các công ty logistics.

Nam Khánh