|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Cà phê Việt Nam: Làm sao đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD?

21:20 | 13/12/2019
Chia sẻ
Niên vụ 2018-2019, kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam giảm mạnh. Đạt được mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD trong 10 năm tới là bài toán khó của ngành cà phê.

Những ngày cuối năm, gia đình anh Lê Phước Ngà, ở thôn 9, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, tất bật với việc thu hái cà phê

Vụ này năng suất cà phê tăng mà anh vẫn rầu rĩ, vì chi phí thì cao mà giá cà phê lại quá thấp, tính sơ đã bị lỗ vốn đầu tư. Cuộc sống của cả gia đình 5 người, con cái ăn học sẽ  rất khó khăn khi chỉ trông chờ vào 1ha cà phê.

“Giá cà phê thấp người dân thiệt hại nhiều. Giá phân bón, vật tư cao, nhân công cũng cao, mọi chi phí đều cao nhưng giá cà phê lại giảm”, anh Ngà nói.

Nếu như ở đầu niên vụ trước, giá cà phê trong nước ở mức 42.000đ/kg thì đầu vụ này chỉ ở mức 35.000đ/kg và liên tục giảm, hiện chỉ khoảng 32.000 - 33.000đ/kg. 

Những biến động về giá cả theo chiều hướng bất lợi cho người làm cà phê khi chi phí đầu vào luôn tăng, trong khi giá bán cà phê lại liên tục ở mức rất thấp. Ở nhiều vùng, nông dân còn bị thiệt hại kép khi vừa mất giá vừa mất mùa.

Cà phê Việt Nam: Làm sao đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD? - Ảnh 1.

Mùa thu hoạch kém vui của nông dân Tây Nguyên khi đang bị khủng hoảng giá.

Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, niên vụ năm nay, cả nước có gần 690.000 ha cà phê, sản lượng xuất khẩu đạt xấp xỉ 1 triệu 700.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD. So với niên vụ trước, sản lượng giảm khoảng 3% nhưng kim ngạch giảm tới hơn 14%.

Giá cà phê xuất khẩu niên vụ này được đánh giá ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây, có thời điểm xuống mức 1.207 USD/tấn đối với cà phê Robusta, 88 cent/lb đối với cà phê Arabica. Trong khi đó, nhiều dự báo cho thấy, giá cà phê khó có thể cải thiện trong niên vụ mới, khủng hoảng có thể sẽ còn tiếp diễn.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, mấu chốt của khủng hoảng giá cà phê hiện nay nằm ở chỗ, có đến 90% sản lượng cà phê của nước ta xuất khẩu thô. 

Trong khi đó, giá cà phê nhân xô phụ thuộc hoàn toàn vào sàn cà phê kỳ hạn London và New York.

Ở đó người ta điều tiết bằng các nhà đầu cơ tài chính dẫn đến giá lên xuống thất thường, đặt doanh nghiệp cũng như nông dân Việt Nam vào tình cảnh luôn bấp bênh. 

Để có thể thay đổi, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, cà phê Việt Nam phải chú trọng xây dựng chuỗi giá trị và thương hiệu để tương xứng với vị thế về sản lượng.

“Các hãng cà phê lớn trên thế giới đều lấy cà phê Việt Nam để sản xuất cà phê nhưng chúng ta bán với giá rất rẻ. 

Điều đó cho thấy, công tác xây dựng thương hiệu của chúng ta chưa có. Thứ hai, vấn đề xây dựng chất lượng cà phê để tạo giá trị thặng dư chất lượng còn thấp. Đây là điều chúng ta cần quan tâm bởi đó là tương lai của ngành nghề”, ông Đỗ Hà Nam cho hay.

Cà phê Việt Nam: Làm sao đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD? - Ảnh 2.

Năng suất, sản lượng cà phê cao nhưng không đi kèm với giá trị mang lại.

Rõ ràng, xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị là điều sống còn với ngành cà phê lúc này và vai trò dẫn dắt nòng cốt vẫn là doanh nghiệp. 

Theo ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Cty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp (Gia Lai), đơn vị tài trợ sản phẩm cà phê cho năm APEC Việt Nam 2017, đã qua thời doanh nghiệp đầu tư ăn xổi, đầu cơ nhiều hơn đầu tư, làm xiếc nhiều hơn làm nông. Đây chính là lúc cần những doanh nghiệp có tâm, có tầm, có trách nhiệm với nông dân.

“Theo chủ trương của Chính phủ, năm 2030, phải nâng tầm lên 6 tỷ USD. Muốn làm được điều đó thì các doanh nghiệp tại địa phương phải có năng lực, phải có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, ngành nghề. 

Quan trọng là làm sao tạo được cho người nông dân có điểm tựa vững chắc, làm cho họ thay đổi cách làm truyền thống, dịch chuyển để nâng cao được chất lượng sản phẩm, cùng với doanh nghiệp hội nhập, phát triển ngành hàng cà phê”, ông Thái Như Hiệp chia sẻ.

Cùng với khủng hoảng giá, ngành cà phê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác. 

Đó là tình trạng cà phê già cỗi đang tăng nhanh. Tại Tây Nguyên, vùng trọng điểm cà phê của Việt Nam, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có khoảng 86.000 ha, chiếm 16%, diện tích cà phê 15-20 năm tuổi khoảng 140.000 ha, chiếm 26%. Trong khi công tác tái canh còn rất nhiều khó khăn, thì việc canh tác cà phê vẫn chưa thoát khỏi cảnh manh mún, tự phát.

Nông dân Phùng Văn Quy, xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, cho rằng: “Chuyển giao khoa học kỹ thuật là phải trực tiếp và thường xuyên đến người nông dân. Phần lớn nông dân làm tự phát, không nắm rõ khoa học kỹ thuật, nhiều cái còn lạc hậu”.

Cà phê Việt Nam: Làm sao đạt mục tiêu xuất khẩu 6 tỉ USD? - Ảnh 3.

Hơn 90% sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam hiện nay là sản phẩm thô. Trong khi giá cà phê nhân xô phụ thuộc hoàn toàn vào sàn cà phê kỳ hạn London và New York.

Ở khía cạnh khác, sản xuất cà phê nước ta những năm gần đây cũng đang chịu nhiều bất lợi vì biến đổi khí hậu. Hết hạn hán đến lũ lụt, liên tục làm thiệt hại nghiêm trọng vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên. 

Chỉ riêng đợt lũ tháng 8/2019 đã làm thiệt hại hơn 1.000ha cà phê của khu vực này. Hiệp hội cà  phê ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ 2019-2020 sản lượng cà phê Việt Nam có thể bị giảm đến 15% so với năm trước do những tác động của thời tiết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp thừa nhận, cà phê Việt Nam đang trong giai đoạn rất khó khăn. Mục tiêu 6 tỷ USD vào năm 2030 rất khó đạt được nếu như không có những giải pháp chiến lược và đồng bộ.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang đưa ra một loạt giải pháp từ giống đến quy trình chăm sóc, thu hái, khuyến khích đầu tư chế biến, quy hoạch và liên kết vùng nguyên liệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu… để vực dậy và phát triển ngành cà phê.

“Để tiếp tục thúc đẩy phát triển bền vững ngành cà phê, trong thời gian tới cần quan tâm triển khai một số giải pháp như: cần rà soát quy mô sản xuất cà phê, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Ổn định diện tích cà phê khoảng 600.000 ha vào năm 2025, trong đó phát triển một số vùng cà phê chất lượng cao gắn với quy hoạch chế biến và cơ sở hạ tầng. 

Khuyến khích các công ty chế biến xuất khẩu cà phê đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và văn hóa cà phê Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Trong giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, ngành cà phê đã chỉ rõ những vấn đề nội tại cũng như tìm ra những điểm sáng, lối đi để vượt qua khủng hoảng. Những giải pháp mang tính chiến lược cũng đã được đưa ra. 

Tuy nhiên, điểm mấu chốt là những giải pháp ấy sẽ được được thực thi như thế nào? Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học đều có cái nhìn chung và cả lý lẽ riêng đúng của mình về ngành hàng cà phê. 

Nhưng không thể cứ nói rồi để đấy, để rồi suốt mấy chục năm qua, cà phê Việt Nam vẫn chỉ lấy sản lượng làm thước đo thành công, còn giá trị thực sự thì phụ thuộc vào các nhà đầu cơ tài chính thế giới.

Công Bắc

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.