|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cá nhân trong nước rút về gần 1.400 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, cổ phiếu nào bị bán nhiều nhất tuần đảo chiều?

18:45 | 05/11/2023
Chia sẻ
Trong tuần VN-Index ngắt chuỗi giảm điểm, nhà đầu tư cá nhân quay đầu bán ròng gần 1.400 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, giao dịch tập trung ở khối trong nước. Cùng chiều, tổ chức nội cũng rút ròng gần 1.100 tỷ đồng.

NĐT cá nhân quay đầu bán ròng qua kênh khớp lệnh

VN-Index đóng cửa tuần 30/10 – 3/11 tại 1.076,78 điểm, tăng 16,16 điểm, tương đương 1,52% so với tuần trước. Cổ phiếu vốn hóa lớn (VN30) dẫn đầu đà tăng khi có nhịp hồi khoảng 2% so với tuần trước. Cùng với đó, nhóm vốn hóa vừa và nhỏ lần lượt tăng 1,2% và 0,6%.

Thị trường hồi phục với thanh khoản yếu, giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường ghi nhận 15.885 tỷ đồng, giảm 3,5% so với tuần trước và 11,9% so với trung bình 5 tuần. Riêng với HOSE, thanh khoản bình quân chạm mức thấp nhất theo tuần kể từ cuối tháng 5/2023.

Quan sát diễn biến từng ngành, chỉ số nhómtài nguyên cơ bản (thép) tăng với thanh khoản cải thiện trong khi bán lẻ chịu áp lực bán mạnh, chỉ số giảm sâu đi kèm thanh khoản tăng cao. Ngân hàng, xây dựng, hóa chất, thủy sản, dầu khí tiếp tục ghi nhận thanh khoản giảm.

Trong tuần VN-Index ngắt chuỗi giảm điểm và hồi phục nhẹ, nhà đầu tư cá nhân quay đầu bán ròng 20,6 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng khớp lệnh, nhóm này rút ròng gần 1.363 tỷ đồng. Phía bên kia, tự doanh và khối ngoại đảo chiều vào ròng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Trong đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh nhất cổ phiếu tài nguyên cơ bản với giá trị 498 tỷ đồng. Xếp vị trí thứ 2 trong top bán ròng là cổ phiếu ngân hàng.

Tiếp theo, nhà đầu tư cá nhân rút ròng 298 tỷ đồng ở nhóm dịch vụ tài chính, kế đến là ngành xây dựng & vật liệu (180 tỷ đồng), dầu khí (166 tỷ đồng), hàng & dịch vụ công nghiệp (143 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (120 tỷ đồng), …

Chiều ngược lại, cổ phiếu ngành bán lẻ dẫn đầu danh mục giải ngân với hơn 361 tỷ đồng. Tương tự, nhóm công nghệ thông tin và hàng cá nhân & gia dụng cũng được gom ròng với giá trị lần lượt là 237 tỷ và 128 tỷ đồng, …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Thống kê giao dịch theo từng mã, lực xả lớn nhất được ghi nhận tại đại diện nhóm tài nguyên cơ bản - HPG với 373 tỷ đồng. Giao dịch của NĐT cá nhân đối lập với hành vi của khối ngoại.

Bên cạnh đó, DGC cũng bị bán ròng với giá trị 202 tỷ đồng. Kế đó, nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng, chứng khoán cũng nằm trong danh mục rút vốn là MSB (195 tỷ đồng), HDB (152 tỷ đồng), VCI (132 tỷ đồng), VND (122 tỷ đồng), TCB (110 tỷ đồng).

Danh mục thoái vốn của cá nhân nội còn có sự góp mặt của các cổ phiếu thuộc nhóm dầu khí, bất động sản, cảng biển như PVD (155 tỷ đồng), PDR (130 tỷ đồng) và GMD (112 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu MWG của Đầu tư Thế giới Di động vươn lên trở thành mã được mua ròng nhiều nhất trong tuần vừa qua. Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 532 tỷ đồng mã MWG, giao dịch của NĐT cá nhân giữ vai trò chủ đạo cân lệnh bán ra từ khối ngoại.

Cùng chiều, cổ phiếu VHM, FPT, VPB được gom ròng với giá trị lần lượt là 382 tỷ đồng, 246 tỷ đồng và 208 tỷ đồng. Hoạt động rót ròng cũng trải dài ở các cổ phiếu PBJ, MBB, REE, TPB, DPM, VIX với quy mô 35 – 130 tỷ đồng.

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tổ chức trong nước đẩy mạnh bán ròng gần 1.100 tỷ đồng

Giao dịch cùng chiều với nhóm cá nhân trong nước, tổ chức nội đẩy mạnh bán ròng gần 1.092 tỷ đồng trên HOSE, trong đó bán ròng khớp lệnh 780 tỷ đồng.

Hoạt động mua ròng diễn ra ở 8/18 ngành, lớn nhất là nhóm tài nguyên cơ bản với 72 tỷ đồng, theo sau lần lượt là nhóm cổ phiếu hóa chất (34 tỷ đồng), dầu khí (33 tỷ đồng), xây dựng & vật liệu (17 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (11 tỷ đồng), …

Trong khi đó, dòng tiền của tổ chức trong nước chủ yếu rút khỏi các nhóm ngành như công nghệ thông tin (300 tỷ đồng), bất động sản (137 tỷ đồng), hàng cá nhân & gia dụng (125 tỷ đồng), ngân hàng (124 tỷ đồng), …

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Giao dịch tại chiều mua của tổ chức trong nước không quá nổi bật khi không có mã nào được rót ròng trên 100 tỷ đồng. Tuần qua, cổ phiếu ACB được mua ròng mạnh nhất với 91 tỷ đồng. Việc tổ chức nội mua ròng cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Á Châu diễn ra trong bối cảnh mã này có nhịp tăng gần 2% trong tuần vừa qua, bất chấp áp lực xả từ phía các NĐT cá nhân.

Cùng thuộc nhóm ngân hàng, HDB cũng được rót ròng với quy mô 68 tỷ đồng. Cùng chiều, dòng tiền nhóm này cũng thực hiện gom ròng nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình như HSG (83 tỷ đồng), DCM (38 tỷ đồng) và PVD (38 tỷ đồng).

Ở phía đối diện, cổ phiếu FPT đứng vị trí số 1 về giá trị xả ròng với hơn 298 tỷ đồng. Bên cạnh đó, VPB cũng nằm trong top rút ròng với 149 tỷ đồng. Ngoài ra, danh mục cổ phiếu bị bán ròng còn có VRE (135 tỷ đồng), PNJ (128 tỷ đồng), MBB (118 tỷ đồng).

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Linh Chi

Nhận định thị trường chứng khoán 3/1: Biến động quanh ngưỡng 1.267 điểm
Theo dự báo của các công ty chứng khoán, VN-Index có thể sẽ tiếp tục biến động quanh đường trung bình 20 phiên (tức là mức 1.267 điểm) trong phiên kế tiếp. Đồng thời, nếu VN-Index vượt được mức 1.271 điểm trong phiên kế tiếp thì đà tăng có thể sẽ tiếp diễn.