|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Cá nhân trong nước mạnh tay mua ròng tuần VN-Index tăng điểm, gom hơn 870 tỷ đồng cổ phiếu HPG

15:35 | 10/10/2021
Chia sẻ
Trong tuần sàn HOSE trải qua 5 phiên tăng điểm trọn vẹn (4 - 8/10), nhà đầu tư cá nhân quay lại giao dịch tích cực khi mua ròng 2.260 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh. Nhóm này mua ròng hơn 870 tỷ đồng mã HPG, tương đương gần 15,6 triệu đơn vị trong tuần cổ phiếu trở lại vùng đỉnh.

Thị trường trở lại xu hướng tăng, nhà đầu tư cá nhân quay lại mua ròng mạnh

Với việc thành công vượt mốc 1.370 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đã quay trở lại xu hướng tăng điểm khi chính thức vượt qua mô hình tam giác cân. Dòng tiền trở lại ưu tiên nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhóm vốn hóa vừa và nhỏ có phần suy yếu trong phiên cuối tuần trước áp lực chốt lời trong ngắn hạn.

Đóng cửa tuần (4 - 8/10), VN-Index tăng 37,84 điểm (tương đương 12,83%) đạt ngưỡng 1.372,73 điểm. HNX-Index có thêm 15,43 điểm (4,32%) lên 371,92 điểm, còn UPCoM-Index tăng nhẹ 2,32 điểm (2,41%) lên mức 98,3 điểm.

Giá trị giao dịch bình quân tại sàn HOSE đạt 19.868 tỷ đồng, tăng 4,43% so với tuần trước với tín hiệu tích cực đến từ nhóm VN30.

Nhà đầu tư cá nhân - Ảnh 1.

Giao dịch khớp lệnh sàn HOSE của các nhóm nhà đầu tư. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Sau khi đảo chiều bán ròng khi thị trường dao động đi ngang trong tuần trước, diễn biến tích cực trên thị trường chứng khoán trong tuần 4 - 8/10 đã thu hút sự trở lại mạnh mẽ của dòng vốn cá nhân.

Cụ thể, các cá nhân trong nước trở lại là lực mua lớn nhất trên thị trường với giá trị mua ròng 1.648 tỷ đồng, trong đó mua qua khớp lệnh đạt 2.260 tỷ đồng. Giao dịch cùng chiều đến từ khối tự doanh công ty chứng khoán khi nhóm này tiếp nối xu hướng mua ròng nhẹ trong những tuần trước, với quy mô tăng lên 409 tỷ đồng.

Ở chiều đối ứng, khối ngoại cùng các tổ chức nội đồng loạt bán ròng gần 2.700 tỷ đồng, trong đó tính riêng giao dịch khối ngoại đã rút ròng 1.993 tỷ đồng tại HOSE.

Dòng tiền tập trung ở nhóm vốn hóa lớn: tài nguyên cơ bản, dịch vụ tài chính, ngân hàng

Theo thống kê từ Fiinpro, giao dịch tích cực trở lại của các nhà đầu tư cá nhân khiến chiều mua ròng được ghi nhận tại 10/18 nhóm ngành, trong đó chủ yếu tập trung ở những nhóm vốn hóa lớn.

Trái ngược với áp lực xả nhẹ trước đó, các cổ phiếu tài nguyên cơ bản là nhóm được mua ròng nhiều nhất với giá trị 673 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những nhóm giao dịch sôi động nhất tuần qua, với tỷ trọng giá trị giao dịch tăng mạnh nhất 1,73% so với tuần trước, còn chỉ số giá trung bình ngành tăng tới 4,7%. 

Động lực chủ yếu nhóm này đến từ cổ phiếu thép nhờ hưởng lợi từ tăng trưởng xuất khẩu và nhu cầu thép tiêu dùng tăng mạnh khi nền kinh tế tái mở cửa.

Theo sau, cá nhân trong nước cũng rót vốn ròng vào hai nhóm dịch vụ tài chính (641 tỷ đồng), ngân hàng (428 tỷ đồng). Mặc dù các cổ phiếu ngân hàng đã có những phiên tăng điểm tích cực trở lại sau nhiều tuần giao dịch ảm đạm kể từ tháng 8, diễn biến phân hóa vẫn xuất hiện ở một số cổ phiếu như VPB, CTG, HDB, TPB...

Nhà đầu tư cá nhân - Ảnh 2.

Giao dịch khớp lệnh của nhà đầu tư cá nhân theo nhóm ngành. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Mặc dù là nhóm tác động tích cực nhất đến chỉ số, các cổ phiếu bất động sản lại dẫn đầu về giá trị bán ròng với 90 tỷ đồng. Điểm tích cực là lực xả tại nhóm này đã giảm chỉ còn 1/3 so với tuần cuối tháng 9. 

Cùng với đó, các cá nhân cũng bán ròng cổ phiếu bán lẻ (68 tỷ đồng), điện, nước & xăng dầu khí đốt (65 tỷ đồng), dầu khí (46 tỷ đồng)...

Tâm điểm gom mạnh cổ phiếu HPG tại vùng đỉnh

Trong số 10 mã bị bán ròng nhiều nhất tại HOSE, giao dịch chủ yếu tập trung tại cổ phiếu HPG của "anh cả" ngành thép - Tập đoàn Hòa Phát. Mã này được mua ròng lên đến 872 tỷ đồng, tương đương khoảng 15,6 triệu đơn vị khi cổ phiếu chính thức trở lại vùng đỉnh tháng 6 sau nhiều tháng điều chỉnh.

Trái ngược với các cá nhân, khối ngoại lại có động thái chốt lời mạnh HPG tại vùng đỉnh khi bán ròng lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng cổ phiếu HPG chỉ sau một tuần giao dịch. Tuy vậy, HPG vẫn đóng cửa tuần với 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm, có thêm 4,31% và dừng lại ở mức giá 55.700 đồng/cp.

Nối tiếp, các cá nhân mua gom hơn 448 tỷ đồng cổ phiếu FIT của CTCP Tập đoàn F.I.T. Mã này ghi nhận thanh khoản đột biến trong phiên 5/10 với gần 33,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, là khối lượng giao dịch cao nhất kể từ khi niêm yết. 

Đây cũng là ngày kết thúc đợt phát hành ESOP 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cp của công ty, thấp hơn khoảng 15% so với giá trị thị trường.

Mặc dù là một trong những cổ phiếu nhà băng giảm điểm mạnh nhất trong tuần, cổ phiếu CTG của Vietinbank vẫn được mua ròng hơn 277 tỷ đồng, nối tiếp là các mã TCB của Techcombank (131 tỷ đồng), MBB của MBBank (117 tỷ đồng). 

Cùng chiều, nhà đầu tư cá nhân cũng mua ròng một số cổ phiếu như SBT (177 tỷ đồng), VIC (167 tỷ đồng), PAN (146 tỷ đồng),....

Nhà đầu tư cá nhân - Ảnh 3.

Top 10 mã được mua/bán ròng nhiều nhất qua kênh khớp lệnh tuần. (Nguồn: Thảo Bùi tổng hợp).

Trở lại chiều bán, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) bất ngờ là mã bị bán ròng nhiều nhất với 297 tỷ đồng. Đây có thể là động thái chốt lời của một bộ phận nhà đầu tư khi cổ phiếu này đã tăng hơn 24% kể từ cuối tháng 8 đi ngược nhịp điều chỉnh chung của toàn ngành.

Kế tiếp, các cá nhân tập trung bán ròng 249 tỷ đồng cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes, theo sau là DHC (206 tỷ đồng), DCM (113 tỷ đồng), SSB (111 tỷ đồng). Một số cổ phiếu cũng bị xả ròng với giá trị dưới 100 tỷ đồng tuần qua còn có GAS, MWG, REE, PLX, HAH...

Thảo Bùi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.