|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Buôn lậu thuốc lá lại 'bùng nổ' những tháng cuối năm

09:15 | 15/11/2016
Chia sẻ
Buôn lậu thuốc lá ngày càng tinh vi, phức tạp và có tốc độ tăng rất nhanh do đây là mặt hàng siêu lợi nhuận, gọn nhẹ, dễ vận chuyển và có mức độ chênh lệch giá cao nhất (4,5 lần).

Đó là khẳng định của ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam trong buổi tọa đàm do Cổng thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia thực hiện Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Chống buôn lậu – giải pháp trong những tháng cuối năm” hôm qua (14/11) tại Hà Nội.

buon lau thuoc la lai bung no nhung thang cuoi nam
Tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn đang gia tăng mạnh (Nguồn: Dân Trí)

Theo số liệu của Hiệp hội thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có khoảng 1 tỷ bao thuốc lá lậu được vận chuyển qua biên giới và làm thất thu ngân sách Nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng. Đồng thời làm cho hơn 1 triệu nông dân trồng cây thuốc lá và công nhân nhân sản xuất trong ngành thuốc lá mất việc làm.

Thêm vào đó, các sản phẩm thuốc lá nhập lậu không hề được kiểm tra về chất lượng sản phẩm. Theo phân tích của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá và Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thì trong thuốc lá nhập lậu có hàm lượng Nicotine rất cao, cao hơn nhiều so với mức cho phép và ngoài ra còn một số chất là độc tố bị cấm sử dụng trong thực phẩm.

Ông Cường cho biết, vừa qua Hiệp hội thuốc lá Việt Nam đã nâng mức hỗ trợ từ 1.100 đồng lên 3.500 đồng cho việc bắt giữ và tiêu hủy một bao thuốc. Và sắp tới đây sẽ có thể nâng mức hỗ trợ lên 4.500 đồng cho việc bắt giữ và tiêu hủy một bao thuốc lá lậu.

Năm 2015 tổng kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng chắc năng bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu là 34 tỷ, sang 10 tháng đầu năm 2016 cũng đã hỗ trợ 16 tỷ. Nhưng hiệu quả của chính sách này mang lại là rất lớn do tình trạng buôn lậu thuốc lá giảm xuống nên riêng tiền nộp tăng lên vào Ngân sách của thuốc lá nội đã là hơn 1.000 tỷ trong năm 2015, ông Cường cho biết thêm.

Bắt giữ các vụ buôn lậu thuốc lá đã khó, việc xử lý các đối tượng này còn khó hơn. Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định đối với thuốc lá điếu nhập lậu, số lượng từ 1.500 bao đến dưới 4.500 bao được coi là số lượng lớn và có thể bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, tại BLHS 2015, hàng cấm bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu muốn xử lý hình sự thì giá trị hàng phạm pháp tổi thiểu phải là 100 triệu đồng.

"Mức 100 triệu đồng này là quá cao so với quy định cũ, nên các đối tượng sẽ lợi dụng khe hở này để vận chuyển mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Không những vậy, việc định giá để xác định giá trị hàng phạm pháp rất phức tạp vì phải qua hội đồng định giá có sự tham gia của đại diện đến từ nhiều cơ quan khác nhau", ý kiến một chuyên gia trong buổi tọa đàm nêu.

Không chỉ buôn lậu thuốc lá, các mặt hàng có giá cả chênh lệch lớn giữa trong nước và ngoài nước, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch như thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thuốc tân dược, điện tử, thực phẩm hay hàng may mặc cũng được các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn để vận chuyển.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ Đạo 389 Quốc gia cho biết, các đối tượng vận chuyển hàng lậu qua cả ba tuyến đường bộ, đường không và đường thủy. Buôn lậu qua tuyến đường bộ ở biên giới phía Bắc chủ yếu là ma túy và các mặt hàng đồ điện tử, đồ gia dụng. Còn ở biên giới phía Tây Nam các đối tượng lại vận chuyển thuốc lá lậu và đường.

"Đặc biệt các hải cảng, sân bay ở thành phố Hồ Chí Minh tình trạng buôn lậu đang diễn biến hết sức phức tạp, đó là các sản phẩm động, thực vật quý hiếm, ma túy và thậm chí là vũ khí hay một số văn hóa phẩm đồi trụy. Ở tuyến đường thủy các đối tượng vẫn chủ yếu hoạt động với việc buôn bán xăng dầu trái phép qua biên giới", ông Thế nói.

Các đối tượng buôn lậu ngày càng chống trả quyết liệt, thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn nên đã có hình ảnh ví von đó là: “Vỏ quýt dày nhưng móng tay chưa kịp nhọn” để ví von về tình cảnh của lực lượng chống buôn lậu ở một số địa phương.

Các biện pháp chống buôn lậu của các cơ quan chức năng từ nay cho đến dịp Tết nguyên đán

Ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý thị trường Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương đang xây dựng Kế hoạch kiểm tra cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay đến sau Tết Nguyên đán 2017, đặc biệt là thời điểm trước, trong và sau Tết dương lịch, Tết Nguyên đán.

Trong đó, Cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước triển khai một số giải pháp trọng tâm như: Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường kiểm tra và xử lý tình trạng vận chuyển, buôn bán các mặt hàng cấm như pháo, đồ chơi bạo lực; các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ nhiều như rượu bia ngoại, thuốc lá ngoại, nước giải khát, bánh kẹo, mứt tết, thực phẩm, quần áo, đồ gia dụng...

"Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình để đầu cơ, ép giá, găm hàng, đưa tin thất thiệt đẩy giá bán lên cao, gây bất ổn thị trường nhằm đảm bảo nhu cầu tiêu dùng hàng hoá dịp Tết", ông Tín cho biết.

Ngoài ra, theo ông Thế, các lực lượng quản lý thị trường cũng tập trung kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở tại các chợ cửa khẩu, chợ biên giới, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. "Tại thị trường nội địa, tập trung kiểm tra tại các tỉnh, thành phố lớn, các thị xã, các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà ga, bến xe, các điểm thường xảy ra việc tập kết và trung chuyển hàng lậu, hàng cấm", ông này nói thêm.

Thế Hưng