Bước ngoặt đến từ các biện pháp hỗ trợ kinh tế của cường quốc G7
Theo cơ quan này, trong quý II/2023, nợ tín dụng của hộ gia đình Canada tính theo tỷ lệ thu nhập khả dụng đã giảm xuống còn 180,5% so với mức 184,2% của quý trước. Điều này có nghĩa họ chỉ còn khoản nợ tín dụng khoảng 1,81 CAD (1,34 USD) đối với mỗi đôla thu nhập khả dụng, giảm so với mức 1,84 CAD của quý đầu năm.
Các khoản vay tín dụng hộ gia đình trong quý II/2023 cũng đã giảm xuống còn 17,1 tỷ CAD, so với mức 20,4 tỷ CAD của quý trước, do nhu cầu vay thế chấp giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005 đến nay.
Trong khi đó, tỷ lệ trả nợ của hộ gia đình trong quý II, được đo bằng tổng số tiền gốc và lãi bắt buộc phải trả đối với nợ tín dụng tính theo tỷ lệ thu nhập khả dụng của hộ gia đình, là 14,79%, giảm so với mức cao kỷ lục 14,90% trong quý đầu năm.
Cơ quan thống kê cho rằng những diễn biến tích cực này là do thu nhập khả dụng của hộ gia đình đã tăng 2,6% trong quý II và việc Ngân hàng trung ương thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ bằng đòn bẩy lãi suất.
Nhà kinh tế Maria Solovieva của Ngân hàng TD nhận xét những con số sụt giảm ở trên cùng với sự giàu có của các hộ gia đình ngày càng tăng và giá trị bất động sản tăng trở lại đã mang đến một số tin tức tốt lành về tình trạng của các hộ gia đình Canada trong thời gian qua.
Tuy nhiên, bà này cũng cảnh báo rằng mặc dù thu nhập của người Canada tăng nhưng họ vẫn đang phải đối mặt với mức lạm phát tăng cao trong quý II/2203. Ngoài ra, tỷ lệ nợ quá hạn trên nhiều sản phẩm tín dụng cũng đang có xu hướng tăng do lãi suất cao tiếp tục tạo ra gánh nặng cho các hộ gia đình Canada.
Số liệu báo cáo tín dụng quý II của TransUnion cho thấy nợ hộ gia ở Canada tăng 4,2%, tương đương 94,8 tỷ CAD, so với năm ngoái và tổng nợ tín dụng của người dân hiện vào khoảng 2.340 tỷ CAD. Nợ tín dụng tăng chủ yếu là do nợ vay thế chấp cũng đang duy trì tốc độ tăng trong hơn một năm qua.
Giám đốc dịch vụ tài chính Matthew Fabian của TransUnion nhận định người Canada giống như nền kinh tế luôn có khả năng phục hồi bền bỉ. Nhưng áp lực của chi phí sinh hoạt cao và lãi suất tăng đã tạo ra một cú sốc trong thanh toán vì thu nhập không đồng đều khiến chi phí nợ nặng nề thêm đối với một số hộ gia đình.
Chuyên gia Shelly Kaushik của Ngân hàng Montreal cho biết mặc dù thị trường lao động thắt chặt trong nửa đầu năm đã giúp thúc đẩy tăng lương cho người lao động, nhưng những diễn biến nới lỏng gần đây của thị trường việc làm có thể sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng thu nhập trong các quý tới.
Bà này nói thêm rằng lãi suất cao vẫn tiếp tục gây áp lực cho việc trả nợ của người dân. Những người có khoản thế chấp sắp được gia hạn phần lớn sẽ buộc phải giảm chi tiêu tiêu dùng trong năm nay, dẫn đến dự kiến hoạt động kinh tế nói chung sẽ chậm lại trong thời gian còn lại của năm.