Bước đường lập nghiệp của tỷ phú Lý Gia Thành, từ cậu bé nghèo thành ông trùm bất động sản Hong Kong
Ở châu Á, cái tên Lý Gia Thành không hề xa lạ, đặc biệt là khi các doanh nhân Hong Kong vốn vẫn luôn chiếm sóng truyền thông với những câu chuyện sốt dẻo.
Trên thực tế, người ta thường hay nhắc đến Lý Gia Thành với biệt danh "Warren Buffett châu Á" hay "tỷ phú siêu nhân". Những tưởng cuộc đời của ông rất bằng phẳng, song Lý Gia Thành thực ra đã phải trải qua một hành trình gian nan mới đến được cái đích của sự giàu có và danh tiếng.
Từ một cậu bé nghèo phải bỏ học để nuôi gia đình, ông đã trở thành tỷ phú giàu nhất Hong Kong và bước vào hàng ngũ những doanh nhân có ảnh hưởng hàng đầu ở châu Á.
Tuổi thơ nghèo khó
Lý Gia Thành sinh ra tại thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông vào năm 1928. Ông là con trai của một hiệu trưởng trường tiểu học. Gia đình ông di cư đến Hong Kong năm 1940, nhưng không lâu sau, cha ông qua đời vì bệnh lao.
Ông rời bỏ trường lớp và bắt đầu học nghề trong một nhà máy sản xuất dây đeo đồng hồ. Đến năm 14 tuổi, ông xin vào làm tại một nhà máy nhựa. Ông thường làm việc 16 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần và gửi 90% tiền lương cho mẹ để lo việc gia đình.
Cuối cùng, ông Lý trở thành nhân viên kinh doanh giỏi nhất nhà máy và được thăng chức làm quản lý năm 18 tuổi.
Xây đế chế ở Hong Kong và vươn ra quốc tế
4 năm sau, Lý Gia Thành tự mở nhà máy riêng có tên là Cheung Kong Industries với số vốn 50.000 USD. Ban đầu, nhà máy chủ yếu sản xuất đồ chơi và vật dụng thường ngày bằng nhựa.
Nhưng sau đó, ông chuyển hướng sang hoa nhựa sau khi đọc được trên tạp chí thương mại rằng chúng rất được ưa chuộng tại Italy. Ông đã dự đoán chính xác rằng hoa nhựa sẽ mang lại triển vọng kinh doanh tốt hơn.
Bằng lợi nhuận từ nhựa, ông Lý mua gom các tòa nhà và nhà máy ở Hong Kong khi xã hội và nền kinh tế thành phố này trải qua biến động lớn trong những năm 1960. Đến khi thị trường phục hồi, ông nghiễm nhiên thu về lợi nhuận khổng lồ.
Năm 1979, Lý Gia Thành mua cổ phần trong công ty thương mại Anh Hutchison Whampoa. Đây là cột mốc đáng tự hào đối với giới doanh nhân Hong Kong lúc bấy giờ khi một người dân địa phương nắm quyền kiểm soát một doanh nghiệp Anh.
Trong những năm tiếp theo, ông Lý tiếp tục thực hiện một loạt thương vụ khác, đem đến cho ông biệt danh “Siêu nhân”. Sang thập niên 1990, ông Lý kiểm soát phần lớn hoạt động kinh doanh bất động sản, giao thông bến cảng, ngành điện lực và mạng lưới viễn thông ở Hong Kong.
Năm 1986, đế chế lớn mạnh của ông Lý mở rộng sang Canada thông qua khoản đầu tư vào công ty khai thác dầu Husky Energy. Sau này, ông Lý nâng cổ phần lên mức đủ khả năng kiểm soát công ty. Ông làm điều tương tự với ngân hàng Canadian Imperial Bank of Commerce.
Một trong những thành công lớn nhất của ông là việc mua gần 50% cổ phần mạng điện thoại di động Orange của Anh. Ông bán số cổ phiếu này cho tập đoàn Đức Mannesmann AG vào năm 1999, bỏ túi khoản lãi 15 tỷ USD.
Chuyển hướng sang công nghệ
"Warren Buffett châu Á" chủ động phân bổ tài sản và quyền lực sang các ngành và khu vực địa lý khác nhau. Điều này cho thấy ông sẵn sàng học hỏi và thử nghiệm những lĩnh vực mới.
Ông thích rót tiền cho những khoản đầu tư mạo hiểm trong ngành công nghệ hơn là những món đồ khoa trương. Lý Gia Thành có vẻ là người giản dị. Ông đeo đồng hồ Citizen giá 50 USD trong nhiều năm trước khi chuyển sang chiếc Seiko rẻ tương tự. Mãi về sau, ông mới nâng cấp lên đồng hồ Citizen Eco Watch giá 400 USD vì độ bền và tuổi thọ pin cao.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng ông Lý sở hữu một dinh thự nguy nga ở vịnh Deep Water của Hong Kong. Giá của bất động sản này chắc chắn phải hơn hàng chục triệu USD.
Năm 2006, ông Lý mở quỹ đầu tư mạo hiểm Horizon Ventures tại Hong Kong. Quỹ này được quản lý bởi bà Châu Khải Hoàn - người bạn kiêm đối tác kinh doanh lâu năm của ông. Bà Châu cũng là Giám đốc Quỹ Từ thiện Lý Gia Thành. Cũng có nguồn tin nói rằng bà là người tình của ông Lý.
Một năm sau, bà Châu Khải Hoàn thuyết phục ông Lý đầu tư 60 triệu USD vào Facebook. Sau này, ông lại rót thêm 60 triệu USD nữa, nâng tỷ lệ sở hữu lên 0,8%. Khi Facebook lên sàn vào năm 2012, công ty có vốn hóa thị trường hơn 100 tỷ USD.
Trong những năm tiếp theo, Horizon Ventures hoạt động đặc biệt tích cực tại Mỹ, Israel và châu Âu. Đến năm 2018, quỹ này đã đầu tư lớn vào nhiều startup công nghệ tiêu dùng như Zoom, Slack và Spotify. Quỹ cũng phân bổ vốn sang các công ty công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo, theo tờ Tech in Asia.
Ông Lý nghỉ hưu vào tháng 3/2018, vài tuần trước sinh nhật lần thứ 90. Con trai cả của ông tiếp quản tập đoàn với 323.000 nhân viên và hoạt động tại 50 quốc gia. Đến tháng 2/2024, tờ Forbes ước tính ông Lý có tài sản ròng 36,2 tỷ USD, là người giàu nhất Hong Kong.