Bằng những ván cược ít ai dám làm, cậu bé bán báo đổi đời thành ông trùm sòng bạc Mỹ
Phấn đấu không ngừng nghỉ
Sheldon Adelson lớn lên trong một khu dân cư nghèo ở Dorchester, Mỹ. Cha mẹ ông là người nhập cư gốc Do Thái. Cả gia đình ông sống trong một căn hộ một phòng ngủ, cha mẹ ngủ trên đệm còn con cái nằm dưới sàn.
Cảnh nghèo khổ đã sớm tôi luyện Adelson thành con người cứng rắn. Từ khi còn nhỏ, ông đã có tinh thần kinh doanh. Năm 12 tuổi, ông vay chú mình 200 USD để bắt đầu công việc bán báo tại một góc phố ở Boston. Sau đó, Adelson mua máy bán hàng tự động, đặt tại các trạm xăng mà cánh tài xế taxi như cha ông thường lui tới.
Sau khi hết cấp ba, ông học tiếp lên đại học nhưng bỏ đi trước khi tốt nghiệp. Ông vào quân đội trong một thời gian ngắn, sau đó bán quảng cáo trên các ấn phẩm tài chính và bắt đầu làm môi giới giữa các ngân hàng nhỏ và doanh nghiệp còn non trẻ cần tiền tài trợ.
Chẳng bao lâu sau, ông đứng ra tổ chức và phối hợp để các ngân hàng ngoại ô đầu tư vào bất động sản thương mại. Rồi ông nhảy vào thị trường condo khi thuật ngữ bất động sản này vẫn còn lạ lẫm với nhiều người.
Lĩnh vực kinh doanh tiếp theo của Adelson là khách sạn. Ông có bước nhảy vọt khi mua lại một tạp chí máy tính. Thương vụ này sau cùng đã dẫn đến sự gia đời của Comdex, một trong những triển lãm thương mại máy tính lớn nhất thế giới ở Las Vegas. Mỗi năm Comdex đón hơn 100.000 lượt khách.
Đến năm 1989, Adelson đã có đủ tiền để không phải thuê địa điểm nữa. Ông mua lại Sands Hotel & Casino với giá 129 triệu USD, trở thành Chủ tịch kiêm CEO của đế chế sòng bạc, nghỉ dưỡng Las Vegas Sands tiếng tăm lừng lẫy.
Đúng 6 năm sau, Sheldon và các cộng sự bán Comdex cho Softbank với giá 860 triệu USD. Một số nguồn tin cho biết bản thân Sheldon được chia tới 500 triệu USD từ thương vụ này. Khi đó, ông đã 62 tuổi.
Với số tiền lớn như thế, hầu hết mọi người sẽ dừng làm việc, dành phần đời còn lại để đi du lịch hay đánh golf, tận hưởng các thú vui xa xỉ. Song, Adelson thì khác. Châm ngôn của ông là “ván bài tiếp theo không được nhỏ hơn ván trước”.
Ông dồn tiền để xây dựng tổ hợp khách sạn và casino Venetian trị giá 1,5 tỷ USD ở Las Vegas. Kiến trúc của tổ hợp này gồm các phòng hạng sang, cửa hàng bán lẻ và nhà hàng cao cấp cùng với không gian tổ chức sự kiện khổng lồ. Sau này, nhiều casino ở Las Vegas cũng học theo mô hình của Venetian.
Ông trùm casino
Adelson cũng đặt cược lớn vào các casino ở Macau (4,4 tỷ USD) và Singapore (5,5 tỷ USD). Cả hai đều hứa hẹn đem lại lợi nhuận lớn cho Adelson và những người cùng đầu tư. Quả thực, ông liên tiếp hái quả ngọt, tiền chảy vào túi Adelson như nước. Tuy nhiên, khủng hoảng tài chính lại ập đến vào năm 2008.
Cuộc suy thoái khiến doanh thu của các khách sạn và casino bốc hơi. Các ngân hàng đẩy mạnh việc thu hồi nợ để cứu lấy chính mình.
Giá cổ phiếu Las Vegas Sands lao dốc 50%, rồi 80%. Phòng tài chính của Adelson chạy đua để tìm cách tái tài trợ nợ và bán trái phiếu, nhưng ông gạt hết mọi phương án họ đưa ra. Ông khẳng định thị trường sẽ hồi phục và ông sẽ tốn ít chi phí hơn nếu kiên gan chờ đợi.
Có lúc, sự ngoan cố của Adelson dường như sẽ giết chết công ty. Không lâu sau, Lehman Brothers sụp đổ, thị trường tín dụng rơi vào trạng thái hoảng loạn cực độ. Cổ phiếu Las Vegas Sands sụt 99% kể từ đỉnh, công ty mấp mé bờ vực phá sản. Ông đặt cược nốt 3 tỷ USD cổ phiếu và 1 tỷ USD tiền túi để giúp công ty sống sót.
Khoản đầu tư này đã giúp Las Vegas Sands vượt qua cơn nguy khốn. Nền kinh tế hồi phục, mọi người lại lên đường đi du lịch, các dự án ở Macao và Singapore trở thành mỏ vàng. Trong 4 năm tiếp theo, cổ phiếu Sands nhảy vọt 3.700%, đưa tài sản của ông từ 3 tỷ USD lên 27 tỷ USD.
Đâu là yếu tố đem lại thành công cho Adelson? Ông trả lời: “Một số người gọi tôi là kẻ lạc quan. Thực tế là tôi khao khát mạo hiểm hơn hẳn những người khác. Lòng can đảm vào niềm tin vào chính mình là điều không gì có thể lay chuyển được”.
Vào gần thời điểm Adelson qua đời năm 2021, Forbes ước tính tổng tài sản ròng của ông là khoảng 35 tỷ USD. Theo đó, tỷ phú sòng bạc Adelson là người giàu thứ 19 thế giới.
Tờ Newsweek đánh giá Adelson cũng là một trong những tỷ phú hào phóng nhất. Ông quyên góp 400 triệu USD cho Birthright Israel, tổ chức cung cấp các chuyến đi Israel miễn phí cho người trẻ gốc Do Thái.
Ông và vợ cũng thành lập quỹ nghiên cứu Dr. Miriam & Sheldon G. Adelson Medical Research Foundation. Quỹ này đã chi hàng trăm triệu USD để phát triển ngành y tế.
Vào năm 2020, khi nước Mỹ rất thiếu thốn vật tư y tế cần thiết để chiến đấu chống lại đại dịch COVID-19, Adelson đã mua hai triệu khẩu trang để tặng cho các bệnh viện.
Có lúc tôi mất tới 25 tỷ USD. Chẳng sao cả, tôi đã bắt đầu từ con số 0.