Bùng nổ 'xe ôm công nghệ'
Rẻ hơn 50%
Mới đây, chị xuất phát từ chợ Tân Bình (Q.Tân Bình) đến Q.1 để lấy hàng rồi đi thẳng ra Q.Thủ Đức. Hành trình khá dài và mất gần 50 phút nhưng tổng số tiền chỉ có 65.000 đồng.
“Dù đã thường xuyên đi UberMoto nhưng đây là lần đầu đi xa nên tôi vẫn bất ngờ vì giá khá thấp”, chị Nguyên chia sẻ.
Tương tự, chị Minh Hoàng cũng tỏ ra khá bất ngờ khi chiều 24.12, chị đăng ký dịch vụ GrabBike từ đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3) về khu Trung Sơn (H.Bình Chánh) chỉ tốn 37.000 đồng.
“Không chỉ rẻ hơn nhiều mà đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 4 giờ chiều trở đi, đường phố nào cũng quá đông và dễ kẹt xe, chỉ có đi xe 2 bánh mới nhanh về tới nhà, nên xe ôm công nghệ là lựa chọn số 1”, chị Hoàng chia sẻ.
Do giá rẻ nên nhiều người chọn phương tiện này để di chuyển hằng ngày. Theo chị Kim Yến (ngụ Q.7, TP.HCM), đường phố luôn đông đúc nên chị lười chạy xe, chọn dịch vụ GrabBike từ nhà lên cơ quan ở Q.1 chỉ hết 25.000 đồng/lượt, thấp hơn một nửa so với đi xe ôm truyền thống như trước đây. Điều làm cho chị thích nữa là giá được hiển thị ngay trên điện thoại khi đặt xe nên người dùng an tâm vì không bị “chặt chém”.
Thêm vào đó, cả xe lẫn tài xế đều không quá “cũ kỹ”, phong cách lịch sự... Đặc biệt, với dịch vụ UberMoto hay GrabBike, khách hàng đều có số điện thoại, họ tên đầy đủ của tài xế để yên tâm hơn khi di chuyển.
Gọi xe ôm qua điện thoại (Ảnh: BizLIVE) |
Công nghệ thay đổi nghề xe ôm
Từ xưa đến nay, những tài xế xe ôm đều phải ra đường tìm khách. Khách muốn đi xe phải tự tìm xe và khi đó, tài xế tự đưa ra giá và khách cũng đôi khi phải trả giá để tránh bị “hớ”. Thậm chí còn có cảnh giành khách giữa những tài xế khác nhau.
Tuy nhiên, bằng cách ứng dụng công nghệ thông qua điện thoại thông minh (smartphone) như GrabBike và UberMoto, việc kết nối giữa khách hàng với tài xế ở gần nhất nên khá nhanh chóng. Chỉ cần có xe máy và smartphone, bất kể ai từ nhân viên văn phòng, sinh viên đều có thể đăng ký trở thành “bác” xe ôm. Thời gian hoạt động hoàn toàn tự do, chỉ khi nào rảnh thì mở điện thoại lên để nhận khách…
Đối với xe ôm đặt qua điện thoại, khách không cần phải trả giá vì cước phí đã được công bố rõ. Còn lái xe không cần phải ra ngoài đường tìm kiếm khách hàng. Dịch vụ này có ưu điểm nữa là khách hàng có thể lựa chọn việc thanh toán bằng tiền mặt hay thẻ tín dụng.
Chỉ cần tải phần mềm Uber hoặc Grab về điện thoại, khi cần đi đâu, khách hàng điền nơi đi và nơi đến rồi bấm nút đặt, sẽ có ngay tài xế xe ôm gọi điện thoại và đến đón với cước phí đã được xác định rõ. Dịch vụ này hiện mới có ở TP.HCM và Hà Nội. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Grab Việt Nam, cho biết từ lúc triển khai ứng dụng này đến nay, lực lượng xe ôm truyền thống tham gia hoạt động GrabBike rất nhiều. Công ty Grab có đối tác giúp trả góp điện thoại và bán sim 3G giá rẻ cho tài xế. Ngoài ra, dịch vụ này đã thu hút được rất nhiều sinh viên và người tận dụng thời gian rảnh rỗi trong ngày để kiếm thêm thu nhập.
Được tổ chức quản lý bài bản, áp dụng cước phí chuẩn, dịch vụ xe ôm công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn một ngành nghề lâu đời tại Việt Nam và tưởng chừng không có gì khác biệt qua bao đời nay. Thế nhưng, trong khi khách hàng vui vì có thêm dịch vụ giá rẻ, chất lượng thì một số tài xế xe ôm truyền thống cũng cảm thấy hụt hẫng và lo lắng khi khách hàng bị sụt giảm mạnh.
Theo ông Sơn (62 tuổi), hành nghề xe ôm đã hơn 30 năm tại khu vực công viên 23.9, Q.1, chạy xe ôm truyền thống bây giờ rất khó có khách bởi xe ôm công nghệ giá quá rẻ. Khách đi xe ôm truyền thống giờ chỉ là những người không sử dụng điện thoại thông minh và người già. Ông Sơn cho biết trước đây ông thường xuyên chở khách Tây vì ông có thể nói được tiếng Anh. Nhưng giờ khách Tây cũng đã biết đặt xe ôm công nghệ.
“Trước đây, mỗi ngày trừ chi phí kể cả ăn uống tôi cũng dư gần 200.000 đồng. Bây giờ tìm đỏ mắt cũng chưa có một người khách, chỉ ngóng mấy ai quen ở khu vực cần giao hàng”, ông Sơn tâm tư. Tương tự, ông Hùng (58 tuổi) chạy xe ôm trên đường Cống Quỳnh, Q.1 cũng chia sẻ: “Tụi chú bây giờ đã già rồi, chỉ có chiếc xe cà tàng thế này chạy kiếm sống qua ngày. Thấy mấy người chạy xe ôm công nghệ cũng ham lắm, muốn được tham gia nhưng xe cũ quá đăng ký không ai cho. Điện thoại thông minh dùng cũng chậm chạp”.
Như vậy khi bão công nghệ tràn vào Việt Nam, những người hành nghề xe ôm truyền thống là những người lớn tuổi, không rành sử dụng điện thoại thông minh sẽ phải dần dần bị loại khỏi thị trường. Bởi để có thể tham gia vào được các dịch vụ như GrabBike, lái xe phải đầu tư lại xe mới, tối thiểu là xe sản xuất năm 2010, điện thoại thông minh, vì thế nhiều người bất lực vì không có tiền.
Cần bắt kịp xu thế mới
Trên thực tế, công nghệ đã và đang xâm nhập vào hầu hết các lĩnh vực hoạt động trong cuộc sống của con người. Bởi vậy theo TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông, nếu không có GrabBike hay UberMoto thì cũng sẽ có những ứng dụng khác vì công nghệ ngày càng phát triển mạnh theo xu thế của thời đại. Bản thân người lái xe ôm truyền thống cũng cần tìm cách thích nghi và gia nhập vào đội ngũ xe ôm công nghệ.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng xã hội cần và cũng luôn ủng hộ các dịch vụ giá thấp, chất lượng hợp lý, phong cách phục vụ chuyên nghiệp thay thế cho các dịch vụ cũ, giá cao. Trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, sự cạnh tranh sẽ khiến cho một số người bị đào thải ra khỏi thị trường khi không thay đổi, không theo kịp bước tiến của xã hội. Một số tài xế xe ôm truyền thống cũng có thể tham gia nếu học cách sử dụng smartphone vì cũng không quá phức tạp, đầu tư cho xe máy hay điện thoại cũng có nhiều dịch vụ hỗ trợ như mua trả góp…
“Trong thời đại ngày nay, công nghệ là quan trọng vì nó giúp thúc đẩy phát triển xã hội. Bản thân người lao động trong tất cả mọi ngành nghề đều phải tự học hỏi để thay đổi và bắt kịp xu thế mới. Không chấp nhận cũng không được vì đây là xu hướng chung của thời đại” - TS Bùi Trinh nhấn mạnh.
Dịch vụ UberMoto được cung cấp chính thức gần 8 tháng nay nhưng Uber Việt Nam chưa cung cấp được số lượng tài xế chính thức. Riêng GrabBike sau gần 2 năm ra thị trường, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty Grab Việt Nam, ước tính có khoảng 20.000 tài xế ở TP.HCM và Hà Nội. Mức thu nhập trung bình của tài xế GrabBike làm toàn thời gian từ 7 - 8 triệu đồng/tháng; làm bán thời gian khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài xe loại thường, Công ty Grab Việt Nam gần đây đã đẩy mạnh GrabBike Premium, là loại xe gắn máy hạng sang như SH, PCX, AirBlade...
Còn theo bà Diệp Quế Anh, Giám đốc truyền thông Công ty Uber Việt Nam, với những người chạy khá thường xuyên, mỗi ngày thu nhập thấp nhất cũng 200.000 - 300.000 đồng. Đó là chưa tính khoản thu nhập không dùng ứng dụng qua UberMoto từ những mối quen chở đi làm hoặc đi học vào buổi sáng và buổi chiều hằng ngày. Uber Việt Nam cũng đưa ra mục tiêu trong năm 2017 sẽ đẩy mạnh phát triển mảng xe ôm để nhiều người được sử dụng dịch vụ này.
Trước các lo ngại “xe ôm công nghệ” ban đầu hạ giá để thu hút khách rồi sẽ tăng giá sau khi “bóp chết” xe ôm truyền thống, đại diện GrabBike lẫn UberMoto đều cam kết sẽ không tăng giá nhờ vào ưu thế “độc quyền”.