Bức tranh tối của ngành điện quý III: Thủy điện giảm lãi vì hạn, một số nhà máy nhiệt điện báo lỗ
Công ty nhiệt điện lớn báo lỗ
Bức tranh kinh doanh quý III của nhóm ngành năng lượng mở ra với gam màu tối. Trong 11 công ty đầu tiên công bố kết quả kinh doanh, có 8 đơn vị giảm lãi, bao gồm 3 đơn vị lỗ.
Kết quả tiêu cực nhất thuộc về Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 (NT2) với con số lỗ 124 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi sau thuế 199 tỷ đồng. Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh quý III, doanh thu giảm 62% so với cùng kỳ năm trước về mức 816 tỷ đồng. Công ty kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến kết quả lỗ sâu nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2015.
Theo giải trình, doanh thu sản xuất điện giảm đáng kể do nhà máy của Nhơn Trạch 2 dừng máy tiến hành đại tu từ ngày 7/9. Điểm tích cực, doanh thu tài chính gấp 17 lần cùng kỳ, đạt 35 tỷ đồng, nhờ nắm lượng tiền gửi ngân hàng đến 1.430 tỷ đồng, gấp rưỡi con số đầu năm.
Chưa công bố báo cáo tài chính, song PV Power (POW) ước tính lỗ trước thuế 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 224 tỷ đồng. Dự kiến đây sẽ là quý lỗ đầu tiên công ty mẹ của Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 ghi nhận kể từ 2022.
Lãnh đạo của PV Power cho biết giai đoạn những tháng đầu năm gặp nhiều yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh như: Thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào (than, khí); sự lệch pha giữa nhu cầu điện và khả năng cấp khí; giá nguyên, vật liệu sản xuất tăng cao làm gia tăng chi phí tài chính và ảnh hưởng của El Nino đến hoạt động của các nhà máy thủy điện...
Cũng ở nhóm nhiệt điện, Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC) ghi nhận doanh thu thuần 1.337 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ quý III năm trước. Kinh doanh dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 84 tỷ đồng. Nhờ khoản doanh thu tài chính 184 tỷ đồng (chủ yếu là cổ tức, lợi nhuận được chia), Nhiệt điện Phả Lại lãi sau thuế 84 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.
Thủy điện gặp khó vì khô hạn
Kết quả kinh doanh của các công ty vận hành nhà máy thủy điện cũng kém sắc quý vừa qua. Đầu tư Điện lực 3 (PIC) báo lỗ quý III do thời tiết bất lợi, 2 nhà máy thủy điện của công ty (Thủy điện Đăk Pône vàNMTĐ Đa Krông 1) gặp khô hạn. Doanh thu giảm 26% trong khi giá vốn chỉ giảm 2%. Khấu trừ chi phí, Đầu tư Điện lực 3 báo lỗ 2 tỷ đồng - kết quả lỗ đầu tiên sau 6 quý liên tiếp.
Lãi quý III đi lùi còn ghi nhận đối với các doanh nghiệp thủy điện khác như Thủy điện Nước Trong (NTH), Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung (SEB), Thủy điện Sê San 4A (S4A), Thủy điện A Vương (AVC) và Đầu tư và Phát triển Điện Miền Bắc 2 (ND2).
Thủy điện A Vương có mức giảm lãi quý III giảm 73% lãi quý III so với cùng kỳ, ghi nhận 49 tỷ đồng. Đơn vị cũng giải trình do yếu tố thời tiết khiến lượng nước về không tốt, sản lượng điện thấp dẫn đến doanh thu thấp hơn cùng kỳ.
Điện Miền Bắc 2, công ty con do Vinaconex (VCG) sở hữu 51% vốn, công bố kết quả kinh doanh riêng quý III với doanh thu 145 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Lãi gộp đạt 117 tỷ đồng, giảm 7%. Khấu trừ các khoản chi phí và thuế, doanh nghiệp điện báo lãi sau thuế 90 tỷ đồng, giảm 7% so với quý III/2022. Dù vậy, kết quả này khả quan hơn so với 2 quý đầu năm (quý I lỗ 18 tỷ đồng, quý II lãi 19 tỷ đồng).
Tính chung 9 tháng, Điện Miền Bắc 2 ghi nhận doanh thu 255 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022. Lãi sau thuế 9 tháng giảm 55% về mức 90 tỷ đồng. Biên lãi gộp thu hẹp còn 65% so với mức 75% của cùng kỳ 9 tháng đầu năm trước. So với kế hoạch năm 2023, công ty đã thực hiện được 65% về doanh thu và 59% chỉ tiêu lãi.
Những đơn vị ngược dòng trong quý III
Bên cạnh sự đi xuống chung của ngành, 3 đơn vị ngược dòng gồm Thủy điện - Điện Lực 3 (DRL), Thủy điện Sử Pán 2 (SP2) hay Nhiệt điện Hải Phòng (HND). Thủy điện - Điện Lực 3 báo lãi tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, đạt trên 14 tỷ đồng, chủ yếu nhờ biên lãi gộp tốt hơn cùng với doanh thu tài chính tăng.
Thủy điện Sử Pán 2 có doanh thu và lãi sau thuế quý III đạt 68 tỷ đồng và 31 tỷ đồng, tăng lần lượt 16% và 39% so với cùng kỳ. Theo giải trình, kết quả kinh doanh đi lên nhờ lượng mưa tốt. Sử Pán 2 đang vận hành khai thác 3 tổ máy của Nhà máy Thủy điện Sử Pán 2 (Lào Cai) với công suất thiết kế 34,5 MW, tổng giá trị đầu tư 1.237 tỷ đồng.
Một đại diện nhóm nhiệt điện than lại có kết quả khả quan là Nhiệt điện Hải Phòng. Doanh thu thuần quý III của công ty đạt 2.884 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm 11%, giảm nhanh hơn mức giảm của doanh thu. Lãi sau thuế gần 192 tỷ đồng, gấp 4,7 lần quý III/2022, cao nhất 5 quý trở lại đây.
Theo giải trình, dù sản lượng điện quý III cao hơn cùng kỳ là 100 triệu kWh, nhưng giá than giảm dẫn đến chi phí nhiên liệu đi xuống khiến giá vốn giảm. Ngoài ra, trong kỳ công ty không trích trước chi phí sửa chữa lớn như quý III/2022. Chi phí lãi vay cũng thấp hơn cùng kỳ do số dư nợ vay dài hạn giảm dần.