BSC: Kịch bản tích cực VN-Index có thể đạt 758 điểm trong năm 2017
Triển vọng thị trường không được BSC đánh giá cao trong năm 2017 như các năm trước do các rủi ro đến vĩ mô từ bên ngoài đang lớn hơn, cộng với dư địa hẹp trong điều hành chính sách tài khóa, lãi suất và tỷ giá cũng như dòng vốn ngoại trên thị trường niêm yết suy giảm và cung cổ phiếu tăng vọt.
Trong khi các giải pháp đồng bộ hỗ trợ thị trường chưa thể sớm đưa vào hoạt động thì giải pháp ngắn hạn như điều chỉnh thanh toán từ T+3 xuống T+2, T+1 và T+0 là rất cần thiết để hỗ trợ cầu. Căn cứ dựa trên đánh giá các vấn đề lớn của vĩ mô, TTCK, cũng như không quên xu hướng lớn đối với Việt Nam BSC đã đưa ra một số dự báo về TTCK và chiến lược đầu tư cho năm 2017.
Theo đó, quy mô thị trường cổ phiếu niêm yết sẽ tăng vọt lên mức xấp xỉ 90-100 tỷ USD. 25 doanh nghiệp lớn đã và dự kiến niêm yết trên thị trường chứng khoán kéo dài từ thời điểm hiện tại đến năm sau, như Sabeco, Vinatex, Novaland, Thaco,… ước tính tương đương khoảng 30,6 tỉ đô la Mỹ, tức khoảng 40% tổng vốn hóa TTCK Việt Nam hiện tại.
Dòng tiền có sự phân hóa, dù quy mô thị trường tăng mạnh mẽ nhưng thanh khoản có thể không tăng tương ứng. Cụ thể, dòng tiền hạn chế từ NĐT trong nước cộng với áp lực margin, hoạt động đầu tư sẽ tiếp tục định hướng vào các Doanh nghiệp cơ bản, quản trị minh bạch và triển vọng nổi bật trong khi các cổ phiếu mang tính thị trường sẽ tiếp tục suy yếu.
Dòng tiền NĐT nước ngoài đầu tư trực tiếp trên sàn niêm yết có thể tiếp tục xu hướng rút ròng trong giai đoạn đầu năm 2017 do ảnh hưởng của FED và các yếu tố vĩ mô.
Giao dịch mua bán M&A, OTC và mua đấu giá IPO sẽ sôi động thu hút dòng tiền của thị trường niêm yết. Nhóm các Cổ phiếu cũ về mặt bằng giá hấp dẫn, do thị trường thiếu quan tâm sẽ là cơ hội tốt cho NĐT vào cuối năm.
Về điểm số VN-Index, BSC dự báo sẽ có kịch bản tiêu cực 590 điểm và tích cực 758 điểm trong năm 2017. Điểm số càng lúc càng chịu sự chi phối của các nhóm cổ phiếu lớn và mới niêm yết. Cơ hội lựa chọn ở nhiều cổ phiếu mới làm giảm bớt sự hấp dẫn của các cổ phiếu cơ bản, có quy mô lớn và là trụ cột thị trường trong nhiều năm qua.
Về diễn biến thị trường năm 2017, thị trường đã có mức điều chỉnh vào cuối năm 2016 và dự kiến sẽ kéo dài trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2017. Do vậy cơ hội phục hồi trong tháng 3-4/2017 khá cao vì thị trường tăng điểm theo chu kỳ vào tháng 3-4 nếu có điều chỉnh vào tháng 1-2. Do thời điểm này thị trường có thông tin hỗ trợ từ triển vọng kinh tế quý I, các doanh nghiệp công bố KQKD kiểm toán năm 2016, dự kiến quý I năm 2017 và ĐHCĐ năm 2016.
Bên cạnh đó, NĐT nội quan tâm thị trường sau kỳ nghỉ Lễ. Khối ngoại nhiều khả năng mua vào sau một đợt rút vốn khi mặt bằng cổ phiếu ở mức hợp lý, tạo khoảng giá an toàn cho hoạt động đầu tư. Tháng 3-4/2017 là thời điểm diễn ra các phiên đấu giá hoặc lên niêm yết của các cổ phiếu được thị trường quan tâm.
Hiệu ứng tâm lý từ các cổ phiếu niêm yết mới, KQKD năm 2016 và quý I 2017 có thể giúp thị trường giữ nhịp trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm thị trường sẽ phụ thuộc nhiều vào dòng tiền mới, các giải pháp hỗ trợ cầu. Giai đoạn này các cuộc bầu cử tại các nước chủ chốt trong khối EU sẽ diễn ra, đồng thời các chính sách điều hành vĩ mô, diễn biến tỷ giá và lãi suất sẽ định hình rõ rệt kéo theo biến động phức tạp trên TTCK.
Về nhóm các cổ phiếu dẫn dắt TTCK trong năm 2017, BSC cho rằng các cổ phiếu lớn mới niêm yết với kế hoạch thoái vốn của nhà nước sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý tuy nhiên nếu thanh khoản không cải thiện thì tầm ảnh hưởng chỉ dừng lại ở mức đóng góp điểm số. Bên cạnh đó, theo đà hồi phục của hàng hóa thế giới và xu hướng bảo hộ thương mại trong nước thì nhiều ngành như Thép, Dầu khí, Cao su, dầu khí … sẽ tiếp tục được hưởng lợi. Ngoài ra, chủ trương đầu tư vào hạ tầng, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng tạo cơ hội cho nhóm ngành xây dựng, công nghệ và các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp.
Những cổ phiếu có tính phòng thủ có mức lợi tức cao, các ngành có tiềm năng tăng trưởng ổn định, dài hạn, các cổ phiếu đầu ngành, có định giá hấp dẫn sẽ tiếp tục là động lực dẫn dắt thị trường. Các ngành tập trung vào tăng trưởng tiêu dùng trong nước cũng có cơ hội đáng chú ý như bán lẻ, vật liệu, đồ uống, dược phẩm, dịch vụ hàng không…