|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận tiến độ 'rùa bò', Phó Thủ tướng chỉ đạo cơ cấu lại NĐT

07:31 | 20/02/2019
Chia sẻ
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc, đang chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại buổi họp về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận theo hình thức Hợp đồng BOT.

du an bot cao toc trung luong my thuan moi dat gan 16 khoi luong cong viec pho thu tuong chi dao go vuong
Dự án BOT cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được khởi công từ năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc, đang chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra. (Ảnh minh họa)

Tại buổi họp, Phó Thủ tướng nhận định, dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng kết nối khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã chỉ đạo nhà đầu tư (NĐT) và các cơ quan liên quan triển khai đạt khoảng 96% khối lượng giải phóng mặt bằng. Đồng thời, Bộ cũng làm việc với các Bộ ngành, địa phương để đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Dự án được khởi công từ năm 2009, đến nay mới đạt 15,8% khối lượng công việc. Dự án đang bị chậm tiến độ nhiều so với yêu cầu đặt ra. Nguyên nhân là do việc huy động vốn gặp khó khăn do thay đổi cơ chế, chính sách pháp luật liên quan đến quản lý và sử dụng tài sản công, chính sách về đầu tư PPP, cũng như năng lực của NĐT dự án.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, các Bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và NĐT dự án phải tích cực hơn trong đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ để dự án được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2020.

Đồng thời, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang, NĐT dự án và các cơ quan liên quan có văn bản báo cáo Thủ tướng làm rõ nguyên nhân của việc chậm tiến độ dự án cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan; có văn bản đề nghị tiếp tục đầu tư dự án theo hình thức Hợp đồng BOT, đảm bảo thông tuyến vào năm 2020 để đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài ra, các đơn vị cần thống nhất để đề xuất chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang; đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về lãi suất vay vốn cũng như các vướng mắc khác đối với dự án; rà soát, xây dựng lại phương án tài chính của dự án trên cơ sở dùng vốn tài trợ của các ngân hàng thương mại nhà nước.

Cuối cùng, Bộ và cơ quan liên quan cần phải cơ cấu lại NĐT dự án, thay thế NĐT yếu kém bằng NĐT có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệp theo quy định để tiếp tục đầu tư dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được thực hiện theo hình thức BOT, dài 51,1 km, tổng mức đầu tư 9.668 tỉ đồng.

NĐT phải tự huy động vốn chủ sở hữu (1.542 tỉ đồng) và vốn vay từ các ngân hàng thương mại (8.126 tỉ đồng) để đầu tư thực hiện dự án. Tuy nhiên, do NĐT hiện tại (Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận) chưa ký được hợp đồng vay tín dụng nên công trình dù khởi động đã lâu nhưng vẫn bị đình trệ.

Xem thêm

N. Lê