|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bớt bận rộn, Huawei có thể tập trung vào việc đòi phí sử dụng sáng chế từ giới doanh nghiệp Mỹ

08:58 | 21/06/2019
Chia sẻ
Vào tuần trước, Huawei yêu cầu Verizon trả khoản phí bản quyền 1 tỉ USD cho hơn 230 sáng chế của Huawei và chắc chắn Verizon không phải là đối tượng duy nhất Huawei muốn đòi tiền.

Đòi phí bản quyền cao hơn có thể là một sự dịch chuyển chiến lược quan trọng đối với Huawei, tập đoàn đang sở hữu một số sáng chế quan trọng, làm nền tảng cho thế giới viễn thông.

Chiến lược mới để Huawei giảm thiệt hại do lệnh cấm vận của Mỹ

Tuần trước, Reuters đưa tin Huawei đã yêu cầu Verizon trả khoản phí bản quyền 1 tỉ USD cho hơn 230 sáng chế của Huawei. The Wall Street Journal tiết lộ rằng những sáng chế mà Verizon sử dụng bao gồm từ thiết bị mạng lõi tới công nghệ "Internet vạn vật".

Huawei

Washington đã cấm Huawei bán thiết bị viễn thông ở Mỹ, song nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn đang sử dụng sáng chế của Huawei thông qua bên thứ ba. Ảnh: CNBC

Có lẽ Verizon không phải là doanh nghiệp duy nhất sắp sa vào tranh chấp về phí bản quyền với Huawei. Tỉ phú Nhậm Chính Phi, người sáng lập Huawei, vừa tuyên bố rằng ông có thể đòi phí bản quyền từ nhiều công ty khác.

"Trong nhiều năm qua, chúng tôi không ráo riết đòi phí bản quyền từ những công ty sử dụng bằng sáng chế của chúng tôi vì chúng tôi mải miết phát triển kinh doanh. Nhưng khi Huawei bớt bận rộn, chúng tôi có thể tính tới việc thu một chút tiền từ những doanh nghiệp đang sử dụng bằng sáng chế của chúng tôi", ông Nhậm Chính Phi phát biểu. Ông nói thêm rằng Huawei sẽ không sử dụng bằng sáng chế như vũ khí để cản trở sự phát triển của xã hội.

Các doanh nghiệp sử dụng bằng sáng chế của Huawei thế nào?

Washington đã cấm Huawei bán thiết bị viễn thông ở Mỹ, song nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn đang sử dụng sáng chế của Huawei thông qua bên thứ ba, CNBC nhận định.

Khi các mạng di động thế hệ mới - như mạng 4G, 5G - ra đời, các bên liên quan phải nhất trí về những tiêu chuẩn toàn cầu. Chúng là những giao thức để công nghệ có thể vận hành trên toàn cầu, tạo ra sự gắn kết để các điện thoại di động có thể tương tác với mạng viễn thông. Các cơ quan về tiêu chuẩn của các nước sẽ thực hiện việc thương lượng và ấn định tiêu chuẩn toàn cầu.

Những doanh nghiệp như Huawei - và cả các đối thủ như Nokia hay Ericsson - sẽ đóng góp vào quá trình xây dựng cấu trúc của mạng viễn thông của những cơ quan về tiêu chuẩn. Trong quá trình đóng góp, các doanh nghiệp sẽ tạo ra những sáng chế quan trọng đối với chuẩn của các mạng 4G và 5G.

Huawei đã nhận chứng nhận sáng chế đối với hơn 69.000 phát minh trên toàn thế giới, liên quan tới rất nhiều công nghệ như quản lý băng thông, truyền dữ liệu, theo số liệu của Relecura, nền tảng cung cấp quyền sở hữu trí tuệ. Relecura cũng nói 49.379 phát minh của Huawei đang chờ cấp chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trong số này, hơn 57% phát minh đang chờ ở Trung Quốc và 18% đang chờ ở Mỹ.

Mặc dù tụt hậu trong công nghệ 4G, Huawei lại là doanh nghiệp tiên phong trong công nghệ 5G. Hiện tại Huawei có số phát minh 5G lớn nhất, với khoảng 1.554 phát minh, theo IPlytics, công ty cung cấp số liệu về bằng sáng chế. Nokia, Samsung hay LG không có số lượng phát minh lớn như Huawei.

Vì thế, mặc dù các tập đoàn viễn thông lớn ở Mỹ không sử dụng thiết bị mạng của Huawei, họ vẫn phải mua sản phẩm từ những đối tác sử dụng công nghệ của Huawei. Do Huawei sở hữu quá nhiều bằng sáng chế, khả năng nhiều nhà mạng ở Mỹ phải sử dụng công nghệ của tập đoàn Trung Quốc là rất cao.

Nhạc Dương