Bóng đá và kinh doanh
Dự toán số tiền thu được trong giải World Cup lần này đạt 6,1 tỉ đô la Mỹ, nhờ các khoản tiền bán vé vào sân xem trực tiếp các trận bóng, tiền bán bản quyền thu phát truyền hình, đóng góp của các nhà tài trợ qua quảng cáo...
Có người tưởng rằng năm hay sáu tỉ đô la nói trên là to, và vòng chung kết thế này là cơ hội kiếm tiền nhất hạng trong bóng đá. Thật ra, đó là con tép! World Cup chỉ mới là vạch xuất phát. Thị trường béo bở cho những thương vụ kinh doanh bóng đá chính thức bắt đầu khi trọng tài tuýt còi chấm dứt trận chung kết, thường sau ngày khai mạc một tháng, cụ thể vòng giải này là vào ngày 15-7-2018. “Footbusiness” với những món tiền kếch xù, chuyển động suốt một năm mười hai tháng, bắt đầu từ đấy!
Nghĩ cần cám ơn người đã sáng tạo ra môn thể thao vua này. Khi diễn ra một trận đấu dù chỉ là vòng loại, có đến hàng trăm triệu người chú mục để thưởng thức, từ trên cầu trường đến các hóc hẻm nơi chân trời cuối biển. Các trận vòng trong, bán kết, chung kết có khi kéo cả một vài tỉ lượt khán giả theo dõi.
Cả tỉ con người tập trung vào một trái bóng lăn trên sân, nhưng ý thích của họ thì đa chiều, đa dạng, đó chính là cơ hội cho nhiều người lấy “công nghiệp” bóng đá làm nghề kinh tài. Đó cũng là nơi hoạt động sôi nổi của các lò cá cược, hợp pháp và cả không hợp pháp. Ngay như tại Việt Nam, không chỉ khi có World Cup mà chỉ cần một trận thi đấu ở giải vô địch trong nước hay tại một quốc gia nào, như giải ngoại hạng Anh chẳng hạn, là tiền cược tuôn vào sòng như nước. Những đường dây cá cược hàng ngàn tỉ đồng bị phát hiện trong thời gian qua ở trong nước không còn là chuyện hiếm.
Bất hợp pháp là thế, huống gì hoạt động hợp pháp. Darren Small, một chuyên gia phân tích số liệu thể thao của Công ty Sportradar (Mỹ), ước hàng năm tổng lượng tiền cá cược thể thao lên đến cả ngàn tỉ đô la, trong đó tuyệt đại bộ phận là cá cược vào bóng đá.
Một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn nữa chính là các thương vụ chuyển nhượng cầu thủ và huấn luyện viên. Trước khai mạc World Cup 2018, để chuẩn bị cho vòng chung kết 2022 tại Qatar, Liên đoàn bóng đá nước này đã không ngại ngần mời Zidane về cầm quân đội tuyển quốc gia với mức lương 50 triệu đô la mỗi năm! Mức lương ấy cũng chưa là gì so với một số giá chào chuyển nhượng cầu thủ tại giải vô địch ngoại hạng Anh. Năm 2017, chỉ cần 10 cầu thủ hàng đầu, mức chuyển nhượng đã đếm được gần 1 tỉ đô la như Harry Kane (Anh) với mức 139,5 triệu đô la, Kevin De Bruyne (Hà Lan) với 128 triệu đô la...
Trong khi đó, làn sóng các đại gia mua một phần hay mua đứt các đội bóng càng lúc càng nhiều. Tỉ phú người Nga Abramovich mua đội bóng Chelsea năm 2003 với giá 140 triệu bảng thì nay có người đã trả 1 tỉ bảng, thế mà Abramovich vẫn chưa muốn bán. Hay như Wang Jianlin của tập đoàn Wanda bỏ ra 52 triệu đô la mua 20% cổ phần của đội bóng Tây Ban Nha Atletico Madrid...
Cứ tưởng đồng tiền to sẽ xóa nhòa ranh giới quốc gia, nhưng ngẫm nghĩ lại, người Nga mua Chelsea, mua quân từ chục nước khác về đá cho mình vẫn không bỏ tên địa danh Chelsea, người Trung Quốc mua Atletico Madrid cũng không thể buộc cầu thủ phải “nị nị ngộ ngộ”. Qua tiền tỉ, các đại gia cố xáo trộn ranh giới bóng đá, ngay cả các cúp quốc gia nhiều nơi có cầu thủ từ hàng chục quốc tịch khác nhau, nhưng khi đến cúp liên lục địa, môn thể thao vua này khép cầu thủ về lại với nước mình. Đá bóng trước tiên là vì màu cờ sắc áo, là vì danh dự của Tổ quốc.
Một cầu thủ trên sân bóng có thể là một tội đồ nếu anh ta làm hỏng đường đoạt cúp của đội; ngược lại, anh ta dễ dàng được nhân dân nước mình tôn vinh như một anh hùng nếu đưa đội đến đỉnh vinh quang.
Hóa ra, kinh doanh bóng đá cũng có trò riêng của nó chứ đâu phải có tiền là tất cả!