|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bốn chiến lược truyền thông xã hội không thể bỏ qua của doanh nghiệp

08:31 | 16/03/2019
Chia sẻ
Một nửa dân số thế giới trong độ tuổi 18 - 29 đang sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. Truyền thông xã hội đã trở thành một cuộc cách mạng và đây là công cụ tuyệt vời để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, bạn hàng.
Bốn chiến lược truyền thông xã hội không thể bỏ qua của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Với cả tỷ người sử dụng mỗi ngày, Facebook là một công cụ truyền thông tuyệt vời cho doanh nghiệp

Chiến lược marketing bao gồm việc xác định thị trường mục tiêu, đưa ra cách thức hoạt động để hướng tới thị trường mục tiêu đó, rồi liên tục phân tích dữ liệu, từ đó điều chỉnh hoạt động cho phù hợp.

Trong khi đó, chiến lược truyền thông xã hội là thu hút khách hàng, làm khách hàng phấn khích và tạo dựng lòng tin đối với thương hiệu của doanh nghiệp. Theo tính toán của nghiên cứu M: Marketing, những khách hàng được thu hút và phấn khích này tạo thêm 23% lợi nhuận cho doanh nghiệp. Các video chia sẻ với khách hàng thu hút thêm sự quan tâm, giúp khách hàng biết rõ hơn về sản phẩm, từ đó kích thích họ mua hàng.

Theo tiến sỹ Linda Orr (thuộc Đại học Akron), mọi doanh nghiệp đều cần áp dụng 4 chiến lược truyền thông xã hội dưới đây.

1. Tận dụng sức mạnh của marketing nội dung

Theo một nghiên cứu của M: Marketing, có tới 78% số khách hàng được hỏi thích tìm hiểu thông tin về một công ty qua các bài viết hơn thông tin quảng cáo. Marketing nội dung có lưu lượng người đọc trên mạng Internet cao gấp 6 lần so với các công cụ truyền thông xã hội khác.

Năm 2018, người trưởng thành tại Mỹ mỗi ngày dành 3 giờ 35 phút để sử dụng điện thoại di động. Trong đó, hầu hết thời gian là đọc các thông tin liên quan đến marketing nội dung, như các vấn đề liên quan đến năng suất lao động cá nhân, tài chính cá nhân, quản lý tài chính cá nhân...

Nếu bạn bán thiết bị y tế, bạn cần có các bài viết về các vấn đề sức khỏe liên quan đến sản phẩm của bạn. Nếu bạn bán đồ mỹ phẩm trang điểm, bạn cần có các bài về kỹ thuật trang điểm, hướng dẫn chăm sóc da. Nếu kinh doanh nhà hàng, bạn cần cung cấp thông tin về xu hướng thực phẩm, chế độ ăn kiêng, lập kế hoạch tổ chức sự kiện…

Để bắt đầu một chiến dịch truyền thông nội dung, trước hết, bạn cần chỉ rõ những cái mà khách hàng tiềm năng có thể quan tâm. Các chuyên gia địa phương có thể vui vẻ cung cấp thông tin về vấn đề này, bởi truyền thông xã hội là quảng cáo miễn phí cho mọi người. Marketing nội dung cũng cần đan xen các nhân tố chính trị hoặc từ thiện để tăng sức thuyết phục.

2. Đọc và trả lời các đánh giá, than vãn của khách hàng

Theo khảo sát của M: Marketing, 84% khách hàng tin vào các đánh giá trên mạng. Hãy hỏi khách hàng đánh giá về công ty bạn. Bạn cần chú trọng việc trả lời nhanh những bình luận của khách hàng trên mạng xã hội. 53% số khách hàng từ tất cả các mạng xã hội và 72% khách hàng từ mạng Twitter kỳ vọng bình luận của họ được hồi âm trong vòng 1 giờ.

Mạng truyền thông xã hội hiện được xem là nơi quan trọng nhất để giải quyết những than vãn của khách hàng. Không trả lời hoặc trả lời theo khuôn mẫu là cách làm dẫn đến kết quả rất tệ.

3. Không chỉ là Facebook

Cần tận dụng tất cả các kênh truyền thông xã hội có thể, căn cứ vào thị trường mục tiêu cụ thể của mình. 68% người Mỹ sử dụng Facebook. Tuy nhiên, số người sử dụng đang có xu hướng giảm và mạng xã hội này có phần trở nên không chuyên nghiệp cho mục tiêu marketing. Hơn nữa, nếu chỉ dựa vào Facebook thì ta dễ bỏ qua những khách hàng không sử dụng mạng xã hội này.

Nếu có một trang web tốt, hiệu quả sẽ rất cao, thậm chí cao hơn Facebook.

Bên cạnh đó, hiện có 260 triệu người sử dụng LinkedIn hàng tháng, trong đó 40 sử dụng kênh này hằng ngày. Người ta sử dụng kênh truyền thông xã hội này để marketing nội dung giữa các doanh nghiệp với nhau. Người sử dụng LinkeIn rất quan tâm đến số lượng chữ trong một bài. Những bài viết trên kênh này dài trên 1.900 chữ được đọc nhiều nhất. LinkeIn cũng là kênh có tỷ lệ khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng thực sự (conversion rate) cao nhất, với 2,74%, cao hơn rất nhiều so với mức 0,77% của Facebook và 0,69% của Twitter.

Từ khi Google mua YouTube, công ty này đã phát huy thế mạnh trong lĩnh vực tìm kiếm. Theo số liệu của M: Marketing, 73% người Mỹ sử dụng YouTube - mức cao nhất trong số tất cả các kênh truyền thông xã hội. Với video, bạn có thể cảm nhận tốt hơn, cảm xúc hơn, ấn tượng hơn. Đây là một kênh tuyệt vời để bạn đăng tải những video phục vụ truyền thông cho doanh nghiệp. Những công ty cực kỳ chuyên biệt như Cleveland Clinic cũng tận dụng YouTube để khuếch trương các thành tích, thành tựu đổi mới của mình.

Trong khi đó, Instagram cũng có ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng thương hiệu, thu hút khoảng 2,5 triệu người theo dõi. 35% người Mỹ sử dụng Instagram. Cũng như YouTube, Instagram tạo sức hút rất lớn.

Các kênh như Twitter và Pinterest có dưới 35% người Mỹ sử dụng. Pinterest là nơi tuyệt vời để giới thiệu sản phẩm trang trí, tranh vẽ.

4. Sử dụng dữ liệu để học hỏi, nghiên cứu, phân tích và ứng dụng

Một lợi thế của việc sử dụng truyền thông xã hội là có thể khai thác dữ liệu. Bạn có thể thông qua truyền thông xã hội để đo lường thái độ khách hàng, sở thích, xu hướng. Có rất nhiều phần mềm phục vụ các mục đích như vậy. Cũng không cần đặt quá nặng vào vấn đề tối ưu hóa từ khóa, bởi Google luôn thay đổi thuật toán tìm kiếm.

Cần sử dụng truyền thông xã hội một cách chiến lược. Phải định vị chắc chắn thị trường mục tiêu của mình. Sử dụng các công cụ để giao tiếp, tìm kiếm khách hàng theo cách chia sẻ, cung cấp thông tin và chăm sóc chu đáo.

Marketing nội dung và trả lời các đánh giá online là những công cụ truyền thông xã hội quan trọng nhất. Đồng thời, cũng cần sử dụng các công cụ đo lường có thể để đánh giá, cải thiện hoạt động.



Ngọc Lan Chi