Bộ Y tế khuyến nghị TP HCM ba hình thức giãn cách
Theo báo Sức khỏe và đời sống, báo cáo về tình hình dịch bệnh tại TP HCM tại cuộc họp trực tuyến với TP HCM do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đến nay TP HCM đã ghi nhận 8.385 ca mắc mới.
Trong 7 ngày qua trung bình số mắc ghi nhận khoảng 500-600 ca/ngày, chủ yếu là các trường hợp tiếp xúc với F0 đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa và các trường hợp có triệu chứng đi khám tại các cơ sở y tế và xét nghiệm tại cộng đồng. Số ca mắc tại TP HCM có xu hướng gia tăng.
Trên cơ sở Thủ tướng đã đồng ý cho TP HCM giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Bộ Y tế khuyến nghị 3 hình thức giãn cách cụ thể.
Thứ nhất, giãn cách theo Chỉ thị 16 và 16 cộng trên địa bàn toàn thành phố.
Thứ hai, thực hiện phong toả một số khu vực có nguy cơ cao. Tại đây phải thực hiện chặt chẽ “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Thứ ba, áp thiết chế cách ly tập trung tại vùng lõi để tăng cách ly F1 tại nhà nhằm giảm tải cách ly F1 tại các khu cách ly tập trung. Tại đây cần triệt để áp dụng không được ra khỏi nhà. Tất cả nhu yếu phẩm thiết yếu phải được đưa đến tận nhà cho người dân.
Như vậy, có ba vòng cách ly gồm vòng chung là Chỉ thị 16, vòng thứ hai là vùng cách ly y tế và vòng thứ ba là vùng cách ly tập trung.
“Chúng tôi lưu ý có 3 vòng cách ly như vậy để có thể TP HCM áp dụng linh hoạt”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Về điều trị, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị 4 hình thức. Thứ nhất, khu điều trị tập trung dành cho bệnh nhân COVID-19 không có triệu chứng. Số lượng bệnh nhân này khá lớn, chiếm khoảng 70% tổng số bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên cần tuyệt đối tuân thủ quy định phòng chống lây nhiễm để tránh lây lan sang người phục vụ và khu vực xung quanh.
Thứ hai, đối với khu vực điều trị bệnh nhân có triệu chứng, cần giảm tối đa bệnh nhân điều trị nội trú tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố để dành 50.000 giường bệnh cho điều trị bệnh nhân COVID-19.
Thứ ba, tất cả các bệnh viện trên địa bàn thành phố phải xác định sẽ điều trị bệnh nhân nặng, do đó phải thiết lập các trung tâm cấp cứu trong bệnh viện.
Khu dành điều trị bệnh nhân nguy kịch là các bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, bệnh viện 115 và bệnh viện Nhân dân Gia Định.
“Chúng tôi đã bàn với Bộ phận Thường trực của Bộ Y tế tại TP.HCM, cùng trao đổi thống nhất 4 bệnh viện này phải dành ít nhất 1.000 giường để điều trị bệnh nhân nặng”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.