|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Bộ Xây dựng: Luật mới chưa có hiệu lực nên chưa giải quyết ngay được những khó khăn của bất động sản

10:08 | 11/03/2024
Chia sẻ
Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của thị trường ở thời điểm hiện tại.

(Ảnh minh họa: ZNews).

Sáng 11/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản).

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Bộ Xây dựng cho biết thời gian qua, việc triển khai thực hiện hàng loạt các chính sách, nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành, nhất là các khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, nguồn vốn và trái phiếu...

Qua đó, thị trường bất động sản nói chung và việc tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện dự án bất động sản đã có nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, doanh nghiệp giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Các địa phương đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành giao, đôn đốc, hướng dẫn; đồng thời, tập trung chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực bất động sản, cho các dự án bất động sản trên địa bàn.

Bộ Xây dựng đánh giá, mặc dù nhiều khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế đã được các luật mới (Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng) tháo gỡ, tuy nhiên các luật chưa có hiệu lực thi hành dẫn đến chưa giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc của thị trường ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn theo quy định, chưa tích cực trong việc giải quyết tháo gỡ khó khăn (việc giải quyết tại nhiều địa phương chủ yếu dùng ở việc chuyển văn bản cho các sở, ngành liên xem xét) chưa có kết quả giải quyết cụ thể, triệt để; một số địa phương, Tổ công tác đã nhiều lần gửi văn bản đôn đốc nhưng vẫn chưa có kết quả giải quyết cụ thể báo cáo về Tổ công tác.

Ngoài ra, còn nhiều khó khăn trong việc tổ chức triển khai thực thi pháp luật, như: Tổ chức, người thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định; chưa rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án chưa triển khai hoặc chậm triển khai.

Đồng thời chưa tập trung lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở 05 năm và hàng năm để làm cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án phát triển nhà ở; chưa tập trung đẩy mạnh thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất...; chưa chú trọng cải cách thủ tục hành chính dẫn đến kéo dài hoặc chậm trễ trong giải quyết thủ tục triển khai dự án bất động sản trên địa bàn. 

Trước đó (6/3), tại Hội nghị Triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết Bộ đang xây dựng dự thảo của 6 nghị định, 5 thông tư; Bộ Tài chính 2 nghị định; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một nghị định; Bộ Nội vụ một thông tư. 

"Bộ cố gắng đẩy nhanh nhất tiến độ xây dựng nghị định, thông tư hướng dẫn và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để cùng Bộ Xây dựng đề nghị Quốc hội thực hiện các luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở từ tháng 7 năm nay", Bộ trưởng Khánh cho hay.

Tại một sự kiện diễn ra hồi tháng 1, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định những thay đổi liên quan Luật Đất đai 2023, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2023 vừa được Quốc hội chính thức thông qua cuối tháng 11/2023 sẽ là bước tiến lớn về chính sách. Đây cũng sẽ là một trong những khung pháp lý quan trọng với nhiều quy định tác động tích cực đến thị trường bất động sản, chủ đầu tư và khách hàng.

“Luật Nhà ở 2023 có 7 điểm mới, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có 11 điểm mới. Những thay đổi này được đánh giá là phù hợp thực tiễn, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất của các quy định pháp luật”, ông Hoàng Hải nói.

Luật Nhà ở 2023 là một trong những căn cứ quan trọng về chiến lược phát triển nhà ở. Đặc biệt, luật bổ sung chặt chẽ hơn về điều kiện đầu tư xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân để bán. Đây là một trong những thay đổi quan trọng, đặc biệt là sau những sự cố xảy ra về nhà cao tầng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở 2023 sẽ là khung pháp lý hỗ trợ tốt cho chiến lược phát triển nhà ở xã hội tại Việt Nam. Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt.

Đối với Luật Kinh doanh bất động sản 2023, phạm vi điều chỉnh luật được làm rõ hơn, ví dụ thời điểm cần phải công bố thông tin; nội dung cần được thông tin; công bố các văn bản quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư dự án bất động sản, quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

"Thị trường đã có dấu hiệu sáng lên trong nửa cuối năm 2023, khoảng 70% vướng mắc pháp lý liên quan đến bất động sản đã tháo gỡ. Đến khi khung pháp lý hoàn thiện và có hiệu lực, thời điểm thị trường vượt qua khó khăn sẽ không còn xa. Ba dự án luật mới sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/1/2025. Về cơ bản, 2024 là năm chạy đà để thị trường khởi sắc khi những thay đổi về luật chính thức đi vào vận hành", ông Hải nhấn mạnh.

Công Tâm