|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Cơ hội tháo gỡ nhiều vướng mắc trên thị trường bất động sản

08:38 | 08/03/2024
Chia sẻ
Việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các luật có liên quan kỳ vọng sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn.

(Ảnh minh họa: Hoàng Huy).

Luật Đất đai 2024 có 16 chương và 260 điều, trong đó có 65 điều, khoản được giao cho Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện.

Theo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024, Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ ban hành 16 văn bản quy định chi tiết. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành trình Chính phủ ban hành, ban hành các quy định theo thẩm quyền trong tháng 5/2024.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác. Thời gian hoàn thành trước ngày 10/3/2024, sau đó Chính phủ trình Quốc hội.

Đối vớiNghị quyết thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng và trình trước ngày 10/3/2024.

Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép đưa hai Đề án thí điểm nêu trên vào Chương trình làm việc của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, dự kiến diễn ra trong tháng 5/2024.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), đánh giá việc Quốc hội thông qua một số luật quan trọng như Luật Đấu thầu 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật các tổ chức tín dụng 2024, Luật Đất đai 2024 sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, qua đó chắc chắn sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc của thực tiễn.

"Vướng mắc pháp lý là vướng mắc lớn nhất chiếm đến 70% khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp chủ đầu tư các dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư. Và đây cũng là vướng mắc lớn nhất trong hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại các địa phương", vị này cho hay.

Đặc biệt, Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng Đề án thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác sẽ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở.

Đồng thời, đề án tạo điều kiện tháo gỡ được vướng mắc đối với các trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Song song với đó, Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng Đề án, trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm về việc tách giải phóng mặt bằng, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư sẽ tháo gỡ được vướng mắc cho các địa phương đối với tất cả các dự án đầu tư công, bao gồm cả dự án nhóm B, nhóm C để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công để sớm triển khai thực hiện dự án. 

Ông Châu kỳ vọng việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 và các luật có liên quan sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong thực tiễn để đất đai trở thành nguồn lực phát triển kinh tế xã hội và thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. 

Đại diện HoREA đề nghị các cơ quan liên quan cần tập trung nghiên cứu đóng góp ý kiến để xây dựng hoàn thiện các dự thảo nghị định, thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2024. Trong đó cần đặc biệt quan tâm ba dự thảo nghị định là Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, Nghị định quy định về giá đất, Nghị định quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Hiệp hội này cũng cho rằng Bộ Tư pháp cần phải chạy đua với thời gian để thuyết phục Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép trình Quốc hội xem xét hai Đề án thí điểm nêu trên trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2024.

"Hiệp hội đề nghị việc triển khai Luật Đất đai 2024 phải đồng thời triển khai các luật có liên quan như Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật các tổ chức tín dụng 2024 để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất", đại diện HoREA đề xuất.

Công Tâm