Sáng nay, Chính phủ họp gỡ khó cho doanh nghiệp bất động sản sau khi các luật mới được ban hành
Theo kế hoạch, 8 giờ sáng nay (11/3), Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp sau khi các Luật mới được ban hành (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản).
Cuộc do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì và có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Thành viên Tổ công tác của Thủ tướng; lãnh đạo các Bộ Công an, Tư pháp, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Bất động sản TP HCM; lãnh đạo các Ngân hàng TMCP Nhà nước (BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank); lãnh đạo các Ngân hàng TMCP (Techcombank, MB Bank).
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), đánh giá hội nghị này có ý nghĩa rất quan trọng để rà soát đánh giá kết quả đã đạt được trong hơn một năm qua, chỉ ra được nguyên nhân bất cập, tồn tại, hạn chế; thống nhất các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác của các địa phương và việc phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp trong thời gian từ nay đến cuối năm 2024, nhất là trong bối cảnh sau khi các Luật mới vừa được ban hành.
Trước đó vào ngày 17/11/2022, Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TP HCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.Đây là thời điểm doanh nghiệp bất động sản bước vào giai đoạn khó khăn nhất.
Nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau đó cũng đã thành lập Tổ công tác của địa phương do Chủ tịch UBND cấp tỉnh làm Tổ trưởng, phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và cấp có thẩm quyền nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại TP HCM, Chủ tịch UBND TP kiêm Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của UBND TP đã chỉ đạo phân loại các nhóm vướng mắc của 148 dự án và giao cho Giám đốc các Sở, ngành liên quan chịu trách nhiệm xem xét đề xuất xử lý.
Trong đó, nhóm vướng mắc về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển nhượng dự án, cổ phần hóa thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch Đầu tư; nhóm vướng mắc về quy hoạch xây dựng thuộc trách nhiệm của Sở Quy hoạch Kiến trúc; nhóm vướng mắc về giao, thuê đất, định giá đất, cấp Giấy chứng nhận thuộc trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường; nhóm vướng mắc về thẩm định dự án, thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp Giấy phép xây dựng, xác nhận dự án đủ điều kiện huy động vốn thuộc trách nhiệm của Sở Xây dựng; nhóm vướng mắc về thẩm định giá đất, quyết định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, nghĩa vụ tài chính bổ sung thuộc trách nhiệm của Sở Tài chính và Cục Thuế; nhóm vướng mắc chung về pháp lý thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp…
Giữa năm 2023, Bộ Xây dựng cho biết trong cả nước có khoảng 1.200 dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý, trong đó TP HCM có hơn 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.
Và đến nay, cả nước đã tháo gỡ được vướng mắc, khó khăn cho khoảng 100 dự án bất động sản, nhà ở. Riêng, TP HCM đã tháo gỡ khó khăn cho khoảng 30% trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc.