Bỏ túi hàng trăm tỉ nhờ bán dự án điện mặt trời
Theo tờ Bangkok Post, Gunkul Engineering Public Co., Ltd (Thái Lan) đầu tháng 12 vừa qua đã công bố thông tin về việc mua lại toàn bộ dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II tại thôn Lương Mai, xã Phong Chương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế với giá 39,9 triệu USD (khoảng 925 tỉ đồng).
Theo chia sẻ của CEO của Gunkul Engineering Public (Gunkul), công ty đã trở thành chủ sở hữu duy nhất của CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thủy và sẵn sàng vận hành nhà máy điện mặt trời Phong Điền II dự kiến ngày 15/12 tới.
Dự án Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II được Bộ Công Thương phê duyệt tháng 1/2018, có tổng vốn đầu tư ban đầu khoảng 120 tỉ đồng, công suất 50 MW, điện năng sản xuất hằng năm gần 68 triệu kWh/năm, ước tính gần bằng mức tiêu thụ điện hàng năm của gần 80.000 hộ gia đình Việt Nam.
Theo vị đại diện của Gunkul, cơ sở này sẽ kết nối với mạng lưới điện nhà nước do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành, theo hợp đồng mua bán điện với giá cấp điện là 0,0709 USD kWh (khoảng 1.630 đồng/kWh) trong 20 năm.
Nói về chủ đầu tư dự án là CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ, đây là thành viên thuộc Wealth Power Group Vietnam, có trụ sở chính ngay tại trung tâm TP Huế với ngành nghề chính là sản xuất điện mặt trời.
Người đại diện pháp luật của Đoàn Sơn Thủy là bà Trần Thị Hương Hà (sinh năm 1975) đồng thời là Giám đốc công ty.
Ngoài ra, bà Hà còn là đại diện các doanh nghiệp CTCP Thương Mại và Xây dựng Đoàn Sơn Thủy, CTCP Năng lượng tái tạo Việt Nam Việt, CTCP Tập đoàn Wealth Power Việt Nam, CTCP Năng lượng BS Việt Nam, CTCP Thương mại Du lịch Thanh Toàn Paragon. Các công ty do bà Hà đứng tên cũng là thành viên của Wealth Power Group.
Theo công bố thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng kí doanh nghiệp, CTCP Đầu tư Đoàn Sơn Thuỷ được thành lập tháng 1/2017 với vốn điều lệ ban đầu là 30 tỉ đồng.
6 tháng sau, Đoàn Sơn Thủy thực hiện tăng vốn điều lệ lên 300 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông gồm bà Trần Thị Hương Hà, ngụ tại Huế sở hữu 90% và hai cổ đông còn lại mỗi người sở hữu 5%.
Mới đây, ngày 25/11, công ty đã thay đổi thông tin với việc được sở hữu 100% bởi vốn nước ngoài, bao gồm công ty Gunkul nắm 99,95% và hai cá nhân người Thái sở hữu tổng 0,05%.
Theo thông tin chúng tôi có được, tài sản của công ty đã tăng hơn gấp đôi từ 196 tỉ đồng năm 2018 lên 407,8 tỉ đồng tính đến cuối năm 2019. Trong đó, tài sản ngắn hạn đến cuối năm 2019 chiếm 68%, đạt 278 tỉ đồng.
Trong tổng nguồn vốn 407,8 tỉ đồng của Đoàn Sơn Thủy, vốn chủ sở hữu là 299,5 tỉ đồng, nợ phải trả đạt 108,3 tỉ đồng, hoàn toàn là nợ ngắn hạn.
Như vậy, việc công ty Thái Lan mua lại Đoàn Sơn Thủy với giá hơn 925 tỉ đồng cho thấy công ty đã được định giá gấp hơn hai lần so với tổng tài sản của công ty và hơn gấp ba lần so với vốn góp của chủ đầu tư.
Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy ba năm kể từ khi dự án được Bộ Công Thương phê duyệt tháng 1/2018, nhóm cổ đông cá nhân của Đoàn Sơn Thủy đã thu lãi "khủng" hàng trăm tỉ đồng so với vốn góp ban đầu (ước tính khoảng 625 tỉ đồng chưa tính yếu tố chiết khấu lãi vay).
Nở rộ dịch vụ "dọn đường" cho NĐT nước ngoài
Thực tế, trong khoảng ba năm gần đây, các thương vụ lập dự án đầu tư rồi chuyển nhượng cho các nhà đầu tư nước ngoài đang có chiều hướng gia tăng. Một số trường hợp doanh nghiệp ngoại đứng ra ứng vốn để doanh nghiệp trong nước hoàn tất thủ tục, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng, trạm biến áp và các hạng mục xây dựng khác sau đó chuyển nhượng dự án.
Tạp chí Năng lượng Việt Nam dẫn ý kiến của lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho rằng, thực tế một số dự án điện gió, điện mặt trời đã được các nhà đầu tư Việt Nam chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án dưới hình thức liên doanh, chuyển nhượng cổ phần... cho các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Singapore,...
Trước thực trạng này, hồi giữa tháng 6, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc báo chí phản ánh Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thâu tóm các dự án điện mặt trời tại Bình Phước.
Theo đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lí phù hợp đảm bảo an ninh quốc gia và an ninh năng lượng.
Theo Tiền Phong, cùng với việc bùng nổ các dự án điện mặt trời, 2019 được coi là năm đỉnh điểm của những ‘cơn sóng ngầm’ quanh việc chạy đua xin giấy phép bổ sung qui hoạch điện mặt trời ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương. Tình trạng mua bán giấy phép, chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư nước ngoài cũng xuất hiện.
Một số thương vụ nổi bật trong năm nay như Tập đoàn Super Energy (Thái Lan) thâu tóm 4 dự án điện mặt trời tại tỉnh Bình Phước, bao gồm Lộc Ninh 1, 2, 3, 4 tại khu vực biên giới với Campuchia.
Thực tế, Super Energy không chỉ thâu tóm 4 dự án điện mặt trời tại Bình Phước; mà từ giữa năm 2018 đến nay, công ty Thái Lan đã thực hiện mua lại cổ phần và đầu tư vào 14 dự án điện tái tạo ở Việt Nam (bao gồm cả điện mặt trời và điện gió) trải dài tại khu vực phía Nam. Hiện 6 dự án của công ty này đã đi vào vận hành thương mại.
Hay tương tư như Nhà máy điện mặt trời Phong Điền II, Nhà máy điện mặt trời VSP Bình Thuận II và Nhà máy Điện mặt trời Vĩnh Hảo cũng đã được các cổ đông cá nhân trong nước chuyển nhượng cho phía doanh nghiệp đến từ Trung Quốc cũng chỉ trong vòng chưa đầy 3 năm kể từ khi được cấp phép.
Theo đại diện Bộ Công Thương, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư là "hoạt động bình thường trong cơ chế thị trường" và được qui định trong Luật Đầu tư.