|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu siết chặt quản lí quy hoạch nuôi cá tra

21:54 | 19/02/2019
Chia sẻ
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các doanh nghiệp và chính quyền địa phương rà soát lại vùng nguyên liệu, quản lí chặt quy hoạch vùng nuôi cá tra, rà soát lại 20% diện tích nuôi cá tra tự phát nhằm vận động người nuôi vào chuỗi liên kết.


Mục tiêu kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 2,4 tỉ USD

Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2019, ngành hàng cá tra phấn đấu đạt sản lượng 1,51 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,4 tỉ USD.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương phát huy tiềm năng, lợi thế, sản xuất cá tra thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

bo truong bo nnptnt yeu cau siet chat quan li quy hoach nuoi ca tra
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu phát triển cá tra đi vào chiều sâu để nâng hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững, thị trường tiêu thụ được mở rộng.

Đối với hoạt động nuôi trồng cá tra, Bộ trưởng yêu cầu cần siết chặt quản lí quy hoạch các vùng nuôi.

bo truong bo nnptnt yeu cau siet chat quan li quy hoach nuoi ca tra

Bộ trưởng cho rằng cách làm này giúp nông dân có đầu ra ổn định, doanh nghiệp kiểm soát được diện tích, sản lượng nuôi, chất lượng cá tra nguyên liệu để có chiến lược tìm kiếm thị trường tốt nhất.

Để ngành hàng cá tra phát triển ổn định và bền vững trong năm 2019 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, các địa phương, doanh nghiệp, người nuôi cá tra cần tuân thủ quy định liên quan đến quản lí ngành cá tra, đặc biệt là việc kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Trước đó, tại Hội nghị triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 tại TP HCM hôm 16/2, ông Ngô Văn Ích, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), cho biết trong thời gian tới, các doanh nghiệp chủ động hơn về nguyên liệu bằng cách tự đứng ra nuôi hoặc ký kết các hợp đồng liên kết, bao tiêu cho người nuôi nhằm đảm bảo có nguồn nguyên liệu chất lượng, ổn định.

Đây chắc chắn sẽ là giải pháp hiệu quả và cũng là xu hướng của ngành thủy sản Việt Nam trong quá trình phát triển theo hướng bền vững.

Chất lượng con giống, chất lượng vật tư thủy sản và sản phẩm được kiểm soát tốt. Những công nghệ mới nhất cần được ứng dụng vào ngành hàng cá tra; trong đó, giống là khâu then chốt của chuỗi cá tra.

Mặt hàng cá tra đã đạt con số 80

Theo Tổng Cục Thống kê, mặc dù giá cá tra nguyên liệu nửa đầu tháng 1 giảm nhẹ so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao, dao động 29.000 - 33.000 đồng/kg.

Với mức giá này người nuôi có lãi từ 5.000 - 9.000 đồng/kg. Sản lượng cá tra tháng 1 ước tính đạt 82.100 tấn, tăng 7,5% so với cùng kì năm trước.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), 2018 đánh dấu là năm đầu tiên trong vòng 20 năm qua kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt ngưỡng kỉ lục tới 2,26 tỉ USD tăng 26,5% so với năm 2017. Trong đó Mỹ là thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam.

Đánh giá kết quả năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng năm 2018 dù gặp nhiều khó khăn nhưng với sự cố gắng của ngành chức năng, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp đưa ngành hàng cá tra tăng trưởng vượt bậc với tính liên kết tăng cao.

Sản phẩm đa dạng với hơn 80 mặt hàng với một số giá trị cao. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư cá tra từ giống, vùng nuôi tiêu chuẩn, đa dạng sản phẩm chế biến đến tìm kiếm, mở rộng thị trường.

Cụ thể, vùng Đồng bằng sông Cửu Long thả nuôi khoảng 5.400 ha cá tra thương phẩm (tăng 3,25% so cùng kỳ). Trong đó, diện tích nuôi cá tra đạt chứng nhận VietGAP đạt khoảng 3.834ha; sản lượng thu hoạch hơn 1,42 triệu tấn (tăng 13,6%).

Năm 2018, giá cá tra thương phẩm dao động khoảng 29.000 đồng/kg, cao hơn bình quân năm 2017 là 4.000 đồng/kg. Riêng thời điểm tháng 10/2018, giá cá tra cao đỉnh điểm là 35.000 - 36.000 đồng/kg. Nhờ giá duy trì mức cao, đưa kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt 2,26 tỉ đồng, con số ấn tượng.

Thiếu hụt nhân công - Thách thức mới với ngành cá tra

Theo Báo Tuổi Trẻ, phát biểu tại hội nghị, ông Doãn Tới, Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Nam Việt phản ánh tình trạng doanh nghiệp thiếu nhân công đang là một khó khăn lớn.

bo truong bo nnptnt yeu cau siet chat quan li quy hoach nuoi ca tra

Ông Tới cho rằng có thể do đặc thù công việc là làm trong môi trường lạnh và phải đứng trong nhiều giời nên hàng loạt nhân công chuyển qua các ngành khác như dệt may, da giày.

Bình luận về về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các doanh nghiệp cần thúc đẩy áp dụng khoa học tiên tiến vì đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh lao động có xu hướng thiếu trầm trọng. Đồng thời Bộ NN&PTNT sẽ bàn với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này trong thời gian tới.

Xem thêm