Thêm cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu cá tra của Việt Nam
Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghiệp Thủy sản miền Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Cá tra Việt Nam là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với cá tuyết (một loại cá da trơn) ở các thị trường trên thế giới, nhất là thị trường Mỹ. Theo Hiệp hội Thủy sản Mỹ dự báo nguồn cung cá tuyết toàn cầu năm 2019 sẽ giảm xuống còn 1,5 triệu tấn, tương đương giảm 90.000 tấn so với năm 2018, tạo thêm cơ hội lớn cho cá tra Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này.
Lý giải về vấn đề trên, phía Hiệp hội Thủy sản Mỹ cho rằng, do có khối nước ấm tồn tại ở những nơi nuôi cá tuyết trong những năm gần đây nên loài này không thể sinh sản và có dấu hiệu giảm mạnh. Điều này làm cho nguồn cung cá tuyết của Mỹ sẽ giảm mạnh tại vịnh Alaska.
Ngoài ra, sản lượng cá tuyết của Canada tại khu vực biển Đại Tây Dương cũng chưa có dấu hiệu phục hồi. Sự hạn chế nguồn cung cá tuyết dẫn đến hệ quả là các doanh nghiệp không đủ thịt cá tuyết phile cung ứng cho thị trường Mỹ và châu Âu năm 2019.
Theo nhận định của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, sản lượng cá tuyết sụt giảm là điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra nói riêng và ngành cá tra nói chung. Trong năm 2018, ngành chế biến xuất khẩu cá tra Việt Nam phát triển vượt bậc và đi vào ổn định. Các doanh nghiệp đầu ngành như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), Công ty trách nhiệm hữu hạn thủy sản Biển Đông (Cần Thơ)… góp phần đưa đến thắng lợi lớn cho ngành cá tra trong năm 2018.
Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn chia sẻ, năm 2018, ngành cá tra đạt kim ngạch xuất khẩu là 2,26 tỷ USD, tăng hơn 26% so với năm 2017, riêng Vĩnh Hoàn đạt 378 triệu USD, tăng 26% so với năm 2017.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp Hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định, giá cá tra khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giữ ổn định, từ 31.000-33.000 đồng/kg. Năm 2019, ngành cá tra được dự báo sẽ tiếp tục đà tăng trưởng; trong đó, diện tích sản xuất cá tra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hơn 3.800 ha, sản lượng trong nước ước 3 triệu tấn, tăng 4,6% so với năm 2018.
Sự tăng trưởng nguồn cung này sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ và châu Âu thay cho con cá tuyết đang thiếu hụt tại đây. Với đà tăng trưởng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra trong năm 2019 là đạt kim ngạch 2,3 tỷ USD.