|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics của cả nước

13:00 | 04/03/2023
Chia sẻ
Ngày 4/3, tại thành phố Hạ Long, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị Phát triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh.

Logistics được ví như "mạch máu" của nền kinh tế quốc dân

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, logistics là ngành dịch vụ được ví như những "mạch máu" của nền kinh tế quốc dân, có vai trò kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được xem là một quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế đối với ngành logistics, bởi nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương phát triển năng động bậc nhất thế giới, nơi có nguồn hàng tập trung và luồng hàng giao lưu mạnh, cùng với nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức 2 con số. 

Thời gian qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã vươn lên đứng ở top đầu các nước có Chỉ số Logistics thị trường mới nổi với tốc độ tăng trưởng khá cao (14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu và vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhận định, Quảng Ninh không chỉ có những tiềm năng, lợi thế vượt trội về tài nguyên khoáng sản,danh lam thắng cảnh… mà còn có ngành dịch vụ tiềm năng, lợi thế đặc biệt phát triển logistics, với vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện và hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không), giúp kết nối, giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, khu vực và quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Quảng Ninh tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng tại Nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh đó, chú trọng rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để thu hút các nguồn lực xã hội, đồng thời ưu tiên bố trí ngân sách để làm "vốn mồi". Đông thời, dẫn dắt, thu hút tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực, kinh nghiệm vào đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn, tích hợp nhiều dịch vụ, có vai trò trung chuyển hàng hóa đa phương thức và có khả năng kết nối hiệu quả với các hệ thống đường cao tốc, cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu, hành lang kinh tế, ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0… 

Đồng thời, tỉnh cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực tại chỗ; tiếp tục đẩy mạnh, đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, kinh tế số, đáp ứng yêu cầu phát triển dịch vụ logistics trong tình hình mới.

Phát triển Quảng Ninh là một trung tâm logistics

Với lợi thế vượt trội về vị trí địa - kinh tế, chiến lược, có đủ các loại hình giao thông, hệ thống cửa khẩu quốc gia và quốc tế, Trung ương đã xác định phát triển Quảng Ninh là một trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN; sân bay quốc tế Vân Đồn thành một trung tâm logistics của Việt Nam, hướng tới là điểm trung chuyển cho khu vực Đông Nam Á…

Quảng Ninh xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trên địa bàn tỉnh, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký thông tin, tỉnh đang tích cực chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", đi tiên phong trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để phát huy mọi tiềm năng, lợi thế cho phát triển.

Tỉnh đẩy nhanh xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo mô hình "một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực", trở thành một trong những địa phương đi đầu đổi mới của vùng Đồng bằng Bắc bộ, một cực tăng trưởng toàn diện của khu vực phía Bắc.

Trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Ninh đạt 2 con số. Năm 2022, đạt 10,28%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, logistics, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quy mô nền kinh tế đạt 269.000 tỷ đồng (đứng thứ 7 cả nước), gấp 2,36 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc); tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước; tỷ lệ đô thị hóa đạt 67% (đứng thứ 5 cả nước).

Đến nay, sau 5 năm triển khai Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 28/7/2017 về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án là các dự án hạ tầng cảng biển, logistics như: Tập đoàn Sunrgroup; Bến Thành; T&T; VINACOMEX; Đông Dương Group…; nhiều dự án cảng biển, logistics, hạ tầng giao thông, kỹ thuật đã được đầu tư hoàn thiện, điển hình Dự án bến cảng tổng hợp Vạn Ninh (giai đoạn 1) của Công ty Cổ phần cảng quốc tế Vạn Ninh, tổng mức đầu tư 2.248,5 tỷ đồng; cùng nhiều dự án đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư…

Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh bước đầu có những thành công trong việc thu hút  các nhà đầu tư lớn trong và nước ngoài như: Tập đoàn Foxconn;  Vĩ Trọng (Đài Loan, Trung Quốc); Jinko Solar (Hồng Kông, Trung Quốc); TCL (Trung Quốc); AeonMall (Nhật Bản); Lotte (Hàn Quốc); Thành Công; TH (Việt Nam) đến nghiên cứu, tìm hiểu, đầu tư các dự án từ tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng của tỉnh, tạo ra các sản phẩm, hàng hóa phục vụ xuất khẩu góp phần vào việc phát triển dịch vụ cảng biển và logistics trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2017 - 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch đối với dự án hạ tầng logistics .

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, địa phương này hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục hành chính, đất đai, giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn tài sản ...cho các nhà đầu tư.

Tại Hội nghị phát triển triển dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh đã ký kết bản ghi nhớ, thoả thuận giữa các sở, hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Thanh Vân