|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khơi thông 'mạch máu' logistics - Bài 1: Mắt xích kết nối thương mại

23:01 | 02/01/2023
Chia sẻ
Nhằm phản ánh những lợi thế cũng như hạn chế của ngành logistics của Việt Nam hiện nay, nhất là thực tế tại TP.HCM, phóng viên thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề "Khơi thông 'mạch máu' logistics."

 

Kho bãi chứa container tại cảng Cát Lái, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN). 

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta hiện nay, việc tập trung đầu tư, có các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển logistics là vô cùng quan trọng. Có thể nói, logistics là “mạch máu” kết nối chuỗi sản xuất - lưu thông hàng hóa trong nước và giao thương với thị trường thế giới.

Nhằm phản ánh những lợi thế cũng như hạn chế của ngành logistics nước ta hiện nay, nhất là những ghi nhận từ thực tế tại Tp.Hồ Chí Minh, TTXVN thực hiện chùm 4 bài viết với chủ đề "Khơi thông "mạch máu" logistics".

Bài 1: Mắt xích kết nối thương mại

Sự “lên ngôi” của các xu hướng vận chuyển, logistics và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành một thị trường mới nổi đầy tiềm năng, nhưng hiện thực hóa những tiềm năng này cần một chính sách tổng thể.

Theo đó, xác định logistics là mắt xích quan trọng kết nối thương mại trong và ngoài nước, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang tập trung đầy đủ các loại hình logistics như cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, ga hàng hóa... nhưng lĩnh vực này vẫn còn một số hạn chế nhất định.

Top thị trường logistics mới nổi

Thị trường Logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu nhờ sự “chuyển mình” mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics. Dự báo, tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Viêt Nam sẽ đạt mức 5,5%.

Ngành dịch vụ logistics đang phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam theo sự tăng trưởng của hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như dịch vụ bán lẻ, phân phối...

Đặc biệt, muốn nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, cải thiện dịch vụ, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, góp phần cắt giảm chi phí, giá thành thì doanh nghiệp phải sử dụng đa dạng ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh, mà logistics là một mắc xích quan trọng.

Trong điều kiện hiện nay, khi cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập sâu rộng về kinh tế, nhất là thị trường thương mại tự do vừa mang lại cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức cho hầu hết ngành nghề, lĩnh vực.

Việt Nam đã ký kết và tham gia 17 Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP),  Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)... là các FTA thế hệ mới với nội dung toàn diện và sâu sắc hơn.

Thực thi các FTA chính là quá trình gỡ bỏ dần rào cản thuế quan và phi thuế quan, mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ... nội địa.

Thương mại gia tăng còn tạo ra nhu cầu và động lực cho sự phát triển của dịch vụ logistics; ngược lại logistics chính là nền tảng và “bệ đỡ” cho sự tăng trưởng của kinh tế.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển dịch vụ logistics và những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng ngành logistics.

Mới đây, Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 với nhiều giải pháp toàn diện, thể hiện rõ cam kết của Chính phủ nhằm kiến tạo môi trường thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm bớt chi phí logistics.

Dịch vụ logistics là hoạt động thương mại nên doanh nghiệp cần tổ chức thực hiện một hoặc nhiều khâu. Về phía địa phương, đòi hỏi phải có một chính sách tổng thể từ thu hút đầu tư tới cải thiện cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính… và các cơ quan chức năng đã và đang xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ và hiệu quả.

Bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Thương Mại, Công ty SLP Việt Nam chia sẻ, hiện nền tảng hệ thống kho bãi của Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng đang có quy chuẩn chưa cao. Đồng thời, còn khá nhiều doanh nghiệp logistics chưa cung ứng sâu rộng các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, nhu cầu về vị trí kho vận tiệm cận khu vực nội đô như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội... cũng như nhu cầu xây dựng kho vận quy chuẩn theo hệ thống toàn cầu ngày một tăng cao. Còn hệ thống cung cấp các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng số hóa trong quản lý, tự động hóa trong vận hành vẫn là khái niệm mới mẽ.

Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của những nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao. Hơn thế nữa, với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đã có nhiều ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động logistics tại Việt Nam.

Yêu cầu hạ tầng bền vững

Liên quan đến phát triển bền vững lĩnh vực logistics, một số chuyên gia cho rằng, cần được tiếp cận lĩnh vực logistics ở góc độ tổng thể là các dịch vụ vận tải, kho bãi, đóng gói, kiểm định, giao nhận hàng hóa... dùng để chuyên chở nguyên vật liệu đến từng nhà máy sản xuất, và vận chuyển toàn bộ sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Để phát triển ngành logistics, Tp.Hồ Chí Minh nói riêng vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế cần được nhận diện, phân tích để có những giải pháp và chính sách phù hợp.

Hay nói cách khác, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc, gồm: nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hành chính, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao...

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp Tp.Hồ Chí Minh tăng trưởng trung bình 14%.

Báo cáo của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, thành phố đã và đang tập trung đầy đủ các loại hình logistics: cảng biển, cảng sông, cảng hàng không, ga hàng hóa.

Thống kê trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, có 5 cảng cạn (ICD) đang hoạt động tại khu vực phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, bao gồm: ICD Tracomexco - Phước Long 3, ICD Transimex, ICD Sotrans, ICD Tây Nam - Tanamexco, ICD Phúc Long, với tổng diện tích 50,2 ha (nếu tính cả Phước Long 1 và Kho bãi Thành phố thì tổng diện tích là 63 ha), với 1.112m cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu 5.000 tấn.

Đến nay, trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có 1.505 kho hàng; trong đó, 520 kho của doanh nghiệp sản xuất. Những kho hàng này, chủ yếu phát triển quy mô lớn nhỏ khác nhau tùy vào nhu cầu của chủ hàng. Nhìn tổng thể hệ thống kho hàng và trung tâm phân phối tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh đang có xu hướng thu hẹp, chuyển dần về phía các tỉnh Bình Dương và Đồng Nai.

Tuy nhiên, hệ thống kho lạnh trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chưa phát triển, ít người đầu tư, kinh doanh... trong khi nhu cầu kho lạnh khá cao, dẫn đến khó thuê được kho lạnh và cước lưu kho cao.

Đồng thời, hệ thống giao thông nội thành và liên tỉnh chưa đầy đủ, cũng như một số dự án vẫn chờ thời gian hoàn thành dự án trong tương lai mới có thể tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, kinh doanh kho lạnh trên địa bàn thành phố.

Hiện nay, hoạt động vận tải chiếm khoảng 55%-65% chi phí logistics được thống kê thuộc nhóm cao nhất trong các dịch vụ, sản phẩm thuộc chuỗi cung ứng.

Dữ liệu hành trình của các phương tiện vận tải đã được áp dụng, nhưng việc khai thác, phân tích dữ liệu này thành cơ sở đề xuất hay đưa ra những quyết định liên quan đến quy hoạch giao thông, bố trí bãi đậu xe nội thành hay khu vực trung chuyển hàng hóa vẫn chưa được khai thác.

Hoạt động vận tải vốn là mắt xích quan trọng trong lưu thông hàng hoá, tác động trực tiếp đến hiệu quả của logistics đối với hoạt động xuất nhập khẩu lẫn thương mại điện tử. Tuy nhiên, Tp. Hồ Chí Minh chưa có những trung tâm logistics đáp ứng tiêu chí trong Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, để giải quyết những vấn đề quan trọng của hạ tầng logistics, việc hình thành trung tâm logistics hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay là hết sức bức thiết.

Theo Đề án phát triển logistics Tp. Hồ Chí Minh đến 2025 và tầm nhìn 2030 của Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, căn cứ vào nhu cầu sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, đồng thời trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có để phả triển 7 trung tâm logistics đạt chuẩn.

Về giải pháp hợp tác, liên kết vùng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long... nhằm phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, xây dựng những tuyến đường vành đai và nhất là hệ thống đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh kết nối địa phương.

Cụ thể, Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phân chia vai trò trong chuỗi dịch vụ ngành logistics, trong đó Tp. Hồ Chí Minh hướng tới cung cấp dịch vụ giá trị cao trong chuỗi dịch vụ logistics xuất khẩu và phân phối nội địa.

Còn các tỉnh, thành lân cận hướng tới trở thành những trung tâm logistics vệ tinh là nơi tập trung dịch vụ logistics cơ bản phục vụ cho hàng hóa được sản xuất tại địa phương trước khi xuất khẩu qua cụm cảng khu vực Tp. Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở này, các địa phương "bắt tay" tạo sự thuận lợi trong vận tải, thương mại hàng hóa nội địa và quốc tế bằng việc rút ngắn thời gian vận chuyển, tăng chất lượng dịch vụ logistics.

Bài 2: Củng cố tiềm lực doanh nghiệp

Mỹ Phương